“Vua vọng cổ hài” Văn Hường qua đời

08/12/2023 - 09:43

PNO - Nghệ sĩ Văn Hường đã qua đời vào tối 7/12, thọ 89 tuổi. Văn Hường được mệnh danh là “vua vọng cổ hài” với phong cách ca tạo nên một trường phái độc đáo, rất được yêu thích của sân khấu cải lương.

 

Chân dung danh ca Văn Hường (ảnh chụp năm 2014).
Chân dung danh ca Văn Hường (ảnh chụp năm 2014).

Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (TP Thủ Đức hôm nay). Có năng khiếu ca hát, chỉ nghe đài, Văn Hường đã thuộc rất nhiều bài bản, điệu lý.

Năm 15 tuổi, khi bán hạt dưa dạo ở các rạp cải lương nổi tiếng và các tụ điểm nghệ sĩ hay lui tới, Văn Hường được nghệ sĩ Lệ Liễu (mở quán gần khu vực cầu Thị Nghè) phát hiện, giới thiệu đến nhiều người, trong đó có “ông bầu” Bảy Cao và soạn giả Viễn Châu.

Sinh ra trong thời của những danh ca, mặc dù sở hữu một làn hơi, chất giọng thiên bẩm nhưng nếu không tạo dấu ấn đặc biệt (chưa kể việc “thất tướng”, thiếu sức hút ngoại hình) thì rất dễ bị chìm vào quên lãng.

Văn Hường được Bảy Cao và Viễn Châu hướng đi theo con đường hát hề. Ông cũng sáng tạo nên cách ngân “ư…hự” độc đáo khi xuống vọng cổ. Phong cách ca độc lạ và duyên dáng của Văn Hường đặc biệt phù hợp với các sáng tác vọng cổ hài của soạn giả Viễn Châu.

Bài vọng cổ hài đầu tiên Đêm tân hôn trình làng giọng ca Văn Hường với làng đĩa nhựa đã trở thành một “hit” lớn và đặt viên gạch đầu tiên cho Văn Hường tiến tới danh hiệu “vua vọng cổ hài”.

Lúc sinh thời, Văn Hường vẫn luôn nhắc đến soạn giả Viễn Châu với tất cả sự trân trọng. Ông xem soạn giả Viễn Châu là thầy, người đã làm nên tên tuổi cho mình với hàng trăm bài vọng cổ hài. Ngược lại, cũng có thể nói, giọng ca “độc” của Văn Hường cũng đã khơi nguồn cảm hứng cho soạn giả Viễn Châu rất nhiều.

Đặc biệt, từ chùm sáng tác về Tư Ếch: Tư Ếch đi chợ, Tư Ếch đi hội chợ, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch - Ba Râu đi xem đại nhạc hội… qua giọng ca Văn Hường, Tư Ếch bỗng trở thành nhân vật được khán giả yêu thích sánh ngang với nhiều nhân vật bước ra từ các vở tuồng hoàn chỉnh.

Hiện, Hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên
Hiện, Hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên lưu giữ và phát hành lại rất nhiều tác phẩm gắn với giọng ca Văn Hường.

Sau Văn Hường, nối tiếp có Hề Sa, Hề An Danh, Hề Thanh Nam… cùng phát triển trường phái vọng cổ hài. Nhưng sự điêu luyện trong kỹ thuật nhả chữ cũng như phong cách “ca như giỡn chơi”, tự nhiên tung tẩy nhẹ nhàng như không, thì vẫn chưa ai có thể “soán ngôi” Văn Hường.

Năm 1972, Văn Hường hợp tác với “vua Tao Đàn” Thanh Hải lập đoàn hát riêng mang tên 2 danh ca “Thanh Hải - Văn Hường”. Sau ngày đất nước thống nhất, Văn Hường về cộng tác với đoàn cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), rồi đoàn Sống Chung (Phước Chung).

Từ năm 1987, đã lớn tuổi, Văn Hường lui về ở ẩn, mở quán nghệ sĩ và sống an nhàn cùng gia đình trên mảnh đất quê nhà Long Thạnh Mỹ.

Đám cưới Văn Hường - Ảnh: Huỳnh Công Minh.
Danh ca Văn Hường trong ngày đám cưới - Ảnh: Huỳnh Công Minh.

Năm 2014, Văn Hường có tên trong danh sách đặc cách phong tặng danh hiệu ban đầu, nhưng ông đã từ chối với lý do: “Tui đã về quê cắm câu lâu rồi, có còn hát hò, cống hiến gì cho nghệ thuật nữa đâu…”. Cũng với quan niệm đã rời xa ánh đèn sân khấu là chấp nhận từ bỏ hào quang, không nuối tiếc, không níu kéo, nên mặc dù nhận được rất nhiều lời mời đi diễn, thu tuồng, tham gia chương trình các nơi, nhưng ông đều một mực từ chối.

Với ông, những gì hay nhất, đẹp đẽ nhất đã cống hiến hết trên sân khấu ngày trước, và chỉ muốn khán giả lưu giữ mãi trọn vẹn những hình ảnh, ấn tượng về Văn Hường của cái thời rực rỡ ấy. Một Văn Hường tuổi về già, hơi ca sa sút, cái rung “ư… hự” không còn “thiệt độc” như xưa, thì dù khán giả có thương, bản thân ông cũng khó chấp nhận…

Tang lễ của nghệ sĩ Văn Hường được tổ chức tại nhà riêng ở TP Thủ Đức. Lễ động quan diễn ra lúc 8g ngày 11/12, sau đó hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI