“Vua gà” nói chuyện dị kê

28/01/2017 - 05:00

PNO - Sở hữu những giống gà có lông đuôi dài nhất, gà có lông thỏ, gà to nhất hay gà đắt nhất trong giới chơi gà kiểng, chủ trại gà này được ví như… “vua gà”.

Bộ sưu tập gà “độc, lạ”

Vừa bước qua cổng của khu trại nằm trên khuôn viên một ngôi nhà vườn độc đáo thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi những chú gà trống với bộ lông sặc sỡ đầy kiêu hãnh,  bề ngoài của chúng chẳng khác với những gà trống hoa, có điều những chú gà này đang đậu ở độ cao quá đầu người nhưng lông đuôi của chúng dài tới sát mặt đất.

Đấy chính là giống gà Onagadori có nguồn gốc từ Nhật Bản, vốn nổi tiếng vì có phần lông đuôi dài nhất thế giới, đuôi của chúng có thể dài tới 11m. Đậu thành hàng trên nhánh cây cao quá đầu người hệt như những chú vẹt kiểng khổng lồ, bầy gà dạn dĩ khi thoải mái cho những vị khách lạ ve vuốt. Không hổ danh là giống gà “quý tộc” trong thú chơi từ bao đời của người Nhật.

“Vua ga” noi chuyen di ke
"Vua gà" và giống gà Onagadori có lông đuôi dài nhất thế giới.

Onagadori chỉ là một trong số hàng chục loại gà “siêu dị” của chủ trại Phan Minh Hồng. Dẫn chúng tôi đi khắp các ô chuồng, anh Hồng kể vanh vách về từng giống gà, nguồn gốc, đặc tính…  như một bộ sưu tập đầy công phu. Có những con gà  khoác trên mình bộ lông xù, toàn bộ là lông tơ như thỏ chứ không phải lông vũ vốn có của loài gà.

Lớp lông bao phủ từ đầu đến tận bàn chân nên nhìn chúng chẳng khác gì một con thú nhồi bông. Nhiều con lớp lông phủ kín mắt, nhìn vào chỉ nhận ra chúng là gà nhờ cặp mỏ. Nhờ sở hữu đặc điểm như một loài thú cưng nên loại gà này có thể nuôi như chó, mèo trong nhà. Được biết, đây là giống gà silkie, nguồn gốc từ Trung Quốc được đưa đến châu Âu cách đây hơn 200 năm. Có giả thiết cho rằng, đó là kết quả của sự lai tạo giữa gà và thỏ.

Một loại gà khác được gọi với cái tên gà sư tử, hay gà vảy cá sư tử vì bộ lông trên người những con gà này được xếp lớp đều như vảy của các loài cá, phần đầu của chúng có lớp lông mọc vượt ngược lên che khuất khuôn đầu tạo thành cái bờm đầy dũng mãnh… chẳng khác gì những chú sư tử. Dưới lớp lông đó còn có nguyên một cặp sừng chứ không phải mào như các giống gà khác.

Phan Minh Hồng cho biết, đây là giống gà cổ xưa nhất của người Ba Lan, và hình ảnh của chúng xuất hiện trong nhiều bức tranh cổ tại châu Âu từ thế kỷ XV. Trại gà này còn có loại gà lớn nhất thế giới – gà kỳ lân hay còn được gọi là gà khổng lồ với trọng lượng cơ thể trưởng thành lên đến 12-13kg.

Lớp lông của giống gà này phủ đến tận móng chân, cộng với thân hình đồ sộ nên nhìn tổng thể loại gà này khá giống với loài kỳ lân. Gà đắt nhất thế giới với cái tên trái ngược với giá trị của nó - giống gà mặt quỷ Ayam Cemani của Indonesia, điểm đặc biệt của loài gà này là toàn thân của chúng từ da, lông, chân đến thịt, nội tạng, xương… đều một màu đen tuyền. Sở dĩ loại gà này được ví đắt nhất thế giới vì giá mỗi con gà mặt quỷ lên đến
2.500 USD/con…

Thú chơi lắm công phu

Nghe kể về hành trình tìm tòi, đưa các giống gà này về Việt Nam của Phan Minh Hồng mới thấy hết sự công phu cầu kỳ. Hồng kể, con gà đầu tiên anh đưa về chính là con gà mặt quỷ, xuất phát từ ý định nuôi gà độc lạ đến với anh cách đây bốn - 5 năm khi phong trào nuôi gà Đông Tảo nở rộ, giống gà chân bự một thời gian dài khuấy đảo thị trường nhưng sau đó dần trở nên bão hòa khi được nuôi phổ biến.

“Vua ga” noi chuyen di ke
Gà lông thỏ sở hữu bộ lông tơ y hết loài thỏ.

Phan Minh Hồng bay qua lại Indonesia nhiều lần, mỗi lần chỉ mang về được một vài chục trứng gà ấp cận ngày nở, nhiều lần Hồng nản đến mức muốn bỏ cuộc vì về đến Việt Nam số gà nở hạn chế vì trứng hư  hỏng trong quá trình vận chuyển, gà nở ra chết vì không hợp khí hậu, môi trường… phải đến lần thứ ba, Hồng mới có những con gà mặt quỷ thuần chủng đầu tiên.

Chi phí cho lần đưa giống gà này về tiêu tốn của Hồng hơn 600 triệu đồng. Giờ thì số gà mặt quỷ bố mẹ đã lên đến 50 con cùng hơn 200 con trưởng thành.

