Vực dậy sức mua, ngăn làn sóng trả mặt bằng hàng loạt

29/06/2023 - 06:03

PNO - Mặt bằng trống tại các tuyến đường, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại rất nhiều do sức mua giảm. Tình hình này kéo dài, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo.

Theo Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ 5 tháng đầu năm 2023 tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng không thấp nhưng với vai trò là một trong những trụ cột phát triển kinh tế, tiêu dùng nội địa, thị trường bán lẻ cần có mức tăng trưởng tốt hơn thế. Tiềm năng ngành bán lẻ còn rất lớn và cần được khai thác mạnh mẽ hơn. 

Nhiều mặt bằng có vị trí đẹp ngay ngã ba, ngã tư các quận trung tâm tại TPHCM để trống nhiều tháng (ảnh chụp ở nút giao Hai Bà Trưng với Nguyễn Văn Chiêm, quận 1)  - ẢNH: QUỐC THÁI
Nhiều mặt bằng có vị trí đẹp ngay ngã ba, ngã tư các quận trung tâm tại TPHCM để trống nhiều tháng (ảnh chụp ở nút giao Hai Bà Trưng với Nguyễn Văn Chiêm, quận 1) - Ảnh: Quốc Thái

Yếu tố đầu tiên chắc chắn là phải quan tâm đến sức mua xã hội. Quan sát trên thị trường hiện nay, nhiều chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng (shop)… đều bị thu hẹp, mặt bằng trống khá nhiều, nhất là ở Hà Nội, TPHCM. Tại kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng…), doanh số bán hàng cũng giảm mạnh, tiểu thương khắp nơi than ế ẩm dù chợ chiếm đến 80% trong cơ cấu hàng thiết yếu, tươi sống cho tiêu dùng. Sức cạnh tranh của bán lẻ truyền thống đang yếu hơn các kênh thương mại hiện đại do ít được đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức quản lý. 

Về cơ cấu tiêu dùng, do đại bộ phận dân cư đang gặp khó về thu nhập, các gia đình hiện chủ yếu tập trung chi tiêu những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nên dù hàng hóa liên tục khuyến mãi tiếp thị, quảng cáo… song sức mua nhóm hàng này cũng không tăng trưởng được nhiều. 

Sức mua giảm sút còn do nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng vẫn đang chịu mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% - một mức quá cao so với tình hình hiện nay (từ 1/7, phần lớn hàng hóa, dịch vụ mới được áp dụng thuế suất VAT 8%). Hàng hóa ra thị trường lại qua quá nhiều khâu trung gian khiến giá bán đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên từ 30 - 40%, có khi tăng gấp đôi gấp ba. Đây là điều vô lý nhưng vẫn cứ diễn ra nhiều năm chưa giải quyết. 

Doanh số bán lẻ còn bị hạn chế bởi vì trên thị trường tràn lan hàng dỏm, hàng giả, gian lận trong cân đo đong đếm…

Một hạn chế khác là công nghiệp chế biến còn yếu, chính vì vậy giá trị tăng thêm bị hạn chế, doanh số của một đơn vị hàng hóa không tăng lên được là bao. Một ví dụ dễ thấy như vải thiều Bắc Giang có hạt chỉ bán được bình quân 20.000-25.000 đồng/kg, nhưng trái vải không hạt ở Thanh Hóa được đầu tư khoa học kỹ thuật, chế biến bảo quản, quảng cáo tiếp thị… có thể bán được 600.000-700.000 đồng/kg, tăng đến 35 lần… Điều đó cho thấy, khi chúng ta nghiên cứu, đổi mới thì chắc chắn doanh số bán lẻ sẽ tăng lên gấp bội. 

Một vài năm nay cụm từ “chia sẻ, hài hòa lợi ích” được nhiều người nhắc đến bởi có những đơn vị hay cá nhân kinh doanh bán lẻ theo thế độc quyền, ép giá mua, nâng giá bán nhằm có được lợi nhuận tối đa mà chưa có sự can thiệp từ công tác quản lý nhà nước. Đó cũng là vấn đề của ngành bán lẻ.

Bộ Công Thương rất chú trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ góp phần phát triển sản xuất trong nước. Những giải pháp cơ bản để tăng doanh số bán lẻ, có lẽ chính là tháo gỡ những nút thắt về sức mua, hệ thống phân phối, công tác quản lý nhà nước về giá, nhất là đối với các hàng thiết yếu. Chính phủ đã có những giải pháp như tăng đầu tư công, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động…; giảm 2% VAT cho hàng hóa; giảm lãi suất tại các ngân hàng…

Về phía doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, liên doanh liên kết giữa sản xuất và phân phối, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, phối hợp đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng xã hội với giá cả hợp lý, tạo giá trị gia tăng bằng đổi mới, sáng tạo. Nâng cao tinh thần văn hóa sản xuất, văn hóa trong phục vụ bán lẻ, thế hệ những người làm nhiệm vụ bán lẻ hiện nay nên nhớ rằng khách hàng luôn là “thượng đế” và họ sẵn sàng ủng hộ những đơn vị phục vụ có thương hiệu, đối xử với khách hàng văn minh lịch sự… 

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI