Vui buồn quá mức sẽ bị chứng tim tan vỡ

25/09/2016 - 18:00

PNO - Nếu quá căng thẳng, stress hoặc tâm lý bị sang chấn quá mạnh do thất tình, người thân lìa đời, gặp lại người thân sau nhiều năm xa cách… trái tim của người khỏe mạnh cũng có thể bị tan vỡ.

Khi bị hội chứng trái tim tan vỡ, người bệnh có dấu hiệu đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp, phù phổi và tử vong nhanh chóng. Trên 90% nạn nhân tan vỡ tim là những phụ nữ yếu đuối.

Chiều 22/9, chị H.T. (45 tuổi, nhà ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã bắt đầu hồi tỉnh sau nhiều ngày vật vã nằm trên giường bệnh ở khoa Hồi sức Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM.

Người nhà bệnh nhân (BN) kể, chị T. hay lo, thường xuyên đi khám bệnh vì cứ nghĩ đang mắc nhiều bệnh. Vì tính hay lo nên khi gặp chuyện gia đình không vui, chị nhanh chóng bị trầm cảm và tìm đến thuốc ngủ.

Vui buon qua muc se bi chung tim tan vo
Ảnh minh họa. Internet

Sáng 13/9, cả nhà phát hiện chị nằm bất động với bảy viên thuốc ngủ vung vãi bên cạnh. Ngay lập tức, người nhà đưa chị đến BV Đa khoa tỉnh An Giang cấp cứu. Nghi do ngộ độc thuốc ngủ và nhồi máu cơ tim, các bác sĩ (BS) đã sơ cứu, đặt nội khí quản, giúp thở máy… nhưng BN vẫn hôn mê sâu.

BN được đưa đến BV Chợ Rẫy ngay trong ngày. BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy kể: “Tối 16/9, BN đang nằm ở phòng chống độc, khoa Bệnh nhiệt đới, bỗng dưng bị tụt huyết áp, máu trào qua ống nội khí quản, thay đổi chỉ số điện tim, men tim tăng cao.

Thấy tình hình không ổn, BV tiến hành hội chẩn và nhận thấy BN rơi vào tình trạng choáng tim, phù phổi cấp nên nghi nhồi máu cơ tim do mạch vành bị tắc nghẽn. Để tránh nguy cơ tử vong, BN được truyền hai loại thuốc vận mạch liều cao, duy trì tim hoạt động… Đồng thời, các BS tiến hành thông tim.

Theo BS Linh, khi chụp mạch vành, vẫn không phát hiện bị tắc nghẽn. Các BS tiếp tục siêu âm, chụp phim lại phát hiện vùng mỏm tim phình to, vùng đáy tim lại “tăng động”.

Sau khi tìm hiểu bệnh sử: BN buồn chuyện gia đình, hay âu lo, các BS chẩn đoán BN bị “hội chứng trái tim tan vỡ”. Để tim BN có thể nghỉ ngơi, hồi phục; các BS tiến hành dùng kỹ thuật ECMO - một phương pháp trao đổi oxy máu qua màng ngoài cơ thể thay cho tim-phổi đang cần “nghỉ ngơi”. Sau ba giờ tích cực cấp cứu, sáng 20/9, chị T. đã qua cơn nguy kịch.

BS Trần Thanh Linh cho biết, hội chứng trái tim tan vỡ được Nhật Bản ghi nhận đầu tiên vào năm 1990, nên còn gọi là bệnh Takotsubo. Bất cứ người nào có trái tim khỏe mạnh cũng đều có nguy cơ mắc bệnh này, nhưng chủ yếu là phụ nữ, chiếm trên 90%, nhất là phụ nữ đang ở độ tuổi mãn kinh. Đây là hội chứng làm căng thẳng cơ tim, gây ra những cơn đau thắt ngực.

Cụ thể, khi vui, buồn quá mức như: chứng kiến tai nạn kinh hoàng, ly hôn, chia tay người yêu, gia đình đổ vỡ… não bộ của người bệnh sẽ phóng thích một loại hormone cortisol.

Loại hormone này làm tăng lượng đường trong máu, tăng hoạt động của các cơ, khiến cơ tim căng thẳng. Do đó, chức năng co bóp của cơ tim giảm còn 1/5 so với người bình thường, thất trái bị phì đại và nhanh chóng suy hô hấp, tử vong.

BS Trần Duy Tâm, BV Tâm thần TP.HCM cho biết, ở khía cạnh tâm thần thì bệnh này gọi là tình trạng stress cấp. Ngoài nguyên nhân người bệnh hay âu lo, hoảng loạn khiến ngưng tim đột ngột còn do… BS gây ra.

Nếu ở BN không hay “nắng mưa thất thường” thì có thể lỗi do BS kê toa. Nếu BS kê toa quá nhiều loại thuốc đá nhau hoặc ảnh hưởng quá mạnh đến tim mạch người bệnh cũng gây ra chứng trái tim tan vỡ.

Y học thống kê, 5% người bệnh mắc chứng tim tan vỡ sẽ bị biến chứng như: choáng tim, phù phổi và 2-5% ca trong số đó sẽ tử vong. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là người bệnh phải được điều trị tâm lý sau khi đã cứu sống.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI