Vừa làm mẹ vừa làm cô giáo

19/11/2021 - 15:37

PNO - Người thầy nếu muốn cầm tay, mở ra trí óc, thì trước hết phải hành động bằng cả trái tim mình.

Buổi tối, Thảo gọi điện kể cho tôi về những chuyện vui buồn quanh nghề của bạn. Tôi đùa: “Giờ này mà còn ngồi than à, mình tưởng bạn sắp viết đơn xin nghỉ. Mình biết có mấy người không chịu nổi áp lực đã nghỉ việc rồi đấy”.

Thảo là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường THCS thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Mấy tháng rồi, bạn cùng đồng nghiệp ở tổ bộ môn cặm cụi vừa cập nhật chương trình, vừa học hỏi, tập tành những kỹ thuật xây dựng video, bộ đề cương, giáo án điện tử dạy online. Không có ngày nào bạn được nghỉ ngơi, thư giãn vì khối lượng công việc đồ sộ luôn chờ được xử lý.

Những ngày tháng đến trường đầy thân thương
Những ngày tháng đến trường đầy thân thương

Tất cả những cảm giác nhớ lớp, nhớ trường, vấn vương mùi bảng đen phấn trắng bây giờ đã được gác lại. Thay vào đó, bạn đầu tư mọi tâm sức và thời gian để có thể đồng hành tốt nhất cùng học sinh, mang đến cho các em những buổi học online đạt hiệu quả nhất.

“Bận như thế, rồi việc chợ búa, cơm nước, con cái trong gia đình phải làm sao?”, tôi ướm hỏi. Bạn đáp lời: “Anh Khánh lo hết. Sau giờ làm, anh ấy quay tròn như cái vụ. Ngày thì đi chợ mua đồ tươi, đợt thì mua một đống rau củ, thịt cá, về sơ chế rồi cấp đông ăn dần”.

Nghe bạn kể, tôi có chút xao lòng, nhưng cũng tạm yên tâm vì Khánh là con nông dân, lớn lên từ ruộng vườn nên từ việc lớn đến việc bé, cậu ấy đều giúp vợ sắp xếp được.

Tôi động viên bạn nên dùng thêm vitamin, thuốc bổ cho có sức, “cuộc chiến” online ấy có lẽ còn kéo dài.

Ai cũng biết dạy học là nghề tạo ra tất cả các nghề khác, những người thầy tốt là những anh hùng vô danh. Thế nhưng trong những năm qua, đâu đó vẫn có những thông tin lên án, chê trách ngành giáo dục nước nhà còn nhiều thiếu sót, giáo viên là những người chậm đổi mới nhất, chỉ là những “cỗ máy” mải mê với việc đọc - chép. Thực tế đã chứng minh cách nghĩ trên không hoàn toàn là việc quy chụp, ít nhiều có cơ sở.

Tuy nhiên, trong tình hình dạy và học hiện tại, công chúng cũng cần công bằng để nhìn nhận: Giáo viên mùa dịch không chỉ là những “kỹ sư” tâm hồn, mà còn là những chuyên viên IT có tinh thần chịu khó, nhẫn nại để tiếp nhận cái mới rất tận lực.

Lớp học Tiếng Anh online của bạn
Lớp học tiếng Anh online của Thảo

Khá am hiểu công nghệ, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác ngạc nhiên, "mắt chữ A mồm chữ O” khi nghe bạn liệt kê hàng loạt ứng dụng mà bạn phải sử dụng để xây dựng một buổi học online: Phần mềm Microsoft teams, Zoom, ứng dụng Padlet, Azota…

Cũng có những tình huống người nghe thì cười ra nước mắt, nhưng người kể thì không thể nào cười nổi.

Bạn kể: “Ban đêm nhẫn nại tập tành, ngày ra lại tất tả trang điểm, chuẩn bị “hiện trường” để ghi hình cho giờ lên lớp. Mà chỉ có đủ thời gian trang điểm bán thân thôi nhé, nửa trên áo váy gọn gàng, còn nửa dưới không lọt hình thì… quần lụa.

Vật lộn mấy tiếng đồng hồ, gần quay xong thì ông chồng đi đâu về, không biết nên chình ình đứng ngay cửa, chiếm gần trọn shot hình. Lại phải "quay xe" làm lại từ đầu. Mình thiếu nước... lên tăng xông”.

Người chị họ bên chồng của tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Thảo. Hôm đó là ngày nghỉ, nhưng cả tiếng đồng hồ ngồi với tôi mà chị không thể rời mắt rời tay khỏi chiếc điện thoại. Chị áy náy giải thích, phụ huynh đang nhờ tư vấn, hỏi bài.

Theo chia sẻ của chị, nếu dạy học trực tiếp cực một, thì dạy online cực mười. Ngoài việc truyền tải kiến thức, các cô phải giải quyết, xử lý hàng trăm việc không tên không như: “Cô ơi, sao máy con tôi không kết nối mạng được”, “Cô ơi, bộ đề tôi tải về rồi nhưng không biết nó lưu ở đâu”, “Cô ơi, lần sau cô nhớ gọi cái Tiến nhà tôi lên trả lời nhé, học online nên cháu rụt rè quá”…

Chị bảo cực, nhưng không thể bỏ cuộc: "Nhiều phụ huynh vất vả mưu sinh cả ngày, đêm đến còn kèm cặp, động viên con cái. Mình không là người mẹ thứ nhất, thì cũng là người mẹ thứ hai. Nếu mình không lan tỏa được tinh thần ham học thì làm sao học trò có thể vượt qua cảm giác bức bí, lạ lẫm của những lần đầu. Các em cũng rất nhớ trường, nhớ cô, nhớ bạn".

Cũng có con gái đang theo học lớp Một, chồng tôi lại rành công nghệ nên tôi từng xem những buổi học online của cháu rất đỗi bình thường. Cứ đến giờ là đỏ điện, bật máy, ngồi ngay ngắn, vặn to volume. Thế nhưng sau khi nghe Thảo và chị họ chia sẻ, tôi mới thấm thía, không có hành trình mới mẻ nào thực sự dễ dàng.

Làm cô cũng như làm mẹ, điều gì càng khó khăn, càng lạ lẫm, càng phải nhẫn nại, cầu tiến để đồng hành, dìu dắt các em thơ. Người thầy nếu muốn cầm tay, mở ra trí óc, thì trước hết phải hành động bằng cả trái tim mình.

“Thông là người mà Thảo tin tưởng nhất nên mới gọi để tâm sự một đôi câu cho đỡ mệt. Ngày mai, mình lại tiếp tục "cày cuốc" những công việc thường nhật, tất cả đều vì học trò”, bạn nói rồi cúp máy.

Tôi thương bạn, tin bạn, tự hào về bạn. Người phụ nữ nhỏ bé vừa làm mẹ vừa làm cô, mảnh ruộng gai góc nào dưới đôi tay ân cần và chăm chỉ ấy, rồi cũng sẽ cho quả ngọt mà thôi.

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI