“Má, năm nay má bao nhiêu tuổi?”, cứ mỗi lần tôi hỏi thế là bà lại lẩm nhẩm tính: “83 tuổi, à không phải, 85 tuổi, ủa, 82 chớ. Không nhớ, mà nhiều tuổi lắm”, rồi bà cười móm mém, nụ cười như nắng sớm.
Bao nhiêu tuổi có gì quan trọng đâu, miễn là còn nuôi được nụ cười ấy, miễn là vẫn thấy cuộc sống này thú vị.
1.
Má yêu ba năm má 17 tuổi. Hai gia đình không đăng đối, má buồn đến mức phải vào chùa lánh đi, chuyện như các phim xưa, chuyện như đã sáo nhưng lúc ấy, những năm 1950, là chuyện râm ran ở cái thị xã nhỏ xíu đất miền Trung.
Sau vài năm, mọi chuyện cũng được hóa giải, má về với ba - một anh giáo trẻ chưa được bổ nhiệm sở dạy, con một nhà nho cựu thời.
Má là cô gái mới ở thời ấy. Má hát tân nhạc, má chơi mandolin, má đi dạy học. Rồi má thành má, rồi ba được điều đi dạy tỉnh xa. Rồi má quán xuyến mọi việc nhà, má lo lắng cho những đứa con liên tiếp ra đời. Má thành điểm tựa cho gia đình, cho niềm vui.
|
Ảnh mang tính minh họa: Thế Phong |
Sau 1975, ba vẫn là ông giáo ở một trường tiểu học nhỏ ven biển. Nghề giáo ngày càng khó khăn. Khoảng thời gian ấy, có đêm ba bàn với má, mang vàng cưới bán đi để duy trì cuộc sống gia đình.
Ba biết mình đi dạy, dù thế nào cũng không đủ tiền nuôi con, nhưng ba muốn đi dạy. Má lặng lẽ gật đầu, chút kỷ niệm vét nốt mà nuôi cuộc sống.
Má làm ruộng thay ba những ngày ba bận dạy. Bữa má lui cui nhổ cỏ đứt tay, ba chạy lại quơ mấy cây cỏ mực, vò nát, đắp cầm máu cho má. Má cười cười, niềm vui len lén đâu đó. Niềm vui như lúc ba lấy ống sáo trúc ngồi thổi một bài xưa, má nói: “Tiếc, cây mandolin hư rồi, không tui đờn với ông”, rồi má cười.
Tôi sinh ra khi má đã lớn tuổi. Cô y tá khuyên má nên bỏ đi - lời khuyên theo đúng trách nhiệm vì sự nguy hiểm cho tính mạng cả hai con người. Má lắc đầu và tôi ra đời.
Khi tôi có nhận thức, nhà bớt dần vất vả thì má bắt đầu bước vào tuổi già. Niềm vui của má, tôi thấy chỉ xoay quanh chuyện nhà, chuyện ba. Con heo đẻ tốt, đàn gà không bệnh, ba làm bài thơ mới, ba vượt qua cơn bạo bệnh… - những niềm vui sờ được, chạm được.
2.
Rồi má bệnh, chứng bệnh nan y ở giai đoạn muộn, bác sĩ cho một tiên lượng dè dặt. Ba đứng nghe các con trình bày, rồi đồng ý ký vào giấy mổ.
Ba lấy một mảnh giấy, ghi điều gì đó vào, rồi bảo tôi đưa xuống khoảng xanh có chiếc miếu nhỏ trong bệnh viện. Ba khấn giữa trời: “Tôi chưa cầu xin điều gì trước giờ, nay chỉ mong trời Phật độ trì cho vợ tôi là… được bình an, ca mổ thành công, phục hồi sức khỏe”.
Miếng giấy ghi lời khấn hứa, ghi tên tuổi má được ba đốt đi. Má khỏe, vượt qua căn bệnh ung thư một cách thần kỳ, mà theo lời bác sĩ, đó là điều khó có thể với người lớn tuổi.
Má khỏe rồi, má lại vui với bài thơ mới của ba, háo hức chờ buổi chiều ba dắt xe ra chở má đi dạo một vòng, vui khi ba chở má vào quán cà phê - điều mà khi yêu nhau họ chưa làm được, vui các con về một dịp sum vầy…
Giữa mọi niềm vui có dáng ba ấy, ba bỗng đi, dứt khoát, nhanh chóng sau một cơn đột quỵ, như thể sức khỏe ba đã chuyển cho má, như ba đã hoàn tất việc để má vui khỏe trên đời và ba an tâm.
Ngày ba đi, ai cũng ngại thông báo cho má. Ai cũng lo nụ cười của má sẽ tan theo niềm thương, sự tiếc. Nhưng không, má hỏi gọn: “Ba mày sao rồi?”. Khi biết tin, má không khóc, chỉ im lặng rồi nói với anh em tôi: “Đừng khóc lóc nhiều, để ba mày đi cho yên tâm. Ổng xuống trước thôi, ổng đợi má”.
Má không khóc, má lo cho đám tang ba thật chu đáo. Ngày làm tuần cho ba, má thắp nhang rồi cười: “Ông xuống đó coi dọn dẹp, sửa soạn chờ tui nha, đừng léng phéng gì nha ông”. Má nói: “Má còn đây, má phải sống vui. Má có vui thì ba mày mới yên tâm”.
Má đã vui, má sống vui thay cho ba, vui cả phần hai người. Má vui trong việc uống ly cà phê buổi sáng, gặp một người bạn của ba, đọc lại bài thơ cũ, ôm đứa cháu nội, quét sân nhà mỗi sớm. “Má không nghĩ gì nữa, tất cả trôi qua thoải mái trong má, có gì hay trước mắt thì vui, nhớ lại được gì hồi xưa thì cười”, má nói.
Tuổi nhiều thêm, trí nhớ má loại bỏ dần đi nhiều điều để có thể nhanh chóng dung nạp các niềm vui mới. Má rất thích đi chợ. Mỗi buổi chợ sớm, có khi đứa cháu chở, có khi anh xe ôm hàng xóm quen, có dáng má lưng còng chống gậy qua các quầy hàng cười nói, chào hỏi.
Mỗi lần má ghé hàng bún thường ăn, cô bán hàng thuộc lòng khẩu vị má đậm nhạt thế nào, lại còn biết má thích thêm miếng ốc luộc.
Nhân gian giao tiếp ngồn ngộn đi vào má qua bữa chợ. Niềm vui cũng chen chúc theo nhau mà vào đến độ có bữa chợ vui, má để quên… hàm răng giả ở một hàng nào đó. Cô bán hàng tinh ý, giữ lại, ngâm vào cốc nước, chờ trả má. Hàm răng được trao trả trong tiếng cười bung chợ.
|
Ảnh mang tính minh họa: Võ Hồng Quang |
3.
Những ngày giãn cách, các con không muốn cho má đi chợ mà má cứ nằng nặc đi, nói “chết sống có số”. Đám con phải nói rằng “cái bệnh này nguy hiểm cho người già, má bị không khỏe, không đi chơi được nữa, không vui được nữa, ba cũng buồn”, má mới chịu ở nhà.
Má ở nhà thì má mở máy tính bảng coi hài kịch, nghe nhạc xưa. Sau khi làm bể hai cái máy tính bảng, làm đứt ba cặp tai nghe thì má cũng sử dụng thành thạo.
Má còn học cách ra lệnh bằng giọng nói: “Ê, mở Thái Thanh đi máy!… Nói mở Thái Thanh mà, có phải bà này đâu”. Má thầm thì hát theo. Má nhịp tay trên ghế theo đúng trường độ đáng ngạc nhiên. “Cái thằng này, tên gì ha (má hay bất thần quên tên con), thấy bài này hay chưa! Hồi má còn trẻ, má hát bài này cao vút, hay lắm nhen!”.
Lưng má còng hơn, rồi má đi lại khó khăn, không thể dậy sớm quét sân nhà như trước. Má lụm cụm đi nhặt mấy chiếc lá bàng rồi khoe: “Lá đỏ đẹp chưa nè! Thôi để cho đẹp, quét chi nhiều”.
Các con làm sinh nhật cho má thì được nghe càm ràm: “Mấy chục năm có sinh nhật gì đâu, giờ tụi mày bày đặt quá”.
Dứt câu càm ràm, má cười móm mém thổi nến rồi đem phần bánh kem để lên bàn thờ ba thủ thỉ: “Ăn đi ông, tụi nhỏ làm sinh nhật cho tui á. Tui nhớ hồi đó ông thích ăn bánh kem, nay tui cho ông ăn thoải mái luôn, không sợ đường cao nữa…”.
Niềm vui của má mang hình dáng trẻ thơ, tức thời và hồn nhiên hơn. Người ta thường nói người già là trẻ thơ lần nữa là vậy.
Má đi ăn sáng, không quên gom ít xương về cho con chó cưng. “Nhìn nó gặm xương say mê chưa, ăn ngon lành như mày vậy”, má nói với tôi. Má thấy tôi trong niềm vui chăm sóc chú chó, có cái so sánh nào khiến tôi vui thế đâu.
Ngày tết, cháu nội chúc má xinh đẹp, má cười vang, nói: “Ừ, bà đẹp cho ông nội mày mê là được rồi”. Ngày lên chức cố, má ẵm đứa cháu rưng rưng, rồi má cũng lại bàn thờ nói với ba rằng vợ chồng mình đã thăng chức.
Bình minh ấy, má pha ly cà phê sữa, sang làm hai, để trên bàn, nhìn xa xăm, má nói nhẹ nhàng, như ngày con gái: “Uống đi ông. Cà phê ngon đó. Giờ mình có thiếu gì nữa đâu, mình mãn nguyện rồi, mình cứ vui thôi”.
Niềm vui của má chứa niềm vui của chúng tôi, niềm vui chúng tôi vun đắp niềm vui của má những ngày này. Gia đình nào lại không thế má nhỉ? Má hát nho nhỏ đi, ai chẳng sợ ngày mất mát phía trước nhưng còn hôm nay, con học theo má, cứ hát cứ vui. Vui giùm cho cả những người má, người ba đã khuất xa.
Nam Thụ