Sau cuộc họp phụ huynh ngày 13/9, một số phụ huynh của Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, giáo viên “nhắc” học sinh (HS) các khoản thu đầu năm. Đó là quỹ cha mẹ HS 800.000 đồng/HS/năm; bảo hiểm, các khoản tiền học phí, thu hộ-chi hộ… hơn 2 triệu đồng.
Học sinh Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) trong giờ học - Ảnh: Thanh Thanh
Đặc biệt, trong đó trường công bố bản dự toán quỹ tài trợ công trình, cơ sở vật chất 2020 gồm bốn công trình: cải tạo sàn chống thấm nước và thay thảm nền nhà thi đấu; hỗ trợ mua sắm các dụng cụ y tế, nước rửa tay, nước khử khuẩn phục vụ công tác phòng, chống COVID-19; sửa chữa thay thế các thiết bị vệ sinh, âm thanh... phục vụ cho hoạt động và hoạt động ngoại khóa của HS; lắp máy lạnh các lớp học còn lại có nhu cầu. Với những công trình này, trường dự toán thu của HS lớp Mười 350.000 đồng/HS; lớp 11 là 250.000 đồng; lớp 12 là 150.000 đồng. Dự toán thu khoảng 800 HS/khối, cộng với số tiền còn dư từ năm trước hơn 34 triệu đồng thì tổng dự thu là hơn 634 triệu đồng, trong khi dự chi là hơn 680 triệu đồng.
Một phụ huynh lớp Sáu Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3) cho biết: “Đầu năm học phải đóng quá nhiều tiền. Ngoài các chi phí cho tiền học thu theo quy định là 910.000 đồng, bảo hiểm gần 600.000 đồng, ở lớp thì phụ huynh vận động đóng tiền mua hai chiếc máy lạnh, cấp trường còn có quỹ khuyến tài và Mạnh Thường Quân”. Chị Y., phụ huynh trường này kể: “Phụ huynh chuyền tay nhau bản dự thảo chương trình khuyến tài - Mạnh Thường Quân hỗ trợ hoạt động dạy học năm học 2020-2021. Từ văn bản này, group của lớp, có cả giáo viên chủ nhiệm, kêu gọi đóng góp hai khoản này là 300.000 đồng cho chương trình khuyến tài và 600.000 đồng cho chương trình Mạnh Thường Quân...”.
Bản dự thảo cho thấy sẽ chi cho chương trình khuyến tài hơn 352 triệu đồng dùng cho các hoạt động khen thưởng HS giỏi cấp trường, cấp thành phố, thi văn hóa văn nghệ, học bổng cho HS… Dự chi cho chương trình Mạnh Thường Quân (hỗ trợ hoạt động dạy học) là hơn 638 triệu đồng. Trong đó, dành cho bồi dưỡng giáo viên dạy HS giỏi hơn 464 triệu đồng, phụ đạo HS yếu 84 triệu đồng, hỗ trợ các hoạt động 75 triệu đồng…
Tất cả đều chi cho học sinh?
Trong hướng dẫn khung mức thu đối với các khoản thu thỏa thuận cho các đơn vị trực thuộc, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các trường không được thu gộp một lúc nhiều khoản; khi thu phải cung cấp hóa đơn cho từng HS. Hơn nữa, giáo viên cũng không được trực tiếp thu tiền của phụ huynh. Thế nhưng, cứ đầu năm học là lại dậy lên câu chuyện tiền trường.
Theo nhiều hiệu trưởng, đầu năm học, nếu không xin ý kiến, vận động tài trợ ngay từ đầu thì khó đưa vào kế hoạch hoạt động. Ông Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng, giãi bày: “Tôi có thể ngồi im, nhìn trường nhếch nhác, nhà vệ sinh hôi, thiếu vòi nước... vẫn có thể dạy học và hoạt động bình thường. Nhưng nghĩ con mình mà vậy có chịu được không nên đã “manh động” cùng làm với phụ huynh. Phụ huynh lớp Sáu con mới vào trường sẽ không hiểu khi thấy ban đại diện cha mẹ vận động tiền, nhưng chỉ cần vào học một thời gian thấy con em được thụ hưởng cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, thơm tho sẽ thôi thắc mắc”.
“Không có chuyện bắt buộc đóng các khoản tiền tài trợ này, ai đóng hay không đóng, đóng bao nhiêu đều được. Thực tế, năm học vừa qua, trường có 1.600 HS nhưng chỉ 1.000 phụ huynh đóng, có người đóng 50.000 đồng, cũng có người đóng trên 500.000 đồng. Và đóng lúc nào cũng được, không bắt buộc ngay đầu năm học. Có thể giáo viên nôn nóng, lại nói không khéo khiến phụ huynh hiểu lầm”, ông Khánh cho biết.
Còn tại Trường THPT Gia Định, ông Nguyễn Bảo Quốc, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trước khi tôi về trường, khoản tiền quỹ là 700.000 đồng/năm. Nhưng tôi có xin ý kiến phụ huynh để thu 400.000 đồng/học kỳ nhưng mỗi năm miễn giảm hơn 200 HS. Trường có rất nhiều HS đoạt giải HS giỏi nên kinh phí để khen thưởng lớn. Nhà trường vẫn có quỹ học bổng nhưng không có tài trợ của phụ huynh, chỉ trông chờ vào ngân sách thì phần thưởng của HS sẽ không đủ khích lệ. Vì vậy, phụ huynh đóng góp là để chi các hoạt động của học trò".
Ông Quốc cũng nhấn mạnh: “Do nền nhà thi đấu hiện đang bị bong tróc nặng, sợ HS vận động dễ bị té ngã nên vận động phụ huynh cùng tham gia cải tạo. Ngoài đóng góp của phụ huynh, chúng tôi phải vận động thêm bên ngoài chứ nhiêu đó không đủ”.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT tại Q.10 cho rằng: “Chúng tôi không thu tiền phụ huynh để xây, sửa các công trình. Ban giám hiệu dựa vào kinh phí được cấp và học phí được thu, cân đối các khoản cho hoạt động của năm học. Cụ thể, các khoản chi của trường gồm: lương giáo viên; trích quỹ phát triển sự nghiệp chi cho các hoạt động tái tạo cơ sở vật chất, những gì thuộc về tập thể… quỹ thi đua khen thưởng và phúc lợi cho giáo viên; khen thưởng HS trích từ nguồn thu học phí.
“Mỗi năm, muốn mua sắm, sửa chữa thì đề xuất, xin chủ trương của sở, không nên lấy thêm tiền của người học”, vị này nhấn mạnh.
Năm nào cũng thế, Hội Cha mẹ học sinh thì tuân theo đề nghị của BGH rồi về lớp thao thao bất tuyệt cho PHHS nhiều khoản thu. Thu mua sắm máy chiếu, lắp camera... nhưng chẳng ai kiểm soát. Cuối năm lại thao thao bất tuyệt các khoản chi, mỗi khi đi họp PHHS là các cháu nhắc cha mẹ đem theo tiền để đóng các khoản thu.