Vui tết “Bun huột nặm” của người Lào ở Điện Biên

14/04/2024 - 15:23

PNO - Tết Té nước ở bản Na Sang 1 đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đây cũng là khởi đầu năm mới của bà con người Lào.

“Bun huột nặm” - tết Té nước là tết cổ truyền của dân tộc Lào. Ở bản Na Sang 1 (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), “Bun huột nặm” được tổ chức vào ngày 13 - 14/4 hằng năm. Tết Té nước cũng là khởi đầu năm mới của bà con người Lào ở Na Sang 1 nói riêng và dân tộc Lào nói chung.

Thầy mo của bản Na Sang - nghệ nhân ưu tú Lường Thị May (bìa phải)
Thầy mo của bản Na Sang - nghệ nhân ưu tú Lường Thị May (bìa phải)

Thầy mo của bản Na Sang - nghệ nhân ưu tú Lường Thị May giải thích: Nghi lễ té nước không thể tách rời tết cổ truyền của người Lào, nên bà con quen gọi là tết Té nước. Tết Té nước mang ý nghĩa gột rửa những điều không may mắn trong năm cũ; năm mới, người được té nước sẽ gặp những điều may mắn, tốt lành. Tết Té nước còn gửi gắm sự cầu mong 1 năm mưa thuận gió hòa. Tháng Tư bắt đầu mùa mưa, bà con cầu cho mưa về tưới mát ruộng đồng, làm mềm đất nương rẫy để bà con tra hạt.

Điệu dân vũ truyền thống của người Lào
Điệu dân vũ truyền thống của người Lào
Cô gái Lào duyên dáng
Cô gái Lào duyên dáng

“Bun huột nặm” còn là dịp để gia đình đoàn tụ, gặp gỡ người thân; bản làng cùng tham gia những trò chơi, những điệu dân vũ truyền thống trong không gian văn hóa bản địa của cộng đồng mình. Chị Hoàng Yến Vy chia sẻ: Từ đầu tháng, những người con của Na Sang đi học, đi làm ăn xa đã háo hức mong đến tết Té nước. Những ai không về được thì thấy thiếu mất điều gì ý nghĩa lắm.

Vẩy nước cầu may cho những người tham dự
Vẩy nước cầu may cho những người tham dự

Từ đầu buổi sáng, người phụ nữ trong bản đã đứng tại cổng chào dựng trong khuôn viên nhà văn hóa của bản; tay cầm nhành cây nhúng vào chậu nước vẩy lên người - thay lời cầu chúc may mắn, tốt lành cho những vị khách về dự lễ.

“Bun huột nặm” có các hoạt động chính là cúng bản, cúng tổ tiên. Đồ lễ gồm gà, heo… bày trong 9 mâm lễ đặt vào 9 ngăn trong miếu thờ để cúng tế những vị thần linh có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người Lào ở bản Na Sang 1. Những nghi lễ này đều do nghệ nhân Lường Thị May thực hiện.

Buộc chỉ cầu may
Buộc chỉ cầu may cho ngươi tham dự

Sau phần lễ, bà May vừa cầu khấn, vừa vẩy nước thơm và buộc chỉ cầu may vào cổ tay cho mọi người - thay cho lời chúc một năm khỏe mạnh, bình an, vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt.

Mấy năm nay “Bun huột nặm” của bản Na Sang 1 đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Điện Biên, nên những phụ nữ lớn tuổi trong bản cũng phụ bà May buộc chỉ cổ tay cho du khách.

Trò chơi dân gian rùa ấp trứng
Trò chơi dân gian rùa ấp trứng

Sau khi nhận lời cầu chúc, mọi người cùng chơi các trò chơi dân gian truyền thống, gắn liền với đời sống, sinh hoạt truyền thống như trò “rùa ấp trứng” (tấu phắc sá), “rắn bắt ngóe” (ngù kin khiết)…

Lúc này, thầy mo Lường Thị May dẫn đầu đoàn tế lễ, mang lễ vật đi đến từng nhà trong bản để xin nước. Đến nơi, bà May đứng dưới chân nhà sàn đọc bài khấn; chủ nhà thay mặt gia đình xin thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, các thành viên trong gia đình không ốm đau bệnh tật.

Đoàn mang lễ vật đến từng gia đình để xin nước.
Đoàn mang lễ vật đến từng gia đình để xin nước

Qua hết các nhà trong bản rồi, bà May dẫn đoàn xin nước mang lễ vật ra suối để sắp mâm - bà mời thần trời, thần đất, thần suối về ăn tết và chứng dám cho người dân trong bản.

Bà May thực hiện các nghi lễ xong, bà con trong bản kéo nhau xuống suối té nước để cầu chúc may mắn cho nhau. Đây cũng là hoạt động được mọi người hứng khởi tham gia nhất. Khi té nước, bà con không chỉ té vào người mà còn té vào nhà cửa, vật nuôi, công cụ lao động… - nước sẽ gột rửa và xua đi những điều không may mắn.

Té nước - nghi thức không thể thiếu trong tết cổ truyền Bun huột nặm của người Lào
Té nước - nghi thức không thể thiếu trong tết cổ truyền "Bun huột nặm" của người Lào

“Bun huột nặm” ở bản Na Sang 1 nói riêng và của dân tộc Lào nói chung đã góp phần khẳng định quá trình phát triển của cộng đồng Lào ở Việt Nam; đồng thời góp thêm những sắc màu vào bức tranh văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Năm 2017, “Bun huột nặm” ở bản Na Sang 1 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI