Vừa quay lại trường, trò đã “văn ôn võ luyện” để thi

22/05/2020 - 07:43

PNO - Sau kỳ nghỉ dài hơn ba tháng để phòng chống dịch bệnh, vừa quay trở lại trường, nhiều phụ huynh, học sinh phát hoảng khi nghe thầy cô dặn dò học bài chuẩn bị thi.

Chị V.T.M., phụ huynh lớp Bốn Trường tiểu học Nguyễn Văn Nở (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: mới vào học chưa được hai tuần đã nghe cô dặn sáng thứ Năm (21/5) kiểm tra giữa học kỳ II môn tiếng Việt; sáng thứ Sáu (22/5) kiểm tra môn toán, kèm theo đó là lời nhắc “nhờ phụ huynh cho các em xem lại bài tập làm văn cô đã ôn, toán xem kỹ các bài tính phân số”. 

Đi học lại chưa lâu, học sinh phải vất vả ôn tập để thi - Ảnh: Trung Thanh
Đi học lại chưa lâu, học sinh phải vất vả ôn tập để thi - Ảnh: Trung Thanh

Phụ huynh tỏ ra bức xúc khi con vừa mới vào học hai tuần, chưa kịp thích nghi đã phải kiểm tra. “Con tôi học khá, kèm thường xuyên suốt mùa dịch còn không nhớ gì. Nhiều phụ huynh không nghỉ làm được, gửi về ông bà ở quê giữ thì học kiểu gì. Mạng, máy tính cũng không có, kiến thức chưa kịp hệ thống lại đã phải thi thì quá áp lực cho trẻ”, chị P., phụ huynh trường này cho biết. 

Theo các phụ huynh, đằng nào cũng trễ so với kế hoạch năm học ban đầu, nhà trường nên để cho học sinh bắt nhịp lại sau thời gian nghỉ quá dài. Mới đi học lại đã thi là không nên, dù đó là thi giữa kỳ, chỉ cần thi là có áp lực. Việc học online cũng giữa tháng Ba đến đầu tháng Tư mới triển khai nhưng đâu phải học sinh nào cũng học, có học sinh về quê, mạng có vấn đề... Vì vậy, nên cho học sinh lấy đà và có thêm thời gian thích nghi, ôn tập. 

Anh Nguyễn Thành Trung, phụ huynh lớp Chín tại TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho biết: “Con tôi mới đi học lại, trường đã thông báo có lịch thi học kỳ II. Cụ thể, học sinh lớp Chín sẽ thi từ 1/6 đến 6/6; khối Sáu, Bảy, Tám thi từ ngày 15/6 đến 20/6. Do đó, học sinh phải ôn bài từ lúc này để thi giữa kỳ rồi thi hết học kỳ II. Năm nay, thời gian nghỉ dài, học sinh mất bài nhiều. Vào học thì phải nhanh chóng hệ thống lại kiến thức nên việc ôn tập chạy song song, vất vả gấp đôi”. 

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.Thủ Dầu Một, học sinh khối Chín trên địa bàn phải thi học kỳ II các môn toán, văn, tiếng Anh do Sở GD-ĐT tỉnh ra đề; các môn hóa và lý do Phòng GD-ĐT ra đề; còn khối Sáu, Bảy, Tám thi môn toán, văn, tiếng Anh theo đề của Phòng GD-ĐT. Các môn còn lại thi theo đề của trường ra. 

Nhiều học sinh lớp Tám tại cơ sở Sunrise (Q.7, TP.HCM) của Trường dân lập Việt Úc phải kiểm tra liên tục từ ngày 18-21/5, trong đó có ba ngày kiểm tra đến hai lần. Chưa hết, một phụ huynh lớp Mười của trường này còn cho biết vừa đi học lại, con họ đã phải đối diện với lịch thi dày đặc: ngày 13-14-15/5 thi môn công nghệ thông tin; ngày 18-19-20-21/5 đều có môn thi, trong đó có hai ngày thi tận hai lần.

Đành rằng trường cũng có cái khó là thời gian năm học còn lại không nhiều, chương trình học kỳ II phải hoàn tất trước ngày 11/7. Đó là chưa kể các trường phải chuẩn bị cho học sinh cuối cấp trước các kỳ thi lớn nên phải tranh thủ kiểm tra theo cột điểm, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ… Tuy nhiên, việc sắp xếp như thế rõ ràng đã không chú ý đến tâm lý của người học. Học sinh nghỉ hơn ba tháng, vừa đi học lại chưa kịp lấy đà đã thi cử liệu sẽ có kết quả phản ánh đúng lực học? 

Thực tế ghi nhận những ngày đầu khi trường mở cửa trở lại, nhiều học sinh mầm non đã… quên tên bạn học; học sinh lớp Một như phải học lại từ đầu; học sinh các lớp nhỏ không thể học nổi hai buổi trong suốt cả tuần đầu tiên… Đó là phản ứng tất yếu. Học sinh không phải là cái máy để có thể chuyển từ trạng thái nghỉ sang tăng tốc một cách tức thì. Việc vừa vào học chưa bao lâu đã đối diện với lịch kiểm tra, thi liên tục là phản khoa học. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI