Vì gia đình chồng neo người nên sau khi kết hôn, vợ chồng chúng tôi ở chung nhà với ba mẹ. Tôi đã tìm hiểu, lắng nghe rất nhiều lời khuyên, chia sẻ từ sách vở đến bạn bè về việc làm sao để dung hòa, nhường nhịn mẹ chồng.
Tuy nhiên, thực tế thì không có sự hướng dẫn hay bài học nào hoàn toàn chính xác khi áp dụng. Sống chung, tôi nhận ra, việc tương tác, ứng xử giữa các thành viên trong một gia đình không phải là việc đúng, sai mà nên ưu tiên tiêu chí phù hợp.
|
Tác giả chọn hướng bếp có thể nhìn thấy vườn, để người nấu không bị “nhốt” trong 4 bức tường |
Ở nhà tôi, khúc mắc lớn nhất nằm ở khâu nấu nướng. Ba chồng tôi cùng lúc mắc nhiều chứng bệnh, mẹ thì bị sỏi thận nên thực đơn ăn uống khá hạn chế. Nếu ăn rau, mẹ chỉ chọn rau khoai, cá thì phải là những loài cá nước ngọt.
Riêng ba còn kiêng các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, các loại mắm, ruốc, dưa cà, dưa muối. Ngược lại, vợ chồng tôi cực thích những món gì mặn miệng, bắt cơm.
3 năm sống chung, ăn chung, cả tôi và chồng đều cố gắng “gồng” để bữa cơm nào cũng đông đủ thành viên như ý ba mẹ muốn. Thế nhưng, khi các con tôi lớn lên, gu ăn uống của chúng dần hình thành thì việc bếp núc trở nên phức tạp.
Cùng lúc, mẹ chồng tôi không thể vừa chăm ba ốm vừa chợ búa, nấu nướng cho đại gia đình. Còn tôi, vì đặc thù công việc, tôi cũng không sắp xếp được thời gian để luôn tròn vai một người con dâu đảm đương, chu toàn.
Chưa kể, nhiều lần, tôi xông xáo vào bếp nấu món này món kia nhưng mẹ lại chau mày không hài lòng về màu sắc, hương vị món ăn.
Tôi mạnh dạn đề nghị được ăn riêng. Tháng đầu, ba mẹ có vẻ buồn. Ông bà hay kiếm cớ giận lẫy, nói bóng gió xa gần khiến chồng tôi ái ngại. Tuy nhiên, tôi xác định, cái gì cần thiết và hợp lý để duy trì lâu dài thì mình cứ mạnh dạn lựa chọn.
Việc thay đổi, điều chỉnh những điều bất tiện cố hữu không khác gì thực hiện một cuộc cách mạng và tất nhiên kết quả không phải lúc nào cũng thấy được ngay.
Vài tháng sau, ba mẹ dần dịu giọng. Có điều, mẹ chồng tôi không hài lòng khi tôi đặt thêm một cái bếp vào góc sân, ở khu vườn phía trước. “Nhà đã có gian bếp phía sau. Mẹ nấu xong thì đến lượt con chứ bày vẽ ra thêm làm gì, vừa tốn kém, vừa cồng kềnh” - mẹ chồng nói.
Thật ra, dù ở phố, nhà tôi rất rộng rãi, tổng diện tích gần 500m2. Kiến trúc không gian lại được bố trí theo chữ L nên khá tiện lợi cho việc sinh hoạt. Tôi đã chọn mua cái bếp điện từ đơn, kích thước nhỏ gọn, đặt lên chiếc bàn gỗ; dưới gầm bàn còn thiết kế hẳn một hộc tủ để đựng hành tỏi, các lọ gia vị.
Riêng chén dĩa, xoong nồi… thì đặt ở một kệ gỗ khác. Ở vườn có một vòi nước lộ thiên, có chỗ thoát nước dẫn ra những vuông rau xanh mướt. Chồng tôi, vì chiều vợ, hì hụi đóng một cái lán che mini, lắp thêm bảng điện, giúp tôi mỗi lần nấu ăn.
Vốn sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tôi từng quen với những gian bếp rộng rãi, thoáng mát, có những ô cửa lớn trổ ra vườn. Thậm chí, bà nội có lúc còn đặt hẳn 3, 4 viên gạch dưới gốc cây rồi nấu nước, luộc bánh, hầm măng... Tôi luôn nhớ cảm giác được ngồi dưới tán cây, nhìn nắng bên ngoài nhảy múa, nghe gió lao xao và hít hà mùi thơm của khói bếp, của thức ăn phảng phất bay lên.
Sự hòa quyện, gần gũi với thiên nhiên, gió trời luôn mang đến sự dễ chịu, thư thái, dù ta đang làm bất cứ việc gì.
Bây giờ cũng vậy, từ ngày chuyển bếp ra gần khu vườn, tôi thấy mình khỏe khoắn, tươi vui hơn mỗi lần nấu nướng.
Có lẽ vì thế mà bữa ăn nào con gái cũng khen ngon. Con gái đem sự tấm tắc ấy khoe với bà nội. Tôi nghe bà lớn giọng hơn bình thường: “Những việc nhà bao gồm nấu nướng, giặt giũ... là việc của phụ nữ. Chúng ta nên làm những việc ấy ở gian sau ngôi nhà. Gian trên, gian trước là để thờ cúng, để những người đàn ông uống trà, tiếp khách...”.
Thì ra, vì những định kiến mang nặng tính hy sinh ấy mà mẹ bất bình với tôi. Mẹ đã đánh đồng việc tôi tìm cách sắp xếp mọi thứ để đạt được sự thoải mái cho bản thân với việc không biết chăm sóc người thân là một.
Bỗng nhiên tôi nhớ ra, không chỉ mỗi việc nấu nướng, từng có nhiều hành động khác của mẹ khiến tôi rất khó hiểu. Như khi treo áo quần vào dây phơi, đồ của ba và chồng tôi sẽ luôn được dàn ra chỗ rộng rãi đón nhiều ánh sáng nhất, có khi choán ngay lối đi cũng chẳng hề hấn gì.
Còn đồ của mẹ và tôi, sẽ luôn được dồn vào một góc sát bờ tường tối tăm hoặc ở góc nhỏ cuối cùng của chiếc dây phơi, để tránh những người đàn ông trong nhà nhìn thấy hoặc chạm phải.
|
Ảnh mang tính minh họa - Johnstocker |
Mẹ chồng tôi không đến nỗi vắt kiệt sức mình để chăm sóc người khác, nhưng mẹ đã quên rằng bản thân mình cũng cần được đón nhận những mới mẻ, hân hoan. Trong gia đình, mẹ mang tâm thế yêu thương chính là hy sinh và chấp nhận chứ không phải là điều chỉnh, chủ động tìm lấy nụ cười.
Tôi giữ khoảng cách với cách suy nghĩ của mẹ để chọn lối đi riêng. Tôi sẽ vẫn yêu thương, chăm sóc chồng con, nhưng cũng dành sự ưu tiên đặc biệt khác cho bản thân.
Mẹ chồng sẽ luôn bình an khi quẩn quanh nấu nướng, tắm giặt ở khu nhà sau đầy khuôn khổ; còn tôi, tôi chỉ trở thành một bà vợ, bà mẹ có khả năng nội trợ tuyệt vời khi được đứng giữa một gian bếp thông thoáng, gần gũi với thiên nhiên.
Diệu Thông