Vui vì được… mắc kẹt ở Việt Nam

18/01/2021 - 07:19

PNO - Cộng đồng mạng những ngày qua xôn xao về câu chuyện ông Fabrice - du khách Pháp mắc kẹt ở Việt Nam, bán bánh chuối chiên ở vỉa hè để kiếm sống. Họ tỏ ra thương cảm cho ông Tây phải đi bán dạo mưu sinh trong mùa COVID-19. Nhưng nhiều người nước ngoài lại dùng cụm từ “happily stuck” (vui mừng vì được mắc kẹt) để nói về việc họ đang ở Việt Nam.

Ở một số nước, số chết vì mắc COVID-19 lên đến hàng ngàn người mỗi ngày. Đó là chưa kể, về nước mà không có việc làm là điều khá tồi tệ. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID-19 và nếu chịu khó, người nước ngoài cũng có thể kiếm được việc làm và thu nhập tốt.

Ông Jurriaan Meyer thấy vui vì kẹt lại Việt Nam
Ông Jurriaan Meyer thấy vui vì kẹt lại Việt Nam

Dạy tiếng Anh - nghề phổ biến của “dân Tây”

Khi đại dịch lan đến Việt Nam vào đầu năm 2020, bà M.H. - đến từ Thụy Sĩ - đã mất việc làm do trung tâm ngoại ngữ đóng cửa. Bà từng dự tính ngủ nhờ trên ghế sofa hay hành lang nhà bạn mình khi mất việc. May mắn, bà lại kiếm được “chân” dạy tiếng Anh ở trung tâm mới và nhận được tiền bồi thường nghỉ việc vào tháng 5/2020 sau nhiều ngày đấu tranh với trường quốc tế, nơi bà đã dạy hơn 12 năm.

Khi người nước ngoài càng kéo dài thời gian ở Việt Nam thì càng khó trở về nước tạo dựng việc làm cho mình, nhưng họ vẫn gia hạn thị thực mỗi tháng để ở lại. Theo văn bản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, công dân nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực, nhập cảnh bằng thị thực từ ngày 1/3/2020 được tự động gia hạn tạm trú đến hết ngày 30/6/2020; nếu nhập cảnh trước ngày 1/3/2020 nhưng bị mắc kẹt do dịch COVID-19 thì được cơ quan đại diện ngoại giao xác nhận về việc bị cách ly, điều trị COVID-19 hoặc lý do bất khả kháng khác để được tự động gia hạn tạm trú đến hết 30/6/2020.

Nghề dạy tiếng Anh đang làm nhiều người cảm thấy dễ chịu dù phải làm việc chui. Phóng viên tự do T.R. - từ Mỹ ghé thăm Việt Nam trước khi sang Úc - đã tìm được chỗ dạy tiếng Anh ở TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) và TP. Đà Nẵng để trang trải cuộc sống trong khi chờ trở về công việc chính là phóng viên tự do. Với thị thực du lịch, người nước ngoài không thể có giấy phép lao động. Hiện cô đang dạy chui để kiếm thu nhập và cảm thấy ổn: “Tôi thấy như mình trúng số. Nếu chuyến bay đến Việt Nam vào tháng 3/2020 trễ một tuần thì có lẽ tôi phải sống một thời gian dài ở sân bay do đường biên giới đóng cửa. Giờ đã có chuyến bay ra ngoài Việt Nam nhưng quá đắt đỏ nên tôi cùng bạn trai sẽ ở lại đây đến năm sau, khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ khá hơn” - T.R. bộc bạch.

Tom Grokhovsky đến từ Mỹ ở lại Việt Nam dạy tiếng Anh
Tom Grokhovsky đến từ Mỹ ở lại Việt Nam dạy tiếng Anh

Thời gian khó khăn ban đầu trong đại dịch đã qua, du khách bây giờ đã có thể bay về nước, nhưng cơ hội quay lại Việt Nam sau khi về nước lại rất xa vời do Việt Nam đang hạn chế nhập cảnh. Những người trẻ như Tom Grokhovsky - đến từ Mỹ - chọn ở lại dạy tiếng Anh. Làn sóng thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục dâng cao, nhiều bạn bè anh tiếp tục bị nhiễm COVID-19.

Tom tiết lộ, ngoài việc được an toàn, giá cả ở Việt Nam rất rẻ so với mức sống ở nước họ. Ở đây, dù không có việc làm, họ cũng thuê được phòng trọ có giá từ 100 USD/tháng. Nếu trở về nước, họ phải chi khoảng 4.000 USD cho vé máy bay, chi phí cách ly và kiểm tra y tế. 

Hạnh phúc vì được đi lại tự do

Trong bối cảnh dịch bệnh tràn lan khắp thế giới, nhiều người nước ngoài thích ở lại Việt Nam vì muốn được tự do đi lại. Cuối tháng 3/2020, Jurriaan Meyer - Giám đốc Công ty SRCC Transit Technology Co., Ltd và là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan - vừa đến TPHCM được vài ngày thì biên giới đóng cửa. Ông đã ở lại Việt Nam cho đến nay. Từng làm việc tại Trung Quốc nhiều năm nhưng ông không thể quay lại đó làm việc do diễn biến phức tạp của bệnh dịch ở quốc gia này. Là giám đốc công ty, từ đó đến nay, ông chỉ làm việc từ xa với nhân viên của mình. “Việt Nam là nơi gần như an toàn nhất thế giới. Tôi có thể thăm Vịnh Hạ Long, TP. Đà Lạt và TP. Cần Thơ bất cứ khi nào muốn” - ông vui vẻ nói.

Ở lại Việt Nam gần chín tháng, ông bắt đầu cảm thấy yêu mến quốc gia này, đặc biệt là TPHCM năng động. Thay vì ngồi chờ ngày trở lại Trung Quốc làm việc, ông đang tìm kế hoạch ở lại Việt Nam lâu dài vì dưới góc nhìn của một doanh nhân, ông nhận thấy có rất nhiều cơ hội tại đây. Nhiều công ty nước ngoài đang muốn mở văn phòng tại Việt Nam thay cho văn phòng ở Trung Quốc, còn ông đủ kinh nghiệm để mở một văn phòng đa quốc gia. Điều ông mong chờ là các quốc gia mở cửa và ông có thể làm thêm công việc mới ở TPHCM.

Với một doanh nhân không có công ty tại Việt Nam như ông, việc đi về Việt Nam rất khó khăn và mất nhiều tiền do COVID-19. Khi có vắc-xin, ông sẽ về gặp lại người cha 90 tuổi đang sống ở Hà Lan và đồng nghiệp ở Trung Quốc mà vẫn có thể quay về Việt Nam. 

 Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI