Mở rộng không gian cho áo dài
Theo kế hoạch, ngày 28/3 tới đây, Hội LHPN quận 5 sẽ tổ chức hội thi trình diễn áo dài thương nhân tại trung tâm thương mại An Đông.
Chia sẻ về kế hoạch này, bà Trần Thị Tuyết Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN quận 5 - cho biết, việc chọn địa điểm trình diễn áo dài tại một khu chợ lâu đời nhằm mục đích mở rộng không gian cho áo dài, cũng như quảng bá các điểm đến du lịch của địa phương.
Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, với người dân TPHCM, trước đây áo dài chỉ xuất hiện ở một số không gian như nhà thờ, đình chùa, phố đi bộ, trường học, nhà văn hóa… Việc trình diễn áo dài ở chợ có thể lạ với nhiều người, nhưng Hội LHPN quận 5 tin rằng, hoạt động sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi đây là địa điểm dân cư đông đúc, tập trung nhiều phụ nữ, cũng là một điểm đến tham quan mua sắm nổi tiếng, thu hút nhiều du khách quốc tế.
|
Nhiều thành viên nhỏ tuổi tham gia cuộc thi Duyên dáng áo dài do Hội LHPN quận 8 tổ chức ngày 16/3 |
Có thể nhận thấy, trong những năm gần đây, áo dài xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nắm bắt tâm lý thích chụp ảnh của chị em, các ban ngành từ cấp thành phố đến từng quận huyện, khối doanh nghiệp cũng có xu hướng tạo thêm không gian cho áo dài.
Vào những dịp lễ tết, những trung tâm thương mại như Diamond, chợ Bến Thành hay Đường sách TPHCM đã thu hút ngày càng nhiều chị em phụ nữ cùng gia đình trong trang phục áo dài đến vui chơi, chụp ảnh kỷ niệm.
Đặc biệt, việc kéo dài thời gian trưng bày đường linh vật rồng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ năm nay cũng nhằm kéo dài không gian cho người mặc áo dài trong tháng áo dài.
Ở lễ hội áo dài năm nay, các quận huyện đã tăng cường tổ chức các hội thi gắn áo dài với các điểm đến nổi bật để thông qua đó, vừa giới thiệu áo dài với cộng đồng và du khách, vừa giới thiệu được các sản phẩm du lịch. Có thể kể như hội thi áo dài tại các di tích lịch sử và điểm đến du lịch của Hội LHPN quận 5, cuộc thi “Áo dài trên quê hương Nhơn Đức” do Hội LHPN xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè)…
Không chỉ ngoài đời, áo dài còn lan tỏa trên không gian mạng. Xác định mỗi người dân, mỗi hội viên phụ nữ trong hơn 1 triệu phụ nữ khắp thành phố phải là 1 tuyên truyền viên tích cực, đồng thời, xác định mạng xã hội là công cụ tuyên truyền, lan tỏa áo dài, thời gian qua, hội LHPN các cấp đã sử dụng triệt để các trang fanpage để cập nhật các thông tin về lễ hội áo dài cũng như những hoạt động hưởng ứng, tôn vinh áo dài. Hội LHPN các cấp, các chi tổ hội cũng sử dụng công cụ này cho hoạt động, phong trào hội nói chung và các hoạt động gắn với áo dài nói riêng.
Có thể nói, trong tháng Ba này, áo dài đã tràn ngập không gian mạng. Từ những hoạt động của hội đến các cuộc thi áo dài online, những hoạt động về nguồn, các buổi họp mặt… đều là cơ hội để chị em “khoe áo dài”. Nhiều hội viên, phụ nữ đi cà phê sáng cũng rủ nhau mặc áo dài để chụp ảnh check-in Facebook, Zalo…
“Những hình ảnh áo dài dày đặc trên mạng xã hội đã tạo nên hiệu ứng ngày càng lan tỏa, rộng khắp, khiến áo dài dường như trở thành một trang phục dân tộc được sử dụng rộng rãi trong đời thường. Không còn ngại ngần như trước, nhiều chị em đã dần quen với việc mặc áo dài dạo phố” - bà Sầm Kim Tương - hội viên phụ nữ quận Bình Thạnh - bộc bạch.
Hướng đến thế hệ tương lai
Cũng tại quận 5, ngày 17/3 vừa qua, 100 nam giới đại diện cho 100 đội tham dự hội thi “Khi đàn ông vào bếp” đã bước lên sân khấu trong trang phục áo dài khiến nhiều người thích thú. Không chỉ những người tham gia hội thi mà người thân của họ đi theo cổ vũ cũng diện áo dài.
Chia sẻ cảm nhận về hội thi, bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - thích thú: “Điều đặc biệt của hội thi là 100 nam giới đã vào bếp để gửi đi thông điệp rất dễ thương, đó là các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ công việc nội trợ với phụ nữ. Nhưng ấn tượng hơn là trong tháng áo dài, quận 5 đã gắn kết những hoạt động một cách sinh động, sáng tạo để vừa kêu gọi nam giới quan tâm dành tình cảm, chia sẻ cho phụ nữ, vừa khuyến khích nam giới mặc áo dài. Những cách làm sáng tạo này cần được lan tỏa để quy tụ nhiều hơn nam giới đến với các hoạt động và phong trào của hội”.
|
Gia đình 3 thế hệ cùng diện áo dài tham dự và cổ vũ hội thi “Khi đàn ông vào bếp” do Hội LHPN quận 5 tổ chức ngày 17/3 |
Với Lễ hội Áo dài lần thứ 10, có thể thấy, các cấp hội đã tổ chức những hoạt động nhằm lan tỏa tình yêu áo dài trong lòng người dân thành phố. Các buổi tọa đàm về áo dài ngày càng đa dạng chủ đề, từ lịch sử, vẻ đẹp văn hóa của chiếc áo dài đến việc mặc áo dài như thế nào cho đẹp và phù hợp trong thời đại ngày nay.
Đặc biệt, cuộc thi “Duyên dáng áo dài” năm nay được đầu tư quy mô, từ trang phục, trình diễn cho đến đối tượng dự thi cũng mở rộng hơn. Tại quận 8, 8/18 đội tham gia vòng chung kết cuộc thi “Duyên dáng áo dài” có thí sinh đa dạng độ tuổi. Bà Nguyễn Đoàn Phi Phượng - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 8 - chia sẻ, trong hội thi năm nay, Hội LHPN quận đã phối hợp Phòng GD-ĐT vận động các trường học, đặc biệt là các em học sinh tham gia.
Điểm thành công là đã vận động được khối trường học tham gia ngày càng đông và ngày càng thu hút thêm nhiều học sinh.
“Từ cuộc thi, chúng tôi muốn góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tôn vinh vẻ đẹp, đồng thời định hướng thẩm mỹ thời trang áo dài trong giới trẻ. Không ai khác, đó chính là lực lượng kế thừa, lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc trong tương lai” - bà Nguyễn Đoàn Phi Phượng khẳng định.
Nguyệt Minh