Thầy sợ nhất... mất mạng
Ở thời COVID-19, dạy học online, phó hiệu trưởng chuyên môn của trường phổ thông chẳng khác nào… thư ký tòa soạn của tờ báo, phải tả xung hữu đột từ kiểm duyệt giáo án đến đăng bài; nhận phản hồi kiêm trả lời “bạn đọc” là phụ huynh; chịu trách nhiệm với “chủ quản” là phòng, sở. Quy trình xuất bản một bài giảng từ bản in lên bản “on” cũng phức tạp không kém.
|
Học sinh lớp Hai đang học trực tuyến tại nhà - Ảnh: Thanh Thanh |
Có thể hình dung thế này, ban giám hiệu phân công cho giáo viên A dạy bài một thì cô A sẽ soạn giáo án nộp cho tổ (khối trưởng) và phó hiệu trưởng duyệt nội dung. Dựa trên nội dung đã duyệt, cô A và ê-kíp sẽ ghi hình, lồng tiếng, xử lý hậu trường… tất tần tật. Quay và dựng bài giảng cực không thua gì làm phim, chỉ khác là từ đạo diễn cho đến quay phim, diễn viên… đều là dân “ngoại đạo”.
Cực nghĩa là, thầy đang giảng gặp tình huống mắc cười nhịn không được - hỏng; cô lỡ miệng nói hớ một câu - quay lại từ đầu… Quay xong, clip được ban giám hiệu duyệt, chỉnh sửa hoàn chỉnh rồi mới đưa lên website trường, phần mềm dạy online. Nếu trơn tru, quy trình này mất gần một tuần. Lắm khi, phụ huynh “ra vô” thế nào đơ luôn cái máy chủ, phải sửa tầm mấy triệu đồng cũng không phải hiếm.
Làm clip thì trầy trật như vậy, còn dạy trực tuyến trên Zoom, Zalo, Facebook… cũng mệt không kém, rớt mạng hay đường truyền chậm coi như… giảng lại từ đầu. Có cô giáo dạy văn cấp II tại Q.3, TP.HCM đang say sưa giảng, hồi lâu thấy bên kia im re mới phát hiện bên này mất mạng và mình độc thoại cả 15 phút.
Có lần, cô thao thao bất tuyệt thì nghe tiếng con nít khóc ré lên thật to. Giật mình, cô nháo nhào đi tìm thì phát hiện có học sinh quên tắt mic, đứa em đang ngủ gần đó giật mình khóc. Thế là cả lớp được trận cười, còn cô giáo thì một phen hoảng hồn.
Thêm nữa, mất mạng cũng trở thành từ khóa ám ảnh thầy trò trong thời gian dạy online bất đắc dĩ này. Khi lớp học online bất ngờ “đánh úp“ lớp học truyền thống, chẳng trường nào có sẵn server xịn hay đường truyền mạnh để hàng ngàn học trò đồng loạt truy cập bài học. “Thầy ơi, thầy đâu rồi?”, “Thầy... mất mạng rồi sao?”, “Thầy lại bị đá ra nữa rồi hả thầy?”, “Thầy vừa hồi sinh rồi các em ơi!”… là những đối thoại thường xuyên của thầy trò trong lớp học online hiện nay.
Trò vẫn “nhất quỷ nhì ma...”
Mùa này, nhà chị Thùy Chi (H.Hóc Môn) trở thành “trại” học online với đầy đủ bậc học từ THCS đến THPT. Đến giờ học, các con và cháu chị ôm máy vào phòng đóng cửa lại vì sợ lộ bí mật với phụ huynh. Hôm đầu học môn toán, các bạn của Dung, lớp 11 Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn (Q.1), không tắt mic. Lâu ngày gặp lại, cả lớp thi nhau hỏi thăm, nói chuyện riêng, tạp âm từ hơn 20 cái mic khiến lớp học… vỡ trận vì tiếng ồn.
Còn Bảo Hy, học lớp Sáu Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3), được lớp phân công nhiệm vụ liên tục hỏi để tấn công cho cô “bí”. Lớp của Trung, lớp 11 Trường THPT quốc tế Nam Sài Gòn (Q.7) thì thay nhau thả “tim” nịnh cô. Cứ học 5-10 phút, có đứa thả “tim”, số còn lại vỗ tay. Cô giáo rầy thì trò bắt đầu lấy cớ để lao xao…
Không dừng lại ở kiểu phá phách của trẻ con “… thứ ba học trò”, nhiều học sinh cấp II đã bày trò vào “đánh sập” lớp ảo trên Zoom để… khỏi học nữa. Còn dạy trên truyền hình cũng đón nhận những bình luận phản cảm rất đáng lên án. Trong bài giảng Mùa xuân nho nhỏ trên truyền hình Hà Nội 1, có bạn trẻ đã để lại bình luận khiếm nhã: “xem HENTAI đi thầy”, “hơi béo phì”… Một số học sinh sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực, thậm chí tục tĩu để trò chuyện trong khi các bài giảng được phát livestream qua kênh YouTube của Đài truyền hình Hà Nội.
Tình mẹ con chắc khó bền lâu
Khi con ở nhà học online, phụ huynh bắt đầu thấm thía cảnh cả nhà phải vận hết “nội công” để làm… trợ giảng. Lắm lúc, tình cảm gia đình sứt mẻ chỉ vì con đang “homeschooling“ bất đắc dĩ.
Sau bữa cơm tối, lúc kèm con học là thời điểm căng thẳng nhất trong ngày của vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga, phụ huynh lớp Một Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh). Nội dung bài học toán, tiếng Việt, tiếng Anh được trường đăng trên website đầu tuần, mỗi ngày giáo viên chủ nhiệm gửi và nhắc lại phụ huynh. Dựa vào hướng dẫn này, phụ huynh kèm con hoàn thành yêu cầu bài học, chỗ nào chưa hiểu thì trao đổi với giáo viên.
Cái khó khi dạy con học là phương pháp truyền đạt sao cho bé hiểu. Chẳng hạn, để dạy bài 93 môn tiếng Việt với vần “oan” và “oăn”, vợ chồng chị xoay đủ cách. Những từ “vở toán”, “đoàn tàu”, “xoắn ốc” dễ tìm hình hoặc đồ vật minh họa, nhưng với các từ trừu tượng “băn khoăn”, “dự đoán”, “đoàn kết”, cha mẹ… toát mồ hôi. Tương tự, với bài học hôm sau, tập đánh vần “oang”, “oăng”, cha mẹ phải mang cả áo choàng ra để minh họa.
Kể từ khi chuyển sang học online, chị Lê Thị Phương và con gái học lớp Hai Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5) thường xuyên rơi vào cảnh “cơm không lành canh không ngọt”. Mẹ con quy ước với nhau mỗi ngày con sẽ học hai tiếng trên máy, sau đó mới được xem kịch vui, chơi đồ hàng… Nhưng ngồi học được chừng một tiếng, bé bắt đầu ẹo, muốn thôi. Mẹ thuyết phục, dọa nạt, ra hình phạt không cho chơi những trò yêu thích nữa. Thế là, mẹ con giận nhau.
“Chiến tranh lạnh giữa hai mẹ con cứ đều đặn diễn ra sau mỗi giờ học online và phải nhờ cha phân xử. Nếu dịch còn kéo dài, tình mẹ con chắc khó bền lâu!”, chị Phương nói vui.
Gia Tuệ