Vun đắp tình hữu nghị từ những hoạt động hỗ trợ phụ nữ

08/01/2025 - 06:13

PNO - Trong những năm qua, Hội LHPN TPHCM đã tăng cường và mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; tổ chức nhiều chuyến thăm, giao lưu và ký kết nhiều chương trình hợp tác với hội LHPN các thành phố, các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ hội viên phụ nữ, thúc đẩy phong trào phụ nữ cùng phát triển.

Dạy nghề xuyên biên giới

Trở về từ lớp dạy nghề trang điểm và nối mi cho hội viên, phụ nữ tỉnh Champasak (Lào), cô Đoàn Thị Ngọc Hà - giáo viên nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM - vẫn còn nuối tiếc vì khóa học trôi qua quá nhanh. Cô cho biết, cảm giác đi dạy xa lần này rất khác so với 5 năm trước khi lần đầu cô sang Lào dạy nghề. Lần ấy, dù Champasak là tỉnh lớn thứ hai ở Lào (chỉ sau thủ đô Viêng Chăn) nhưng nhịp sống vẫn còn rất thong thả, 18g tối là đường sá vắng tanh. Mọi thứ đều lạ lẫm khiến cô đếm ngược từng ngày.

Tháng 9/2024, trở lại Champasak, khoảng cách địa lý đã không còn nữa. Thay vào đó là cảm giác cô được gặp lại người nhà, những con đường, lối đi trở nên quen thuộc. Sau giờ dạy, cô tự mình đi dạo, khám phá khắp nơi mà không cần người hỗ trợ.

Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai tham quan nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM trong chuyến thăm và làm việc tại TPHCM vào tháng 12/2024
Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai tham quan nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM trong chuyến thăm và làm việc tại TPHCM vào tháng 12/2024

Việc dạy nghề cho một lớp học khác biệt về ngôn ngữ cũng không còn vất vả như lần đầu. Với nghề trang điểm và nối mi, cô Hà hạn chế giải thích mà chọn dạy theo phương pháp trực quan, yêu cầu học viên quan sát và làm đúng thao tác. Cô cũng yêu cầu Hội LHPN tỉnh Champasak hỗ trợ tìm mẫu để học viên có thể thực hành tại lớp ngay sau giờ học lý thuyết. Mỗi ngày đều có cán bộ hội LHPN và chị em phụ nữ ở các xã lân cận đến tự nguyện làm mẫu, nhờ đó, học viên được thực hành ngay trên người thật.

Cô Hà cho biết, nghề nối mi, làm móng ở Champasak phần lớn do người Việt Nam sang mở tiệm. Phụ nữ Lào muốn học nghề sẽ đến các tiệm người Việt hoặc phải sang Thái Lan với mức học phí khá cao. Do đó, khi Hội LHPN TPHCM mở lớp dạy nghề miễn phí, nhiều chị em đăng ký tham gia với tinh thần hết sức nghiêm túc.

Ở lớp nghề năm 2022, cô ấn tượng với 1 học viên từ miền núi xuống, phải mang theo gạo, thực phẩm và tạm trú tại trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh Champasak cho đến hết khóa học. “Năm nay, đối tượng của lớp học là phụ nữ khó khăn, chủ yếu là những người đang làm công cho tiệm hoặc đã có cửa tiệm nho nhỏ ở nhà, muốn học để nâng cao tay nghề, nên hiệu quả của lớp học cao hơn so với dự tính” - cô Hà chia sẻ.

Giống như đồng nghiệp, thầy Võ Thành Phương - giáo viên lớp nghề may vest của nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM - cũng là gương mặt quen thuộc của các lớp dạy nghề xuyên biên giới. Tháng 9/2024 là lần thứ năm (trong 7 năm qua) thầy sang Lào dạy nghề cho hội viên, phụ nữ nước bạn, kinh nghiệm vì thế cũng ngày một thêm dày.

Thế nhưng, những khó khăn khi đến với lớp nghề ở thủ đô Viêng Chăn thì thầy còn nhớ mãi. Mặc dù được Phó chủ tịch Hội LHPN thủ đô Viêng Chăn hỗ trợ phiên dịch, nhưng giọng miền Nam của thầy Phương khiến phiên dịch viên (từng được đào tạo tiếng Việt ở phía Bắc) nhiều lần bối rối. Sau 1 tuần nghiệm ra nguyên nhân, thầy Phương đã “nhái” giọng miền Bắc để phiên dịch dễ dàng nắm bắt.

“Thế nhưng cũng không thể cậy nhờ hoàn toàn vào phiên dịch, vì có những từ ngữ chuyên môn của ngành may phiên dịch viên không biết, nên tôi phải ráng học tiếng Lào từ học viên, học những câu họ thường sử dụng trong nghề. Đến nay, tôi có thể dạy hoàn toàn bằng tiếng Lào để học viên nắm bắt dễ hơn” - thầy Phương chia sẻ.

Thầy kể một chuyện vui: năm 2017, được giao nhiệm vụ dạy 4 món trong 1 tháng, gồm may quần tây và áo sơ mi nam, nữ. Khi nghe thầy thông qua chương trình học, học viên cười tủm tỉm. Sau đó họ bảo thầy không cần dạy may quần tây nữ vì phụ nữ Lào quanh năm chỉ mặc váy.

Điều khiến thầy Phương hài lòng nhất qua 5 chuyến đi là phía bạn chọn lọc đối tượng tham gia rất kỹ. Không phải vì học miễn phí mà ai tham gia cũng được. Họ trao cơ hội cho những người thực sự có nhu cầu, biết nghề và khát khao nâng cao tay nghề. Trong lớp học vừa qua, thầy Phương ngạc nhiên khi thấy lớp có 3 nam giới tham gia. Tất cả họ đều là thợ may, có tiệm may nho nhỏ tại nhà. Để được học kỹ thuật may vest, họ phải thông qua vợ, xin tham gia lớp.

Hầu hết các giáo viên đến Lào dạy học đều ấn tượng với sự trọng thị từ những hội viên, học viên. Cảm nhận của các giáo viên là chưa nơi nào họ nhận được sự tôn trọng, tình cảm chân thành của người học dành cho mình như ở Lào. Thầy Phương kể: “Các học viên thường mang theo gạo nấu cơm trưa và mời các giáo viên cùng ăn. Ở Lào bao nhiêu buổi trưa thì bấy nhiêu buổi tôi được học viên nuôi cơm. Qua những bữa cơm, mình cảm nhận sâu hơn về tình hữu nghị của 2 đất nước”.

Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai tham quan phòng truyền thống của Hội LHPN TPHCM
Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai tham quan phòng truyền thống của Hội LHPN TPHCM

Tăng cường đối ngoại để thúc đẩy phong trào

Cắt may, trang điểm - nối mi, làm móng, cắt uốn tóc là những lớp nghề được Hội LHPN TPHCM đều đặn tổ chức mỗi năm kể từ năm 2017 để hỗ trợ hội viên, phụ nữ tỉnh Champasak và thủ đô Viêng Chăn theo chương trình hợp tác giữa 2 bên. Từ các lớp dạy nghề này, Hội LHPN TPHCM đã giúp hội bạn đào tạo lực lượng giáo viên nguồn để từ đó tổ chức thêm nhiều lớp dạy nghề, giúp được nhiều hội viên, phụ nữ Lào có nghề nghiệp ổn định, phát triển kinh tế gia đình hơn nữa.

Có thể thấy, trong thời gian qua, công tác đối ngoại nhân dân được Hội LHPN TPHCM thực hiện hết sức sáng tạo và có tâm bên cạnh tinh thần hữu nghị, nhằm hướng đến việc tăng cường hỗ trợ hội viên phụ nữ một cách hiệu quả, thúc đẩy phong trào phụ nữ cùng tiến bộ.

Trong năm 2023, Hội LHPN TPHCM đã mở rộng quan hệ hợp tác, đối ngoại thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Công cộng TP Minsk (Hội LHPN Belarus). Theo đó, Hội LHPN thành phố đã sang thăm, làm việc và dự lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng của nước Cộng hòa Belarus, thực hiện ký kết nhiều nội dung.

Tháng Tám vừa qua, Hội LHPN TPHCM cũng đã đến quận Masan, TP Changwon (Hàn Quốc) thăm và làm việc với trung tâm đa văn hóa PSY - đơn vị hợp tác với trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình (thuộc Hội LHPN TPHCM) - nhằm thực hiện các hoạt động giới thiệu kết hôn trong nhiều năm qua; làm việc với lãnh đạo Tổ chức Di dân Hàn Quốc.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2019-2024, Hội LHPN TPHCM và Tổ chức Di dân Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức 54 khóa đào tạo tiếng Hàn cho 3.612 học viên kết hôn di trú. Ngoài việc dạy tiếng Hàn, công dân Việt Nam còn được hỗ trợ tư vấn về pháp luật, phong tục tập quán, văn hóa…

Tháng 8/2024, nhận lời mời của Hiệp hội Báo chí và Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai (Thái Lan), Hội LHPN TPHCM đã có chuyến thăm và làm việc tại Chiang Mai. 2 bên đã có cuộc gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về công tác hội và phong trào phụ nữ. Chuyến thăm đã đặt tiền đề để tháng 12/2024, đoàn đại biểu Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai thực hiện chuyến thăm và làm việc với Hội LHPN TPHCM.

Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM Trịnh Thị Thanh khẳng định, Hội LHPN TPHCM mong muốn mở rộng hợp tác với các nước, trong đó có Thái Lan. Bà Trịnh Thị Thanh khẳng định, trước mắt, hội phụ nữ 2 thành phố có thể nghiên cứu hợp tác ở một số lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế, đào tạo nghề và kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng buôn bán, cùng nhau tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa cũng như các hoạt động về lĩnh vực bình đẳng giới.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI