Đi tìm vẻ đẹp dưới biển sâu
Mặt trời hiện lên đỏ rực đánh tan lớp sương mờ. Đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) hiện ra như một dải lụa xanh giữa biển. Nhìn qua làn nước trong vắt, có thể thấy rõ từng chuyển động nhỏ của sự sống trong lòng đại dương. Lúc này, chiếc thuyền chở theo các chuyên gia của Viện Kỹ thuật biển cũng tiếp cận vùng biển có nhiều bãi san hô ở Nam Yết. Họ cẩn thận quan sát hướng gió, thủy triều, nhiệt độ và ghi chép cẩn thận vào sổ tay. Sự tỉ mẩn này sẽ giúp họ có một chuyến lặn biển an toàn.
|
Anh Trần Vĩnh Hoàng (bìa trái) và các đồng nghiệp chuẩn bị lặn nghiên cứu biển |
Khi mọi điều kiện thời tiết được đánh giá an toàn, nghiên cứu viên Huỳnh Đức Khanh chuẩn bị đồ bảo hộ và bộ dụng cụ nghiên cứu để thám hiểm đại dương. Đợt lặn biển kéo dài khoảng 45 phút. Thời điểm này, triều đã rút nhưng mực nước vẫn còn khá cao nên để quan sát rõ các rạn san hô, phải lặn khá sâu. Xuống càng sâu, nhiệt độ càng thấp, áp suất càng lớn nên khiến người lặn có cảm giác khó chịu.
Dưới nắng sáng, các rạn san hô ở Nam Yết như những tòa lâu đài tỏa đủ sắc màu lấp lánh. Anh Khanh chầm chậm tiếp cận các khối san hô ghi hình từng sinh vật, sự sống; vừa cẩn thận quan sát xung quanh đề phòng các sinh vật biển hung dữ tấn công. Sau 45 phút, anh Khanh lên bờ với thành quả là những hình ảnh, thước phim miêu tả chân thật về sự sống dưới đáy biển sâu.
Trong khi đó, các đồng nghiệp của anh Khanh tất bật thu thập các động vật phù du sống trên mặt biển và cả những sinh vật nằm sâu dưới lớp cát trong lòng đại dương. Những mẫu vật này sẽ giúp các chuyên gia tổng hợp, nghiên cứu và đánh giá được sự đa dạng sinh học của vùng biển. Để từ đó, đưa ra những cảnh báo, giải pháp giúp bảo tồn biển một cách hiệu quả.
Đảo Nam Yết có một vành đai san hô bao quanh dài trên 3km, rộng khoảng 250km². Phần dưới biển phía nam đảo là những vách đá dựng đứng có nhiều loại san hô bám khá độc đáo. Đây là nơi được đánh giá là phong phú nhất về thành phần loài san hô và xuất hiện cả san hô đỏ vô cùng quý hiếm. Do đó, nơi này là điểm đến lý tưởng của các nhà nghiên cứu về biển.
|
Nghiên cứu viên Huỳnh Đức Khanh đang ghi lại sự sống quanh các rạn san hô sâu dưới đáy đại dương |
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đảo Nam Yết có trên 240 loài, trong đó bộ san hô cứng 222 loài, san hô mềm 13 loài, san hô sừng 9 loài và 2 bộ san hô xanh, san hô thủy tức.
“San hô là ngôi nhà chung của vạn vật. Do đó, nơi nào có nhiều san hô thì sự sống ở đó cũng đa dạng” - anh Khanh hồ hởi chia sẻ.
Cách đó gần 300 hải lý, tại vùng biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), nhóm nghiên cứu của anh Trần Vĩnh Hoàng (Viện Kỹ thuật biển) cũng say sưa với việc nghiên cứu sinh vật biển. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một số mẫu tảo lạ ở khu vực gần bờ khiến các chuyên gia lo lắng. Ngay lập tức, nhóm chuyên gia trục vớt các mẫu tảo này lên thực hiện nghiên cứu và xác định đây là tảo độc.
“Những mẫu tảo độc này xuất hiện rải rác, chưa nguy hiểm. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện dinh dưỡng thuận lợi, mật độ tảo độc cao lên thì tảo sẽ nở hoa, gây nên hiện tượng thủy triều đỏ” - anh Trần Vĩnh Hoàng lý giải.
Theo các chuyên gia, tại vùng biển Phan Thiết đã từng nhiều lần xuất hiện thủy triều đỏ. Đợt thủy triều đỏ được xem là “thảm họa” diễn ra cách đây hơn 20 năm (tháng 7/2002). Khi đó, thủy triều đỏ lan rộng ra diện tích hơn 40km², làm khoảng 90% sinh vật trong vùng triều, kể cả cá, tôm trong các lồng, bè bị chết; môi trường bị ô nhiễm nặng. Hiện tượng này cũng khiến 82 người phải nhập viện.
Tảo hay còn gọi là thực vật phù du, là một thành phần không thể thiếu trong môi trường nước. Tuy nhiên, tảo cũng như những yếu tố khác, có mặt tốt và mặt xấu. Tảo độc, khi gặp môi trường ô nhiễm hữu cơ sẽ bùng phát rất mạnh. Hiện tượng này sẽ gây chết cá và các loài sinh vật trong biển. Ngoài ra, nếu cá ăn tảo độc bị tích lũy lâu ngày trong cơ thể khi người sử dụng cũng có thể bị ảnh hưởng. Do đó, việc nghiên cứu về tảo độc có giá trị về mặt khoa học, bảo tồn và cả sản xuất, đặc biệt là nghề nuôi thủy sản.
“Hiện tượng thủy triều đỏ tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân khác nhau như: dòng chảy, nhiệt độ, cường độ ánh sáng… Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do con người. Do đó, trước sự xuất hiện của các loài tảo độc, chúng tôi sẽ đưa ra những cảnh báo cho người dân vùng biển nuôi thủy sản để họ quản lý chặt thức ăn, nguồn thải để tránh gây ô nhiễm nguồn nước để tảo phát triển mạnh” - anh Hoàng chia sẻ.
Những năm qua, các chuyên gia ở Viện Kỹ thuật biển như anh Khanh, anh Hoàng không nhớ nỗi mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi để nghiên cứu về biển. Trong sổ tay đi biển của họ hầu như đã đánh dấu kín các địa danh trên vùng biển từ Thanh Hóa cho đến Cà Mau. Trung bình mỗi tháng, các chuyên gia có hơn chục ngày ăn ngủ trên biển để đánh giá biển dựa trên môi trường sinh học. Tình yêu biển mãnh liệt là thứ giúp họ vượt qua những nhọc nhằn, hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió.
“Có lần chúng tôi đi từ đảo Nam Du về Phú Quốc thì gặp bão biển. Do thuyền nhỏ, chúng tôi không thể di chuyển tiếp nên đành quay ngược về Nam Du trong điều kiện sóng to, gió lớn. Cũng có lần đi ra biển thì thuyền bị sự cố, lênh đênh nhiều giờ liền chờ cứu hộ. Rồi thì lặn dưới biển sâu, nhiều động vật nguy hiểm tấn công… Nhưng, cứ nghĩ những chuyến đi của mình sẽ giúp một phần nào đó trong việc bảo tồn đại dương là chúng tôi lại hăng say lên đường” - anh Hoàng chia sẻ.
Biển sẽ hồi sinh
Cầm trên tay một cuốn “gia phả” các loài san hô ở Việt Nam, chuyên gia sinh học Huỳnh Vũ Ngọc Quý - Trưởng bộ môn sinh thái và tài nguyên môi trường - Viện Kỹ thuật biển - hào hứng kể về những loài san hô độc đáo mà nhóm của anh từng bắt gặp, nghiên cứu trong những năm qua.
|
Các chuyên gia ở Viện Kỹ thuật biển có mặt trên hầu hết các vùng biển ở phía Nam để nghiên cứu, bảo tồn biển |
Trong các hệ sinh thái biển quan trọng, hệ sinh thái rạn san hô được ví như là “rừng mưa nhiệt đới ở dưới biển” và cũng là hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Không chỉ có vậy, hệ sinh thái rạn san hô còn có năng suất sinh học cao, là nơi cư ngụ của rất nhiều loài sinh vật rạn, nên được mệnh danh là “ngôi nhà chung của vạn vật”.
Tại Việt Nam, rạn san hô phân bố ở nhiều nơi, từ vùng ven bờ tới vùng hải đảo Quảng Ninh, Hải Phòng; các đảo ngoài khơi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; dọc ven biển miền Trung cho đến Bình Thuận; các đảo ngoài khơi phía Đông và Tây Nam Bộ như Côn Đảo, Thổ Chu, Nam Du, Phú Quốc, Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó Hoàng Sa và Trường Sa là 2 quần đảo san hô lớn nhất Biển Đông.
Xen lẫn niềm tự hào, chuyên gia sinh học Huỳnh Vũ Ngọc Quý cũng không cất được nỗi lo khi hiện tượng xâm hại các rạn san hô đang ngày càng nghiêm trọng, khốc liệt hơn. Trong chuyến nghiên cứu biển gần đây ở Côn Đảo, Phú Quốc, Quảng Bình…, các chuyên gia phát hiện một số rạn san hô đang bị suy thoái do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có hệ lụy từ việc đánh bắt, khai thác hải sản không bền vững.
|
Loài san hô thân mềm (tên khoa học Plexaurella homomalla) xuất hiện nhiều ở vùng biển Côn Đảo |
Năm nay, hiện tượng El Nino lại xuất hiện, các nhà nghiên cứu biển lo ngại về “thảm kịch san hô” tái xuất hiện. Năm 2016, sự nóng lên bất thường của nước biển đã tẩy trắng và gây chết san hô trên diện tích rộng 600ha. Những khối san hô khổng lồ bị tẩy trắng, đổ gục là sự rỉ máu của đại dương. Điều này cũng dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học trong biển.
“Nếu để mất đi những rạn san hô, chúng ta phải mất hàng trăm năm để phục hồi chúng trở lại. Đó là lý do thôi thúc chúng tôi thực hiện những đề tài nghiên cứu về bảo tồn biển” - chuyên gia Huỳnh Vũ Ngọc Quý chia sẻ.
Cùng với sự vào cuộc của các chuyên gia, nhiều người yêu biển cũng đang âm thầm vun bồi sự sống cho đại dương. Sáng sớm, anh Hồ Văn Tín - người tổ chức lặn biển ở Hòn Tằm (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) - phóng ca nô ra biển. Trong chuyến đi này, họ mang theo hàng ngàn con cá cảnh để phóng sinh xuống khu vực san hô. Anh Tín cho biết, số cá này được anh mua lại của các ngư dân quanh vùng. Việc phóng sinh cá xuống khu vực Hòn Tằm là để tạo sự đa dạng sinh học và bảo vệ các rạn san hô nơi đây.
|
San hô cứng (tên khoa học Acropora aculeus) có hình dáng đẹp nhưng dễ bị tẩy trắng và gãy đổ trước biến đổi khí hậu và tác động của con người |
Anh Tín bắt đầu việc lặn biển từ cách đây khoảng 30 năm. Anh đã từng rất tự hào vì ở Nha Trang có một “cung điện dưới nước” đó là Hòn Mun. Tuy nhiên, niềm tự hào đã trở thành nỗi đau của người yêu biển khi vào năm 2022, những rạn san hô ở Hòn Mun đồng loạt chết trắng. Hệ sinh thái biển ở đây xác xơ, tan hoang.
“San hô bị tàn phá là do biến đổi khí hậu, thiên tai. Tuy nhiên, cũng có yếu tố nhân tai. Đây là hậu quả của việc không chú trọng bảo tồn, việc gây ô nhiễm và cả việc những người lặn biển thiếu kỹ năng nên khi tham quan đã giẫm đạp, làm hư hại san hô” - anh Tín chia sẻ.
Theo anh Tín, rất nhiều lần, khi đưa những người bạn nước ngoài của mình lặn biển ở Nha Trang, anh thấy họ vớt những túi ni lông, chai nhựa ở dưới đáy biển sâu mang lên bờ bỏ vào thùng rác. Những việc làm nhỏ bé đó đã khiến anh Tín suy nghĩ rất nhiều. Anh thấy mình cần phải hành động để bảo vệ sự sống cho biển. Những năm qua, anh Tín đã bảo vệ sự sống của biển bằng cách mỗi tháng tổ chức hàng chục đợt thả cá ở khu vực san hô ở Hòn Tằm, lặn biển vớt rác thải, kêu gọi mọi người không mang rác thải ra đảo…
Bên cạnh niềm trăn trở, những người yêu biển như chuyên gia Huỳnh Vũ Ngọc Quý, anh Hồ Văn Tín cũng đầy phấn khởi khi nhắc về chuyện cá voi xuất hiện ở biển Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh vào tháng 9/2023 hay ở biển Đề Gi - Vũng Bồi vào tháng 7/2023.
Theo chuyên gia Huỳnh Vũ Ngọc Quý, sự xuất hiện của những chú cá voi ở gần bờ là chỉ dấu cho thấy sự cải thiện của môi trường biển và sự hồi sinh của đại dương. Đây cũng là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của cơ quan chức năng, các chuyên gia và cả người dân trong công cuộc bảo vệ biển.
“Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng đề án phát triển mới các khu bảo tồn biển và phục hồi hệ sinh thái biển để nâng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích vùng biển Việt Nam. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ phát triển, gìn giữ, bảo tồn biển và có điều kiện để phát triển kinh tế biển theo hướng xanh, bền vững” - chuyên gia Huỳnh Vũ Ngọc Quý kỳ vọng.
|
San hô Montipora informis phân bố ở gần bờ, dễ bị tác động bởi con người - Ảnh: Ngọc Quý |
Kết quả điều tra đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật đã xác định được tổng số 2.665 loài sinh vật phân bố trong hệ sinh thái rạn san hô. Trong đó, nhóm cá rạn san hô được xác định có thành phần loài phong phú nhất (615 loài); tiếp đến là san hô (444 loài); động vật thân mềm (410 loài); rong biển (376 loài); thực vật phù du (310 loài); động vật phù du (187 loài); động vật da gai (116 loài); động vật giáp xác (92 loài); thực vật ngập mặn (61 loài); giun nhiều tơ (43 loài), cỏ biển (11 loài) và 66 họ trứng cá, cá con. Xác định được 36 loài động vật quý hiếm, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng theo Sách Đỏ Việt Nam (2007) ở các phân hạng khác nhau, đây đều là những loài có số lượng quần thể ít ngoài thiên nhiên cần phải được bảo vệ để bảo tồn tính đa dạng không chỉ cho Việt Nam, mà còn có ý nghĩa trong bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới.
Sơn Vinh