Vui trong… cô đơn

22/07/2014 - 19:20

PNO - PN - Năm người con trai đều đã trưởng thành, có sự nghiệp và mái ấm riêng, chỉ còn một mình, ông Nguyễn Thành Ảnh (60 tuổi, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) tối ngày thui thủi trong ngôi nhà hút sâu giữa cánh đồng, làm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Có lẽ chỉ cánh đồng lộng gió trước hiên nhà mới là “chứng nhân” xác thực nhất niềm hạnh phúc trong cô đơn ấy của người đàn ông gà trống nuôi con.

Vui trong… co don

Ông Ảnh nhóm bếp lo bữa trưa

Cánh đồng đã “chứng kiến” mười mấy năm ông nhọc nhằn bươn bả sớm khuya, khi chăn vịt lúc mò cua bắt ốc, khi băng ngang làm vài cuốc xe ôm, kiếm từng đồng lo các con ăn học. Cánh đồng còn “chứng kiến” ông - một người cha thường xuyên ôm các con động viên vỗ về, khuyên không được buông xuôi và cũng “chứng kiến” những người con ấy lần lượt lớn lên, thành đạt rồi rời xa tổ ấm…

Sau một thời gian dài bị hành hạ bởi căn bệnh ung thư cổ tử cung, năm 2000, vợ ông Ảnh qua đời, để lại cho ông một món nợ lớn - là chi phí thuốc thang, chữa bệnh cho bà - cùng lời dặn dò: “Con mình đứa nào cũng ham học, ông ráng lo cho tụi nó có cái chữ vào đời”. Sau đám tang mẹ, lo lắng trước món nợ của gia đình, Nguyễn Hùng Vi (SN 1978) - người con trai đầu của ông khi ấy đang là sinh viên của trường ĐH An ninh, cùng với bốn người em là Nguyễn Hoàng Nam (SN 1981), Nguyễn Minh Quốc (SN 1983), Nguyễn Hoài Sơn (SN 1985) và Nguyễn Trường Giang (SN 1987) rủ nhau… nghỉ học. Biết “âm mưu” của các con, ông Ảnh liền tổ chức một cuộc họp gia đình, bộc bạch: “Nợ nần còn đó, cố gắng cũng sẽ trả xong; tụi con nghỉ học, lo mưu sinh gom góp thì nợ ấy nhanh dứt, nhưng cuộc đời tất cả sẽ dở dang. Đất đai, tài sản không có thì chí ít mình phải có cái nghề. Cả nhà mình, mỗi người một nhiệm vụ, ba kiếm tiền còn các con lo ăn học, mình ráng đến khi nào hết ráng được thì thôi”. Ông khóc sau câu nói. Một đêm cả nhà cùng không ngủ, sáng hôm sau, cậu cả mạnh mẽ vác ba lô xin phép trở lại trường, bốn người con còn lại cũng quyết tâm ôm cặp đến lớp.

Vui trong… co don

Chăm sóc đàn vịt chờ ngày con cháu về tụ họp đông vui

Khó khăn bủa vây, phần lo trả nợ, phần đóng học phí cho con, ông Ảnh phải bươn bả làm đủ nghề. Bữa ăn của gia đình thường xuyên là chuối xanh luộc chấm muối. Thương các con còi cọc, ông thỏa thuận với một cửa hàng “đong gạo trước, đến mùa lúa trả sau”, nhưng người ta cũng chỉ cho ông mua chừng mực. Ông Ảnh kể, có hôm đi làm, dặn con đi mua gạo song chập choạng tối trở về, thấy các con đứa chặt chuối non vào luộc, đứa giã muối ớt, đứa còn bận đi kiếm mớ rau về nấu canh. Hỏi ra, ông ngỡ ngàng nghe con kể lại: “Họ không cho đong gạo nữa, nói, người ta giàu còn chưa muốn cho con đi học, mình nghèo không lo kiếm sống mà bày đặt!”. Bữa ăn hôm ấy, đã quen với vị chát của chuối non mà mấy cha con ông vẫn thấy nghẹn ứ nơi cổ họng. Ông nuốt nỗi buồn, động viên con: “Người ta giàu thì mua đất đai cho con, ba nghèo nên chỉ biết cho các con con chữ để kiếm nghề. Lúc khó khăn, đất đai có thể bán hết nhưng nghề nghiệp thì còn mãi với mình, nuôi sống mình”.

Ngày tháng đắp đổi nhau, nối gót anh trai, ba người con sau của ông Ảnh lần lượt đậu vào trường trung cấp An ninh. Riêng Hoài Sơn sau khi rớt đại học, quyết tâm lên Sài Gòn làm công nhân để phụ cha trả nợ. Ông Ảnh cười: “Tụi nó đi học hết, tôi ở nhà nhớ lắm, trông lắm, nhưng thấy đứa nào về cũng canh cánh nỗi buồn, sợ đến ngày con đi mình không có tiền cho con dằn túi”. Hiểu lòng cha, thoảng hoặc các con ông mới cầm lấy những đồng bạc ít ỏi. Nhiều khi có chuyện phát sinh, cần tiền, họ mới viết thư hỏi xin cha vài trăm ngàn. Những lá thư hiếm hoi ấy bây giờ ông Ảnh còn giữ, bởi với ông, mỗi lá thư là một kỷ niệm của tháng ngày cha con cùng nhau vượt khó. Hiện tại, trừ cậu út đang công tác tại Công an huyện Vũng Liêm và được cơ quan cử đi học nâng cao, bốn người con đầu của ông đều đã lập gia đình, ổn định cuộc sống riêng.

Còn một mình trong ngôi nhà vắng vẻ giữa cánh đồng lộng gió, niềm vui của ông Ảnh là chăm sóc đàn gà, vịt chờ ngày con cháu về tụ họp. Dù được các con mời về chung sống song ông từ chối, phần không muốn phiền lụy đến các con, phần không nỡ để người bạn đời nằm lại trong cô quạnh. Với ông, niềm vui tuổi già chỉ bấy nhiêu đã đủ mãn nguyện…

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI