Vui buồn sinh đôi

05/09/2024 - 09:00

PNO - Nhìn các con giống nhau về ngoại hình, nhìn 2 bằng đại học loại giỏi, nhìn những món đồ con mua sắm khi nhận tháng lương đầu tiên, tôi nghe hạnh phúc dâng trào.

Hôm cùng con đi dự lễ tốt nghiệp đại học, tôi về có đăng hình lên Facebook. Rất nhiều người thân, bạn bè vào chúc mừng. Ai cũng bảo “Sướng nhất mẹ Khanh. 2 con tốt nghiệp cùng nhau là sướng gấp đôi”, “Sinh đôi thật tuyệt. Sinh 1 lần thật… tiện”. Với bình luận nào tôi cũng vui vẻ thả tim, lòng thầm nghĩ về hành trình sinh và nuôi dạy 2 cô con gái sinh đôi với bao kỷ niệm vui buồn, hạnh phúc.

Chăm con đôi - cực mà vui

Thường, mang thai đôi, vấn đề cân nặng, tiền sản giật, nhau tiền đạo... luôn đe dọa mẹ con sản phụ. Tôi cũng không ngoại lệ. Giữ gìn cơ thể vừa đến tháng thứ tám, tôi được mổ bắt con. Các con nhẹ cân, phải nằm lồng kính, tôi thì vẫn còn sưng phù vì huyết áp tăng, phổi cũng có vấn đề. Phải sau 2 tuần mẹ con tôi mới gặp được nhau.

Sinh đôi quả là có cái tiện khi chuyện gì cũng làm cùng lúc cho 2 đứa. Thay quần áo cho đứa này, thay luôn đứa kia. Ăn cũng ăn cùng lúc, chích ngừa cũng đi chung, tắm rửa cũng vậy. Nhưng không phải lúc nào chăm con đôi cũng tiện.

Ba mẹ và 2 con trong ngày con tốt nghiệp đại học - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ba mẹ và 2 con trong ngày con tốt nghiệp đại học - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thương nhất lúc cho con bú. Tôi vẫn luôn nghĩ, thượng đế thật cao siêu khi ban cho tôi - bà mẹ bé hạt tiêu - 2 bầu vú căng tròn, nhưng cũng chẳng đủ để cho 2 đứa trẻ no nê. Bình thường, một đứa trẻ bú hết bầu sữa này, sẽ sang bầu sữa kia, đến khi căng bụng. Còn các con tôi, chỉ tiêu... ngầm của mỗi bé là 1 bên vú, có muốn bú thêm cũng chịu, mà sữa công thức thì các con không chịu uống.

Tôi thấy con thiệt thòi mà thương. Mới vài tháng tuổi, có những hôm 2 đứa khóc đòi bú mẹ cùng lúc, tôi bảo: “Con chờ mẹ một chút. Giờ mẹ cho chị/em bú xong, sẽ tới lượt con nha”. Nói vậy là con nín, không khóc nữa, như một đứa trẻ hiểu chuyện thứ thiệt.

Sau này lớn lên, bất kỳ chuyện gì tôi cũng đều dạy con rằng, đối với các con, ba mẹ đều công bằng như nhau. Đến khi con bệnh thường cũng bệnh cùng lúc, tôi phải tìm cách tách 2 con ra, nhưng điều này thường không dễ, vì các con quấn quýt như hình với bóng, từ trong bụng mẹ. Chăm 2 đứa trẻ bệnh, nếu mẹ không đủ sức khỏe, ngã quỵ như chơi.

Một bà mẹ có ba đầu sáu tay cũng chẳng thể một mình chăm 2 con sinh đôi một cách chu đáo được. Nếu không có bà ngoại và chồng chăm phụ, tôi không thể “cân” hết 2 đứa. Ấy vậy mà thỉnh thoảng tôi phải đi bệnh viện vì suy nhược cơ thể và rối loạn tiền đình. Chưa từng có kinh nghiệm chăm con, lại sinh đôi, ở nhà thuê, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự vất vả. Nhưng nhìn con lớn từng ngày, lúc nhỏ các con lại giống nhau như 2 giọt nước, mọi mệt mỏi cũng đều tan biến.

Không so sánh, thiên vị, tạo áp lực

Các con tôi khá ngoan, nhưng có khi lại không “ngoan” với nhau - hay bắt bẻ, nguyên tắc, làm khó nhau. Chuyện này tuy nhỏ nhưng cũng khiến tôi đau đầu. Chồng tôi bảo, vì các con... đụng chạm nhau từ trong trứng nước, làm sao tránh khỏi va chạm; cho nên sau mỗi lần bất hòa, chị em càng thêm quấn quýt. Các con chưa bao giờ giận nhau quá 30 phút, giận đó rồi lại “dính” vào nhau. Nếu 1 trong 2 đứa có vấn đề gì rắc rối, đứa kia cảm thấy như chính mình gặp chuyện vậy.

Còn nhớ, khi có người nói với các con rằng, đứa nào sinh ra sau làm chị, sinh ra trước làm em, khiến cô em Phương Nguyên về nhà đòi làm chị cho oai, còn cô chị Thái Nguyên thì đòi... từ chức. Nhưng quan điểm của ba mẹ - ai ra trước là làm chị, cho dù sinh cùng ngày, cùng giờ, vẫn tôn ti trật tự rõ ràng. Nếu Phương Nguyên tính nóng nảy, hảo ngọt, thì Thái Nguyên biết nhường nhịn, không chấp nhất.

Chị em đi đâu cũng có nhau, như hình với bóng. 22 tuổi, 2 đứa chưa từng có bạn trai. Không lẽ vì 2 con quấn quýt nhau quá, các chàng trai khó có cơ hội... tách rời các con chăng? Vào đại học, chị em cùng chở nhau đi học. Sở thích cũng đặc biệt giống nhau, chọn chung ngành học, chung trường, ngồi cùng bàn. Đến khi đi làm mới gọi là... ra riêng.

Vợ chồng tôi nhìn các con tự lớn lên theo cách con muốn, nhắc nhở khi các con có hành động chưa chuẩn. Chúng tôi chưa từng thiên vị trong dạy con đôi, bởi vì các con bằng tuổi nhau, dễ mặc cảm, dễ... kiện cáo. Mua sắm gì cũng phải mua đôi. Nếu món đồ mẹ mua các con không thích thì việc nhường nhau, đổi nhau thế nào là quyền các con.

Trong học tập, trong công việc, 2 đứa khá cầu toàn, điểm số luôn khá tương đồng, không nói ra nhưng cả hai cùng nhìn nhau phấn đấu. Có thể con có cảm giác nếu con thua chị/em sẽ bị ba mẹ so sánh. Thế nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ đặt 2 con lên bàn cân để so sánh, đánh giá; vì như thế sẽ vô tình tạo áp lực cho con.

Trong giao tiếp, Thái Nguyên là cái bóng lớn của Phương Nguyên. Ca hát hay những tài lẻ khác, Phương Nguyên lại là cái bóng lớn mà Thái Nguyên không thể vượt qua. Tôi vẫn thường nói với các con về những “cái bóng” đó, rằng mỗi đứa là một đóa hoa có hương thơm khác biệt, không thể so sánh, không nên so sánh. Nhờ thế mà cả hai khá thoải mái, sẵn sàng kể với mẹ hôm nay con bị thế này, thế kia, vì con biết mẹ luôn lắng nghe, không bao giờ trách móc.

Hình trình 22 năm nuôi dạy con sinh đôi là một trải nghiệm thật đặc biệt. Nhìn các con giống nhau về ngoại hình, nhìn 2 bằng đại học loại giỏi, nhìn những món đồ con mua sắm khi nhận tháng lương đầu tiên, tôi nghe hạnh phúc dâng trào.

Đó không chỉ là sự phấn đấu của các con, mà còn là sự nuôi nấng, dạy bảo của ba mẹ. Chặng đầu đời, cả nhà ta đã về đích thành công, giờ là lúc bắt đầu cho những chặng tiếp theo. Dù có vất vả, gian nan thế nào, tôi tin chúng tôi vẫn sẽ về đích.

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI