Câu chuyện đẹp của những “người hùng”
Tại buổi tọa đàm, nhiều bạn trẻ được gặp gỡ và giao lưu với những tấm gương dũng cảm, những người không ngại hiểm nguy, cứu người hoạn nạn. Tiêu biểu là anh Mai Lê Duy Quang - người đã lao vào cứu tài xế khỏi chiếc ô tô đang bốc cháy trong vụ tai nạn liên hoàn xảy ra ở dốc cầu Phú Mỹ, TPHCM vào chiều 8/8 vừa qua. Cùng với anh Quang, anh Phan Văn Tài và anh Trương Văn Thành - nhân viên lái xe của Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á, Bình Dương - cũng góp phần vào hành động dũng cảm này.
|
Anh Mai Lê Duy Quang (thứ hai từ phải sang) cùng anh Phan Văn Tài và anh Trương Văn Thành giao lưu tại tọa đàm “Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái” - ẢNH: ĐỘC LẬP |
Anh Mai Lê Duy Quang kể lại: khoảng 14 giờ ngày 8/8, trên đường đi làm, đến đoạn cầu Phú Mỹ, anh nghe tiếng va chạm lớn và tiếng la hét kêu cứu. Lập tức anh dừng xe, băng qua dải phân cách để đến hiện trường. Tại đó, anh thấy một tài xế bị kẹt trong ô tô màu đen, kính xe vỡ và ngọn lửa bắt đầu bùng lên dữ dội ở phía sau.
Bất chấp nguy hiểm, anh Quang nhảy lên capo, dùng tay gỡ và lấy ra những mảnh kính đã vỡ ở khu vực buồng lái, thấy dây an toàn của tài xế bị kẹt, anh liền hô hoán tìm dụng cụ cắt dây. Ngay sau đó, có người đưa anh một cái kéo. Anh nhanh chóng cắt dây an toàn và cùng một người khác kéo tài xế ra ngoài trước khi ngọn lửa bùng lên và lan tới.
Cứu người xong, tay dính đầy máu, anh Quang vội lấy lá cây bên đường cầm máu rồi tiếp tục công việc của mình. Đến tối về, anh bất ngờ khi thấy hình ảnh về mình lan truyền trên mạng xã hội kèm theo những lời bình gọi anh là “người hùng”. Anh đã gửi video cho con gái ở quê Quảng Ngãi xem với niềm hy vọng: con mình cũng sẽ học được bài học về lòng nhân ái, biết giúp đỡ người khác trong hoạn nạn và trở thành người có ích cho xã hội. Anh Quang cho rằng: “Việc cứu người là điều hết sức bình thường. Tôi chỉ hành động theo bản năng, thấy người gặp nạn thì chạy đến cứu. Trong tình huống đó thì ai cũng sẽ làm như tôi” - anh Quang nói.
Cũng là một “người hùng” trong sự kiện nói trên, anh Phan Văn Tài kể: trong lúc hỗn loạn, thấy quá nhiều người bị thương, lửa cháy mạnh, anh cùng đồng nghiệp Trương Văn Thành nhanh chóng lấy bình cứu hỏa từ xe của mình lao đến hiện trường. Cứu được người, anh cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Rèn luyện kỹ năng sống, vun bồi lòng yêu thương
Trong khuôn khổ các hoạt động của cuộc thi “Sống đẹp lần thứ 4” với chủ đề “San sẻ yêu thương”, tọa đàm “Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái” hướng tới việc tìm hiểu môi trường giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến các phương pháp giáo dục giúp hình thành nhân cách tốt đẹp, xây dựng thế hệ thanh thiếu niên với “Thân khỏe mạnh - Trí tích cực - Tâm yêu thương”.
Bà Chế Ngọc Bảo Trân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục NQH SKILL - cho rằng, kỹ năng sống là một phần không thể thiếu để giúp thanh thiếu niên thích nghi tốt với đời sống và hỗ trợ các em học tập tốt. Với xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, nhất là sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, internet và thông tin số nhanh như vũ bão thì việc giáo dục kỹ năng sống lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm bồi dưỡng, xây dựng cho thế hệ trẻ Việt Nam một cách toàn diện.
Theo bà Bảo Trân, có rất nhiều kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn, kỹ năng hòa nhập, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng xử lý tình huống…
Hiện nay, nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm về kỹ năng an toàn, đối phó và thoát hiểm như phòng chống đuối nước, phòng chống bắt cóc, xâm hại; hay kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản trị cảm xúc nhằm giúp con em tránh những cảm xúc tiêu cực, xây dựng cảm xúc tích cực về tình yêu thương, về lòng biết ơn và biết chia sẻ, cảm thông.
Bà Kim Sao Nhua - diễn giả, chuyên gia tâm lý và chăm sóc sức khỏe toàn diện - cũng nêu những dẫn chứng cụ thể về các trường hợp cần phải có kỹ năng sống, lòng yêu thương, nhân ái. Bà Nhua nhấn mạnh, kỹ năng sinh tồn là năng lực thiết yếu giúp mỗi người vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Tùy theo độ tuổi, các bậc cha mẹ và gia đình cần có những cách giáo dục con cái phù hợp, bởi mỗi cá nhân và gia đình đều là những phần tử nhỏ trong xã hội.
Muốn xã hội phát triển, cần bắt đầu từ việc giáo dục những cá nhân. Thế hệ trẻ cần được giáo dục bằng 2 yếu tố nghe và nhìn. Nghe để hiểu và nhìn để thấy rõ mọi sự việc của cuộc sống.
|
Các bạn trẻ tham gia tọa đàm “Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái” do Báo Thanh Niên phối hợp với Trung tâm Kỹ năng sống NQH SKILL tổ chức, sáng 22/8 - ẢNH: NGỌC TRĂM |
Theo diễn giả, để tránh tình trạng giới trẻ sống thờ ơ, vội vã, mỗi người trẻ cần tự hỏi bản thân mình muốn trở thành người như thế nào và làm gì để có ích cho xã hội. Việc xác định mục tiêu rõ ràng và tìm phương pháp cụ thể để thực hiện sẽ giúp cho chúng ta có cuộc sống ý nghĩa hơn, bớt vội vã và suy nghĩ thấu đáo hơn trong mọi hành động.
Còn với ca sĩ Ngọc Ánh, việc giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống từ gia đình là nền tảng quan trọng để trẻ thành một người có trách nhiệm và biết quan tâm đến cộng đồng. Về mình, Ngọc Ánh luôn ưu tiên dạy con tính tự lập và mạnh mẽ, biết chịu trách nhiệm về những gì mình làm, tự quản lý thời gian học tập và sinh hoạt.
Với quan niệm đó, Ngọc Ánh cho rằng, nuông chiều con là hại con. Thay vào đó, các bậc cha mẹ nên khuyến khích con học cách đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống, đặc biệt trong môi trường học đường. Ngoài ra, cha mẹ phải là tấm gương sáng để các con noi theo, học hỏi.
Bạn Trần Phan Phương Vy - học sinh lớp Mười một Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp) - chia sẻ: “Tọa đàm giúp em được gặp gỡ và có những bài học quý báu về lòng yêu thương, giúp đỡ người hoạn nạn, nhận ra tầm quan trọng của kỹ năng sống. Vì thế, trong tương lai, em sẽ tiếp tục trau dồi các kỹ năng và tự vun bồi lòng nhân ái qua những hành động cụ thể”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đại diện ban tổ chức - nhấn mạnh: “Tọa đàm hướng đến câu chuyện thời sự hơn về giáo dục kỹ năng sống tại Việt Nam cho các bạn trẻ. Tọa đàm nhằm trao đổi, bàn luận về thực trạng giáo dục kỹ năng sống hiện nay tại Việt Nam, từ đó đi tìm các xu hướng và chương trình giáo dục kỹ năng sống phù hợp cho thế hệ gen Z, giúp các bạn trẻ học cách yêu thương và vun bồi lòng nhân ái, phát triển nhân cách, bởi đôi khi do nhịp sống quá tất bật, hối hả mà đâu đó vẫn còn một số bạn trẻ còn thờ ơ, vô cảm với người khác”.
Cuộc thi “Sống đẹp lần thứ 4” do Báo Thanh Niên tổ chức, với sự đồng hành của nhiều thương hiệu lớn như: Công ty cổ phần Tôn Đông Á, hệ thống giáo dục NQH, Công ty TNHH Điện tử Meliwa, Công ty cổ phần Đầu tư Thiện Hạnh. Tính đến ngày 20/8/2024, cuộc thi đã nhận được 250 bài dự thi của các tác giả trên cả nước. Hà Nội, TPHCM, Phú Yên là những tỉnh, thành có số lượng người tham gia đông đảo nhất. Độ tuổi của các tác giả vô cùng đa dạng, nhỏ nhất mới 12 tuổi và lớn nhất đã 84 tuổi. Qua ngòi bút và góc máy của mình, các tác giả đã giới thiệu nhiều tấm gương người tốt việc tốt, những dự án cộng đồng mang tính nhân văn, truyền cảm hứng sống đẹp, góp thêm nhiều bông hoa cho vườn hoa tươi thắm của lòng nhân ái. Ban tổ chức đã chọn lọc và giới thiệu 76 bài viết hay đăng trên Báo Thanh Niên. Hiện cuộc thi vẫn tiếp tục nhận bài dự thi đến hết ngày 30/9/2024. Các tác giả có thể tiếp tục gửi bài dự thi theo nhiều thể loại như ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, ảnh… Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 400 triệu đồng. |
Ngọc Trăm