Tuy nhiên, khó khăn về khoảng cách địa lý, thủ tục kiểm dịch thú y, hải quan… không phải là tất cả thách thức với thú chơi này, vì hầu hết đây là những giống gà quý hiếm ở nhiều quốc gia nên nhiều giống gà được các nước giữ như một tài sản quý báu.

Trong đó kỳ công nhất là việc đưa giống gà Onagadori của Nhật về Việt Nam. Gà Onagadori được xem là “quốc sản” của người Nhật, họ giữ loại gà này rất kỹ và không muốn bất cứ con gà giống nào “thất thoát” ra ngoài, ngay cả những hình ảnh của giống gà độc đáo này cũng rất ít được người Nhật phổ biến trên các kênh truyền thông.

Hồng phải nhờ người quen về tận vùng quê của Nhật, tìm mua trứng gà Onagadori  và ấp trứng tới gần ngày nở mới đưa về Việt Nam theo hình thức quà tặng. Vậy nhưng, 50 quả trứng vượt 6-7 tiếng bằng máy bay khi về cũng chỉ nở thành công được 12 con, 10 trong số đó được nuôi thành công. Dần dà, anh cũng có được hơn 20 con gà Onagadori để phát triển đàn.

Đưa được các giống gà về đã khó, giữ cho chúng sống và có thể sinh sôi nảy nở còn khó hơn vì khác biệt về môi trường sống, nhiều giống gà khi đưa về đối diện với dịch bệnh từ các giống gà trong nước. Phan Minh Hồng cho biết, không cách nào khác phải hiểu được thói quen, tập quán của những chú gà ngoại lai này.

Chẳng hạn, với con gà mặt quỷ chúng rất thích bới cát nên trong chuồng của chúng phải luôn trải một lớp cát, còn với con gà Onagadori, dường như “chất quý tộc” đã ngấm vào máu, chúng không ăn quá nhiều nhưng đòi ăn ngon (ngô, đậu, lúa, thức ăn bổ sung thêm đạm), ăn xong đậu yên trên cành cao, có bắt chúng xuống đất ngay lập tức chúng cũng tìm cách lên lại và đứng thả dáng thâu đêm suốt sáng để giữ cho bộ lông đuôi của mình vốn không ngừng dài ra có thể suôn, mượt đổ dài từ trên cao xuống không bị gãy gập hay nhiễm bẩn.

Người chơi giống gà này ở Nhật Bản còn cưng chiều chúng đến mức, ban ngày cho chúng đậu trên cành cao, ở vị trí đẹp nhất trước sân nhà, buổi tối đưa chúng vào ngủ trong một chiếc tủ gỗ chuyên dụng, cao như loại tủ quần áo, có chỗ đậu yên ấm, có riêng những ngăn hộc để bảo quản bộ lông của chúng. Điều này giải thích vì sao chỉ có người Nhật mới nuôi được những con gà có lông đuôi dài tới 11-12m.

Ngoài ra, những khác biệt về môi trường sống, khí hậu, điều kiện chăm sóc… những giống gà này khi về Việt Nam nuôi không thể đạt đến “cảnh giới” cao nhất về độ độc, lạ nguyên thủy của chúng. Chẳng hạn, con gà kỳ lân tối đa cũng chỉ được hơn 9kg, lông đuôi gà Onagadori dài nhất cũng chỉ đạt
chừng 9m…

Vừa chơi vừa kiếm bạc tỷ

Một con gà giống về làm kiểng rẻ cũng từ 1-1,5 triệu đồng/con, đắt có thể lên đến 65 triệu đồng/cặp đối với gà Onagadori, anh Hồng cho biết mức giá này mới chỉ bẳng một nửa so với giá bán tại nhiều nước. Còn con gà mặt quỷ, giá trung bình 2 triệu đồng/kg, sở dĩ loại gà này được xem là đắt nhất thế giới vì trong số các giống gà nuôi để lấy thịt, không có bất cứ loại gà nào có giá trị cao hơn gà mặt quỷ.

Năm con gà (Đinh Dậu) nên trại gà của Phan Minh Hồng lại tấp nập hơn. Anh kể, dịp này “sốt” nhất là gà mặt quỷ, dù tên gọi hay hình dạng của chúng không mấy thiện cảm nhưng với loại gà này nhiều người tin rằng, làm thịt chúng cúng trong những dịp lễ tết có thể giải hạn, cầu may.

Còn với những người không sùng tín cũng muốn thưởng thức vì thịt gà mặt quỷ đã được khoa học chứng minh có giá trị dinh dưỡng cao hơn hẳn các giống gà khác, ngay cả khi so với gà ác. Những lý do này giải thích vì sao, hơn 200 con gà mặt quỷ tại trại của anh Hồng đã được khách đặt hàng gần hết từ 2 tháng trước tết, với mức giá trung bình 4-5 triệu đồng/con.

Không giấu giếm, chủ trại này cho biết, trung bình mỗi tháng, những giống gà độc lạ đem về cho anh nguồn thu ổn định trên 200 triệu đồng, trừ chi phí tiền lãi cũng quá nửa con số này. Anh Hồng nói rằng nước nào trên thế giới có giống gà lạ, quý hiếm anh cũng tìm cách đưa về Việt Nam để thuần dưỡng, và đến nay theo lời anh, đã  không còn mấy giống gà lạ mà anh chưa có.

Vì vậy, Hồng đang ấp ủ kế hoạch, lai tạo giữa những giống gà mình đang có để có thể tạo ra những giống gà độc đáo hơn, thỏa niềm đam mê của mình. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI