Vừa thả cá phóng sinh đã có người bắt đem bán: Lòng thiện bị tổn thương!

17/08/2016 - 21:50

PNO - Chúng ta có thể phóng sinh bằng cách mua được chúng rồi thả chúng luôn ở nơi đó hoặc xem xét môi trường sống để con vật sống tốt hơn.

Thông tin báo chí, tại Chùa Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh) vào chiều 16/8 (tức 14/7 ÂL), do chùa có vị trí sát sông Sài Gòn nên hàng chục người dân, Phật tử đến chùa lễ Phật sau đó làm lễ phóng sinh cá, lươn, ba ba, rùa, chim,.. với tâm niệm cầu mong những điều may mắn tốt lành, bình an đến với gia đình.

Thế nhưng, sự hoan hỉ chưa kịp trọn vẹn khi xung quanh họ, một nhóm người đi trên những chiếc ghe, tay cầm kích điện, vợt,... trong tư thế sẵn sàng bắt những loài vật vừa được phóng sinh. Được biết nhóm người này hoạt động liên tục từ sáng đến tối trong dịp tháng 7. Những con cá lớn bắt được sẽ bán tại chợ, những loại cá nhỏ thì bán rẻ cho các sạp bán cá phóng sinh.

Đại đức Thích Thanh Huân – Trụ trì chùa Pháp Vân (TP. Hà Nội) – Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những chia sẻ về câu chuyện này.

"Phóng sinh là một hình thức làm phúc của người Phật tử nói riêng và những người không phải Phật tử nói chung để cuộc sống của con vật ấy có thể tồn tại lâu hơn. Đó là việc làm xuất phát từ một cái tâm thiện rất tốt.

Vua tha ca phong sinh da co nguoi bat dem ban: Long thien bi ton thuong!
Hình ảnh người dân đi phóng sinh (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên, chúng ta phải làm sao để tránh người khác lợi dụng. Không chỉ có năm nay, mà một vài năm lại đây có xuất hiện một số những người đi phóng sinh nhưng lại có những người lợi dụng bắt lại những con vật đó để bán lại, trong số đó bắt về để cho người ăn thịt cũng có.

Theo tôi nghĩ, mọi người cần hiểu được phóng sinh là gì và phải nuôi dưỡng trong tâm mình, lòng mình đức hiếu sinh, hạn chế để người khác lợi dụng", Trụ trì chùa Pháp Vân nói.

Theo Đại đức Thích Thanh Huân, "việc phóng sinh nếu không cẩn thận sẽ trở thành hình thức rủ nhau phóng sinh thật đông, mua bán thật nhiều về thả nhưng lại không chắc những con vật ấy được thả ở môi trường ấy có thể sống được không? Mình nhìn thì có thể thấy chúng có thể sống thêm nhưng sau đó, nó sống được hơn hay không thì mình lại không quan tâm.

Nó giống như câu chuyện bắt một người đang ở trong tù đày ra cuộc sống khổ đau. Cứu họ được nhưng lại thả họ ra môi trường không thể sống được, mạng cuộc sống của họ bấp bênh... Như vậy, mình cứu những loài vật nhưng lại chưa chắc cho nó một cuộc sống yên ổn".

"Chúng ta có thể phóng sinh bằng cách mua được chúng rồi thả luôn ở môi trường gần ấy hoặc xem xét làm sao để con vật có một môi trường sống thật tốt.

Và quan trọng nhất là phải hiểu được ý nghĩa của nó là cứu cho mạng sống của loài vật, trân trọng cuộc sống của những loài đó và nuôi dưỡng tình thương trong tâm của mình cho muôn loài", đại đức Thích Thanh Huân nói.

Nói về hành động bất chấp những người khác làm việc thiện, quan tâm đến lợi nhuận đi bắt những con vật của người khác phóng sinh, thầy Huân cho rằng, hành động đó vô tình đã gây nên những tổn thương cho những người phóng sinh, đó là điều không hay.

Theo Đại đức Thích Thanh Huân, việc phóng sinh là việc rất tốt, tuy nhiên, có nhiều việc ta cũng cần phải làm mà quan trọng nhất là đối với loài người:

"Mọi chúng sinh đều bình đẳng ở việc ham sống, sợ chết, trong đó con người cũng vậy, chúng ta cũng cần quan tâm đến nhân loại, sự sống con người. Đơn cử như bây giờ trong xã hội mọi người đều vì muốn làm kinh tế mà sẵn sàng làm những việc như trồng rau không sạch, đầu độc và mang đến những căn bệnh ung thư, bệnh nguy hiểm có thể giết hại con người...

Mình cần phải hiểu được ý nghĩa và tinh thần của phóng sinh. Nếu mà để bỏ ra được 10 triệu, 5 triệu, 7 triệu để phóng sinh mà chẳng cứu được con vật đó thì chúng ta nên để giúp người nghèo, thiên tai, trẻ em, bệnh nhân cũng đang rất cần, đừng quay lưng với những thiếu thốn của người khác...".

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI