Vừa sinh con, người mẹ trẻ nói mình là người của... thiên đình

15/06/2017 - 08:40

PNO - Sinh con được 4 ngày, chị X. tự nhận mình là người của thiên đình, xuống trần gian để giúp đỡ muôn dân.

“Ta là người của thiên đình”

Vốn đã có một bé gái 5 tuổi với chồng trước, khi tái giá, chị Nguyễn Ngọc X. (28 tuổi) không muốn sinh thêm con vì sợ con gái sẽ không được gia đình chồng quan tâm. 

Từ lúc hai mẹ con chị ở chung với nhà chồng, cả nhà đều thương yêu con gái chị như con cháu trong nhà. Chồng chị không nhắc đến chuyện con chung nên chị X. cũng yên tâm. "Thế nhưng, thấy chồng mê con nít quá, tôi đồng ý sinh con cho chồng" - chị X. chia sẻ. 

Khi chị mang thai đến tháng thứ 2, những lo sợ trước đây lại ùa về. Thấy mẹ chồng và chồng  yêu thương, chăm sóc con gái, chị X. lại nghĩ họ… giả vờ để chị yên tâm sinh con. Nhất là mỗi lần nghe mấy đứa bé bên nhà chồng trêu bé gái rằng “mẹ có em rồi, mày ra rìa rồi”, chị X. lại thấy hối hận vì mình… trót mang thai.

Vua sinh con, nguoi me tre noi minh la nguoi cua... thien dinh
Sản phụ cần được quan tâm chăm sóc để tránh nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa.

Kết quả siêu âm thai là bé trai, chị X. càng lo sợ con gái của mình bị đối xử tệ bạc hơn. 4 ngày sau sinh, chị X. dường như trở thành một người khác hẳn.

Chị như người vô hồn, mắt luôn nhìn vào khoảng không, ai hỏi gì, nói gì chị cũng mặc kệ, cứ im lặng, trầm tư không chịu tiếp xúc với ai. Tuy nhiên, vì thương vợ, thương con nên chồng chị luôn bên cạnh động viên.

Qua những ngày sau, bệnh chị X. ngày càng nặng hơn. Đang ngồi, đột nhiên chị hét lên: “Ta là người của thiên đình xuống trần gian để giúp đỡ muôn dân”, khiến cả nhà sợ hãi. Đứa bé sơ sinh giật mình khóc thét thì chị quay qua nhìn trân trân vào nó, miệng nói bẩm lẩm gì đó không ai hiểu được.

Càng ngày, chị X. nói nhảm nhiều hơn và không chịu ngủ. Thấy vậy, gia đình đưa chị đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy các chỉ số về sức khỏe sau sinh như: mạch, huyết áp, nhịp thở đều bình thường, vết may tốt, không có bất thường.

Vua sinh con, nguoi me tre noi minh la nguoi cua... thien dinh

Khi bác sĩ tiếp xúc với chị X., chị không trả lời theo câu hỏi của bác sĩ, mà cứ nói từ khi sinh con trai, chồng và mẹ có con, cháu ruột rồi... nên không ai thương con gái riêng của chị, rồi chị khóc um lên.

Các bác sĩ nhận định, chị X. bị trầm cảm sau sinh, bệnh tiến triển nhanh, nặng dần nên khuyên gia đình đưa chị X. đến Bệnh viện Tâm thần điều trị.

Chồng nên bên cạnh khi vợ mình sinh con

Tiến sĩ bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Sau sinh là giai đoạn phụ nữ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Trầm cảm sau sinh có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng (buồn sau sinh, trầm cảm sau sinh, loạn thần)".

Nếu ở mức độ nhẹ, người mẹ vẫn có thể chăm sóc và gần gũi bé nhưng phải có người thân bên cạnh vừa tâm sự chia sẻ, vừa giám sát hành vi của sản phụ.

Nếu thấy tình trạng bệnh của người mẹ nặng dần, nên cách ly bé khỏi mẹ vì có thể bé bị hại do mẹ hoang tưởng. Sau đó, người thân phải đưa người mẹ này đến bệnh viện có chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám kỹ hơn và điều trị sớm.

Vua sinh con, nguoi me tre noi minh la nguoi cua... thien dinh
Tiến sĩ bác sĩ Lê Thị Thu Hà trong buổi tư vấn trực tuyến do Báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức.

Những dấu hiệu thường gặp của trầm cảm sau sinh là sản phụ cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, kém ăn, không tập trung, thờ ơ, cảm xúc thay đổi nhanh như thoắt vui thoắt buồn, khóc, cười vô cớ. Người mẹ này luôn có cảm giác bồn chồn lo lắng, dễ cáu gắt.

Họ không quan tâm chăm sóc con, không muốn quan hệ tình dục, cảm giác bị bỏ rơi. Lúc này, thay vì bỏ mặc, hay để người mẹ một mình thì người nhà nên bên cạnh chia sẻ, động viên, giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân.

Để tránh trầm cảm sau sinh, thai phụ và gia đình phải chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, sức khỏe và tài chính trước khi mang thai hoặc ít nhất là trước khi sinh. 

Cần có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ cho thai phụ khi mang thai và sau sinh. Giai đoạn sau sinh, các mẹ quá lo lắng cho con nên thường mất ngủ, khi ấy cần có người thân bên cạnh chăm bé để mẹ được nghỉ ngơi.

“Tỷ lệ sản phụ trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 10- 20%. Ngay sau sinh, các bà mẹ thường sẽ rất yếu đuối về thể chất lẫn tinh thần. Lúc này, họ rất cần người thân bên cạnh, đặc biệt là chồng.

Người chồng cần quan tâm chia sẻ với vợ những khó khăn khi chuyển dạ và chăm sóc bé. Người thân nên giữ bầu không khí trong gia đình vui vẻ, thoải mái, những lời nói mang tính động viên, tích cực thì sẽ giúp sản phụ được thoải mái hơn”, bác sĩ Hà khuyến cáo.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI