Vừa lấy chồng đã... mãn kinh

19/05/2017 - 22:30

PNO - Mãn kinh sớm là một trong những nguyên nhân phổ biến gây hiếm muộn.

Nhiều phụ nữ sau khi kết hôn đã chủ động tránh thai để chờ ổn định kinh tế, đến lúc “thả ra” thì lại không thể mang thai. Cũng có chị em còn rất trẻ, vừa lấy chồng đã… mãn.

Mãn kinh năm… 20 tuổi

Mãn kinh sớm là trường hợp mãn kinh trước độ tuổi mãn kinh thông thường khoảng 10-15 năm. Tuy nhiên, tại khoa Hiếm muộn, bệnh viện Hùng Vương còn ghi nhận nhiều trường hợp mãn kinh sớm ở độ tuổi sinh sản, thậm chí vừa lấy chồng đã… mãn kinh.

Chị N.T.D. (SN 1988, ngụ Q.8, TP.HCM) lập gia đình năm 18 tuổi, vợ chồng chị quyết định “kế hoạch” vài năm để ổn định kinh tế mới sinh con. Một năm sau, chu kỳ kinh nguyệt của chị bỗng dưng thưa dần, ba năm sau thì mất kinh hẳn.

Năm 2016, vì mãi không thể mang thai, chị đến BV Hùng Vương TP.HCM kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy buồng trứng của chị đã không còn hoạt động. Trường hợp của chị D. là không thể can thiệp, chỉ còn cách đi xin trứng và áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN) để có con. Sau một thời gian điều trị, hiện nay chị đã mang thai 12 tuần. 

“Ngoài 30 tuổi bệnh nhân N. mới lập gia đình, kiểm tra thì buồng trứng đã suy hẳn. Chúng tôi đành tư vấn BN xin trứng rồi làm TTTÔN”, BS Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn, chia sẻ. 

Chị T.T.N. (37 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) cũng đang điều trị hiếm muộn tại bệnh viện Hùng Vương vì đã mất kinh hơn một năm, xuất hiện triệu chứng tiền mãn kinh khi chỉ mới 32 tuổi.  

Tại khoa Hiếm muộn, tỷ lệ bệnh nhân dưới 40 tuổi mãn kinh sớm chiếm khoảng 25%, tỷ lệ dưới 30 tuổi mãn kinh sớm chiếm khoảng 5% trên tổng số bệnh nhân đến khám.

BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM cho biết, trường hợp mãn kinh sớm nhất ông từng điều trị chỉ mới… 20 tuổi.

Vua lay chong da... man kinh
Bác sĩ đang tư vấn cho một bệnh nhân hiếm muộn vì mãn kinh sớm

Chưa rõ nguyên nhân

BS Lý Thái Lộc chia sẻ: “Độ tuổi mãn kinh là khoảng 45-50. Trước khi mãn kinh hai-ba năm, phụ nữ sẽ xuất hiện các dấu hiệu tiền mãn kinh như rối loạn kinh nguyệt, triệu chứng giảm estrogen (các cơn bốc hỏa nóng từ ngực lên mặt, nóng tính, dễ gây gổ, âm đạo khô, khó khăn khi quan hệ).

Chu kỳ kinh nguyệt sẽ cách xa dần, đến ba tháng, thậm chí sáu tháng mới xuất hiện, rồi dần hết hẳn. Phụ nữ sau khi lập gia đình, nếu thấy chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, vòng kinh thưa thì nên tranh thủ có thai, đừng trì hoãn”.

Theo BS Hồ Mạnh Tường, tỷ lệ mãn kinh sớm chỉ chiếm khoảng 1% nhưng lại dẫn tới nhiều hệ lụy. Bên cạnh tình trạng không thể mang thai, mãn kinh quá sớm còn gây ra nhiều rối loạn về nội tiết, kéo theo nguy cơ mắc phải các bệnh về tim mạch, loãng xương.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân mãn kinh sớm, nhưng một số trường hợp có liên quan tới đến bệnh lý về nhiễm trùng, miễn dịch khiến buồng trứng bị suy yếu. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bệnh nhân bổ sung nội tiết tố phù hợp, giảm thiểu những ảnh hưởng về sức khỏe, chất lượng sống do mãn kinh sớm gây ra. 

BS Lý Thái Lộc (Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM): “Với các trường hợp có dấu hiệu tiền mãn kinh sớm, bác sĩ sẽ có hai hướng điều trị. Nếu bệnh nhân đã có con, không có nhu cầu có thêm con, chỉ cần bổ sung hormone sinh dục (estrogen) và tầm soát các bệnh ung thư cổ tử cung, vú, nội mạc tử cung.

Riêng với những bệnh nhân hiếm muộn mà nguyên nhân do giảm dự trữ buồng trứng sẽ có phác đồ TTTÔN đặc biệt. Giai đoạn đầu, bệnh nhân được cho bổ sung nội tiết sinh dục nam liều thấp trong thời gian ngắn (giúp chức năng của buồng trứng “bốc” hơn); sau đó là giai đoạn kích trứng rồi mới TTTÔN”.

Thanh Huyền

Vì sao kinh nguyệt thay đổi bất thường sau hôn nhân?

Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt chỉ gián đoạn khi người phụ nữ sắp có con hoặc vào thời kỳ tiền mãn kinh. Tuy nhiên, vẫn có những lý do khác khiến kinh nguyệt ngắt quãng hoặc tạm ngừng, từ đó gây khó thụ thai. Khi sử dụng các biện pháp tránh thai như thuốc viên, vốn làm thay đổi mức estrogen tự nhiên, cơ thể cần có thời gian để điều chỉnh sau khi ngưng thuốc.

Mặt khác, sự lo lắng quá mức về cuộc sống, áp lực sinh con hoặc áp lực từ công việc cũng có thể khiến kinh nguyệt không đều. Nhiều phụ nữ lại khó thích nghi với chế độ dinh dưỡng, phát sinh các rối loạn ăn uống như biếng ăn hoặc ăn theo cảm xúc, từ đó gây tăng giảm cân bất thường, mất cân bằng hormone trong cơ thể. 

Ngọc Hạ (Theo NHS, Only My Health, bystle.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI