Vùng xanh… tâm trí

Vui sống giữa những ngày căng thẳng

28/09/2021 - 06:18

PNO - Những mối quan ngại chung đang được truyền thông toàn cầu phản ánh dễ tác động xấu đến sức khỏe tâm lý nếu chúng ta tiếp cận thiếu chọn lọc. Theo chuyên gia y tế, mỗi người nên chủ động luyện tập thói quen cân bằng cuộc sống.

 

Tin tức về dịch bệnh, biến đổi khí hậu cùng những biến động trên thế giới có thể khiến một ngày của bạn ít nhiều trở nên ảm đạm. Theo Jillian Hughes, phát ngôn viên của Mental Health America - tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ nghiên cứu và điều trị bệnh lý tinh thần tại Mỹ, ngày càng nhiều lượt tham gia các cuộc khảo sát trực tuyến giúp chẩn đoán stress. 

Làn sóng dịch bệnh kép 

“Tính riêng nửa đầu năm 2021, lượng người đăng ký kiểm tra sức khỏe tinh thần đã tương đương với con số cả năm 2020 và tăng vượt bậc so với trước khi COVID-19 bùng phát” - Hughes cho biết. 

Bên cạnh đại dịch, những cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội, môi trường, kéo theo không ít nỗi lo khác. Việc thu thập tin tức thường nhật qua truyền thông có thể tạo nên sức ép tâm lý chất chồng. 

“Chúng ta chỉ thường quen vượt qua tình trạng căng thẳng cấp tính (ngắn ngày). Thế nhưng lo âu tái diễn liên tục, mất kiểm soát, có thể dẫn đến căng thẳng mạn tính, vốn dễ gây hậu quả nghiêm trọng như trầm cảm” - Marni Chanoff, bác sĩ chuyên ngành tâm lý học tích hợp, Bệnh viện McLean (bang Massachusetts, Mỹ), nhấn mạnh. Trước những gì đang diễn ra trên toàn cầu, theo bác sĩ Chanoff, phần lớn mọi người “đang chịu đựng stress ở mức độ nào đó”. 

Tác nhân gây stress đa dạng tùy vào lối sống, hiện trạng sức khỏe từng người. Dù vậy, về mặt xã hội, dường như chúng ta đang cùng đối diện “một làn sóng đại dịch gây tổn thương tâm lý”. Đây là nhận định của tiến sĩ Vaile Wright, Giám đốc Khoa Chăm sóc y tế cải tiến, thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ. “Nhằm chống chọi đại dịch, chúng ta có khuynh hướng tập trung hoàn toàn vào việc bảo vệ sức khỏe thể chất mà thiếu quan tâm đến sức khỏe tinh thần”.

Tìm kiếm sức mạnh nội tâm

Ngay cả khi bạn không bị dịch bệnh trực tiếp tấn công, không phải những bậc phụ huynh lo lắng cho con cái đang học tập giữa mùa dịch hoặc y bác sĩ, tình nguyện viên tất bật nơi tuyến đầu, việc đón nhận thông tin thời sự qua báo đài cũng có thể kéo theo vô số mối trăn trở.

Vậy mỗi người nên chủ động làm gì để cải thiện? Giáo sư Vivian B. Pender - Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ - bày tỏ: “Gần đây, chúng ta đều có những trải nghiệm mệt mỏi. Tôi hay khuyên mọi người phải quan tâm nhiều hơn đến bản thân. Trước hết, hãy tạo thói quen tự kiểm tra tâm lý. Tự hỏi xem bạn đang cảm thấy thế nào; bạn có thấy mệt, bất an, buồn phiền vì điều gì không… Chúng ta phải nhìn ra vấn đề mới có thể định hướng giải quyết.

Bên cạnh đó, hãy hạn chế tiếp cận những nguồn tin dễ gây stress (tivi, mạng xã hội…). Bạn nên thu thập tin tức vừa phải, có chọn lọc; tránh đọc báo, xem ti vi, điện thoại ngay trước giờ ngủ”. 

Nữ giáo sư cũng khuyến khích các hoạt động vận động: “Bạn không nhất thiết phải tập ngoài trời hay đến phòng gym. Bất kỳ hoạt động nào giúp bạn thấy khỏe khoắn hơn đều tốt: thể dục nhẹ, làm vườn, ra ban công hít thở không khí trong lành… Tránh dùng bia, rượu, thuốc lá. Chúng độc hại và không phải là giải pháp thật sự về lâu dài”.

Bác sĩ Chanoff đưa thêm lời khuyên: “Hãy tập trung tìm kiếm nguồn sức mạnh nội tâm. Nên thường xuyên lắng nghe để thấu hiểu hơn cơ thể, tâm tư của bạn. Tuy nhiên, đừng quên kết nối với cộng đồng xung quanh. Đôi khi bạn sẽ muốn một không gian cá nhân yên tĩnh nhưng những lúc khác, mở lòng với mọi người đem đến sự san sẻ, xoa dịu cần thiết giữa thời điểm này. Bằng cách kiểm soát, cân bằng tốt nhịp sống, tôi tin chúng ta có thể duy trì tâm lý vui tươi, vững vàng vượt qua khó khăn”. 

Như Ý (theo Healthline)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI