“Vua” mới trấn thị trường phim Việt

21/06/2016 - 16:23

PNO - Hai năm trở lại đây, thị trường điện ảnh Việt chứng kiến sự tăng vọt về số lượng phim chiếu rạp. Từ 20 phim của năm 2014, sang năm 2015 tăng gấp đôi và năm nay dự báo có hơn 60 phim ra rạp.

Cùng với tốc độ tăng trưởng của phim Việt là sự đổi ngôi ngoạn mục về vai trề quan trọng của bộ ba đạo diễn-nhà sản xuất-nhà phát hành. Theo đó “quyền lực” nhất không phải là những người trực tiếp làm ra bộ phim như đạo diễn, nhà sản xuất mà là đơn vị phát hành.

Đạo diễn bị truất ngôi

Đạo diễn (ĐD) được xem là “vua trường quay”, là đầu tàu, kết nối từng bộ phận trong ê kíp để cả đoàn phim vận hành suôn sẻ. ĐD có thể biến một kịch bản bình thường thành bộ phim hay, chỉ đạo một diễn viên (DV) tay ngang hóa thân xuất thần... Dù công việc của đạo diễn cơ bản không thay đổi: lựa chọn, chỉnh sửa kịch bản; chọn bối cảnh; tuyển DV; chỉ đạo diễn xuất… nhưng quyền lực của “vua trường quay” giờ đây không còn thực chất. Sự “soán ngôi” âm thầm diễn ra khi thị trường làm phim trở nên sôi động với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất tư nhân.

Khi mức độ cạnh tranh ngày càng tăng, quyền năng của nhà sản xuất cũng tăng theo vì hơn ai hết, họ là người biết rõ phải làm gì để bộ phim trụ rạp và sinh lợi. Mâu thuẫn giữa ĐD và nhà sản xuất là mâu thuẫn muôn đời bởi mục đích, góc nhìn của hai bên hoàn toàn khác nhau, một vì nghệ thuật, một vì thương mại.

Sự lấn quyền của nhà sản xuất thể hiện trước hết ở khâu chọn DV, vì ngôi sao là một trong những yếu tố kéo khán giả tới rạp. Một nhà sản xuất cho biết, thắng-thua của một bộ phim nằm ở tuần đầu tiên bán vé, trong đó ba ngày đầu công chiếu, đối tượng mua vé chủ yếu là fan của nghệ sĩ. Vì thế nhà sản xuất luôn muốn đưa ngôi sao ăn khách vào phim, dù có thể không hợp vai. Phim Già gân, mỹ nhân và găng tơ thất bại một phần do ngoại hình hom hem, chân chất của danh hài Hoài Linh hoàn toàn không thích hợp để vào vai một người hùng hành động. Phim Hy sinh đời trai sau khi ra rạp bị xếp vào hàng “thảm họa”, dư luận mới vỡ lẽ có nguyên nhân không nhỏ từ việc ĐD bất đồng với DV chính - người do nhà sản xuất lựa chọn.

Quá trình ghi hình là thời điểm dễ bùng phát mâu thuẫn nhất giữa hai bên bởi các sáng tạo nghệ thuật của ĐD thường gây tốn kém mà nhà sản xuất thì luôn muốn hạn chế tối đa chi phí. Bộ phim chiến tranh CKC - thợ săn biệt kích là một minh chứng cho mâu thuẫn này khi NSƯT Nguyễn Chánh Tín đột ngột bỏ ngang vai trò ĐD do ông đòi súng thật, còn nhà sản xuất lại cung cấp súng gỗ, sau đó hai bên tiếp tục tranh cãi vấn đề nghệ thuật dẫn đến xô xát. ĐD Đỗ Quang Minh cũng bỏ ngang phim Lệnh xóa sổ vì bất đồng với nhà sản xuất.

Sự can thiệp của nhà sản xuất còn có thể xuất hiện trong khâu hậu kỳ, dựng phim khi họ đề nghị ĐD phải điề u chỉ nh thời lượng dành cho nhân vật mà họ cho là sẽ giúp thu hút khách. Một phim đồng tính ra rạp thời gian qua bị chìm nghỉm cũng vì lý do này. Lúc dựng phim, ĐD muốn nhấn vào cặp đôi chính để tăng chất tình cảm lãng mạn nhưng nhà sản xuất đòi tăng thêm yếu tố hài bằng cách đưa thêm nhiều cảnh chọc cười của hai nhân vật phụ. Kết quả mạch phim bị lủng củng vì một trong hai nhân vật phụ kia chưa từng diễn hài. Mâu thuẫn là động lực để phát triển, nhưng một khi giữa hai bên không tìm được tiếng nói chung thì hậu quả là sẽ cho ra đời những tác phẩm thất bại.

“Vua” moi tran thi truong phim Viet
Sự tham gia góp ý của phía phát hành ít nhiều cũng tác động tích cực đối với doanh thu phòng vé của phim vì họ có nhiều kinh nghiệm về thị trường, biết được tâm lý người xem (cảnh trong phim Taxi em tên gì)

Bất đồng giữa ĐD-nhà sản xuất gầ n đây lắng xuống khi mô hình vợ làm sản xuất-chồng ĐD, xuất hiện ngày càng nhiều. Có thể kể đến vợ chồng Bebe Phạm - Dustin Nguyễn (phim Trúng số, Bao giờ có yêu nhau), Lưu Hồng Minh - Lê Bảo Trung (phim Gia sư nữ quái, Biết chết liền, Bảo mẫu siêu quậy), Thanh Thúy - Đức Thịnh (phim Ma dai, Taxi em tên gì, Sứ mệnh trái tim), Lý Hải - Minh Hà (phim Lật mặt), sắp tới có Tú Vi - Văn Anh (phim Đời cho ta bao lần tuổi đôi mươi).

Tất nhiên dù là vợ chồng thì tranh cãi giữa nhà sản xuất - vợ và ĐD - chồng vẫn có, nhất là về kinh phí. Nhưng mâu thuẫn này thườ ng nhanh chóng được giải quyết êm xuôi nhờ hai bên hiểu ý nhau. Phim Bao giờ có yêu nhau ban đầu dự kiến chỉ 10 tỷ đồ ng nhưng “ĐD chồng” Dustin Nguyễn đòi sửa lại kịch bản, thêm kỹ xảo khiến “nhà sản xuất vợ” phải chi thêm 4 tỷ đồ ng. Nếu không có sự thấu hiểu, thông cảm nhau ở ngoài đời, có lẽ khó nhà sản xuất nào chịu chi thêm để cùng “bay” với ĐD. Thực tế cho thấy sự hợp tác “mưa thuận gió hòa” của nhà sản xuất và ĐD góp phần không nhỏ vào thành công của các bộ phim.

Tư vấn viên quyền lực

Nhà sản xuất “tiếm ngôi” của ĐD nhưng trong thời buổi thị trường chiếu bóng bùng nổ như hiện nay, cũng là lúc vai trò của nhà phát hành được đặc biệt nâng cao. Nếu như ở nước ngoài, trước khi bắt tay vào làm phim, nhà sản xuất thường phải tiến hành nghiên cứu thị trường để tìm hiểu thị hiếu, thăm dò phản hồi của người xem đối với dự án sắp bấm máy thì ở VN, giai đoạn này nhà sản xuất phải dựa vào phía phát hành.

Bà Tường Thị Thu Tâm, giám đốc phụ trách phát hành phim Việt của CJ CGV cho biết: “Hai năm về trước, phim làm xong rồi sản xuất mới tìm đến nhà phát hành. Nhưng gần đây nhà sản xuất đánh giá thị trường rất quan trọng, 10 phim ra rạp chỉ có hai-ba phim thành công, vì vậy họ trở nên cẩn thận hơn và cần đến sự tư vấn của phát hành. Nhà sản xuất nhìn về bộ phim, còn phát hành nhìn về hướng thị trường. Người làm phim có khi chỉ vì tâm huyết, vì hứng thú mà làm, nhưng đơn vị phát hành là người có cái nhìn "tỉnh táo", rõ hơn về khán giả, về đối tượng xem bộ phim này là ai”.

Có kinh nghiệm nắm bắt thị hiếu người xem nên trong vài trường hợp, nhà phát hành còn nhúng tay vào cả việc chọn DV. Trong giới làm phim vẫn còn lan truyền câu chuyện một đại diện phía phát hành nhất quyết yêu cầu nhà sản xuất phải mời danh hài vào vai chính trong dự án phim kinh dị mới của hãng. Ngày ba bên sản xuất-phát hành-DV gặp nhau để thương lượng cũng là ngày vị đại diện phát hành đi hỏi vợ nhưng vị này vẫn nán lại Sài Gòn vào giờ chót gặp danh hài kia để cùng nhà sản xuất thuyết phục anh ta nhận lời.

Ngoài vai trò tư vấn, “quyền lực” của phát hành đối với thành-bại của một phim còn thể hiện ở chỗ sắp xếp giờ chiếu. Ở các nước, bộ ba sản xuất, phát hành, rạ p chiếu luôn độc lập với nhau và các hãng phim lớn đều có nhà phát hành riêng thì ở VN hầu hết các đơn vị phát hành đều sở hữu cụm rạp, hãng sản xuất cũng không gắn suốt đời với đối tác phát hành nào. Vì vậy phim may mắn được nhà phát hành kiêm chiếu bóng đưa vào những khung giờ đẹp như từ 18g trở đi, chắc chắn sẽ có cơ hội bán vé cao hơn các phim chiếu vào giờ làm việc.

Doanh thu của phim thành ra không chỉ phụ thuộc vào chất lượng mà còn do lịch phát hành (bao gồm thời điểm ra rạp, số lượng rạp, giờ chiếu). Tỷ lệ ăn chia cũng cho thấy ưu thế của phát hành so với nhà sản xuất. Hiện nay, đơn vị chiếu bóng thường hưởng từ 45-55%, phát hành hưởng 5-7% doanh thu, là người trực tiếp làm ra phim nhưng nhà sản xuất lại hưởng phần trăm nhỏ hơn, chưa kể còn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trên tiền vé.

Dù chịu nhiều thiệt thòi khi đưa phim ra rạp nhưng thị trường làm phim vẫn thu hút sự tham gia của ngày càng nhiều nhà sản xuất, bởi rạp chiếu mọc lên ngày càng nhiều, mở ra cơ hội thu hồi vốn cao hơn. Gần đây làng phim xuất hiện thêm nhiều nhà sản xuất mới như công ty Green map (phim Thần tiên cũng nổi điên), Sifilm (phim Tiền kiếp trở lại), Ngộ Entertainment (phim Hùng Ali và sáu lóc cóc: 4 năm, 2 chàng 1 tình yêu)…

Năm 2016 đánh dấu sự bùng nổ vượt bậc của phim Việt, đẩy cuộc chiến cạnh tranh giữa các nhà làm phim thêm phần căng thẳng. Có người thắng, kẻ thua trên sân chơi này nhưng chỉ có các đơn vị sản xuất lo lắng, còn các nhà phát hành kiêm chủ rạp xem ra còn điềm nhiên dài dài.

Bà Tường Thị Thu Tâm: Luôn giữ chất của đạo diễn

Lẽ ra với vai trò phát hành, chúng tôi chỉ phụ trách chuyện phát hành, nhưng với tinh thần mong muốn cho bộ phim tốt hơn, chúng tôi không ngại tốn thời gian đọc hết kịch bản, ghi ra từng chi tiết cần góp ý. Dù là góp ý khi còn trên kịch bản hay sau khi dựng xong, chúng tôi cũng không bao giờ đặt cái tôi của mình vào phim mà cố gắng nhìn vào cái tôi của đạo diễn và giữ chất của đạo diễn. Điều quan trọng là hai bên phải biết lắng nghe nhau. Các phim Việt mà CJ CGV phát hành, chúng tôi đều đóng góp ý kiến. Như phim Taxi em tên gì cần nhấn vào phần nhạc, stylist chỉn chu, hài hước cần tiết chế để không nhảm quá mà chỉ ở mức dễ thương. Phim Bao giờ có yêu nhau hơi buồn, cần phải vui hơn và kết thúc không bi thảm mà nhẹ nhàng hơn.

Ông Nguyễn Sơn, giám đốc SIFILM

Làm phim như chơi xổ số Quan sát nhiều phim Việt ra rạp có thể thấy 40% thành công của một bộ phim phụ thuộc vào khâu PR, 30% nhờ vào kịch bản và 30% còn lại tùy vào tay nghề đạo diễn, trình độ diễn viên và các yếu tố khác như cảnh đẹp, nhạc hay. Làm phim giống như mua vé số, nhà sản xuất không có số liệu nào để nghiên cứu thị trường, nếu phải bỏ tiền ra mua số liệu rồi tiến hành nghiên cứu tiền khả thi thì rất mất thời gian. Nhà phát hành nắm được thị trường phim ảnh và có nhiều kinh nghiệm về thị hiếu người xem nên nhà sản xuất phải dựa vào họ. Mâu thuẫn giữa phát hành và sản xuất bắt nguồn từ mâu thuẫn làm phim hay chưa chắc ra rạp khán giả đã chấp nhận.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI