Trong những sự kiện tại Đại sứ quán Mỹ và chương trình giao lưu với phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Sơn La, chị đã chia sẻ về hành trình trở thành Vua đầu bếp Mỹ cũng như con đường khởi nghiệp của 1 phụ nữ thuộc cộng đồng thiểu số trên đất Mỹ. Xuyên suốt những câu chuyện là ký ức về món ăn Việt mà mẹ chị thường nấu lúc sinh thời, cũng như hương vị Việt trong hành trình truyền cảm hứng và đam mê của chị.
Bảo tồn ký ức về mẹ, bà và tổ tiên
Phóng viên: Từ khi trở thành Vua đầu bếp, cánh cửa của thế giới ẩm thực đã mở ra với chị thế nào?
Christine Hà: Năm 20 tuổi, tôi mất dần thị lực do căn bệnh liên quan đến thần kinh. Từ những ngày ấy, tôi nhớ nhiều hơn về những món ăn mẹ tôi từng nấu. Mẹ tôi mất năm tôi 14 tuổi. Trước đó, tôi chưa đủ lớn để nhận thấy mình cần học nấu nướng nghiêm túc từ mẹ. Tuy nhiên, khi suy giảm thị lực, tôi dần nhận ra nếu mình không nấu ăn thì sẽ không ai nấu cho mình. Tôi bắt đầu tập nấu ăn bằng cách tưởng tượng ra hương vị những món ăn ngày xưa của mẹ và bà. Ban đầu, tôi nấu cho bạn bè và được mọi người thích. Cứ thế, tôi nấu nướng và cảm nhận hương vị các món ăn.
Từ nhỏ, tôi đã được cha mẹ rèn làm việc gì phải đến nơi đến chốn. Tôi cũng học được ý chí và sự độc lập của cha mẹ nên khi mất thị lực, tôi vẫn quyết tâm tự học để theo đuổi đam mê. Thị lực suy giảm thì tôi sờ xem món ăn mềm, ẩm ra sao; ngửi xem mùi vị thơm ngon thế nào. Tôi nghĩ nấu ăn không chỉ dựa vào việc nhìn thấy mà còn cần nhiều giác quan như ngửi, sờ, nếm… Khi tôi mất thị giác, các giác quan hài hòa với nhau hơn. Tôi luôn lắng nghe những điều xảy ra xung quanh và cố gắng dùng khứu giác để nhận biết môi trường quanh mình.
Sau khi học được cách nấu cơ bản, tôi cảm thấy thích chia sẻ việc nấu nướng cũng như văn hóa ẩm thực Việt Nam. Chính John - chồng tôi - đã khuyến khích tôi tham gia cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ (MasterChef US). Tôi học thạc sĩ về viết lách trước khi tham gia cuộc thi Vua đầu bếp. Vì thế, tôi đến chương trình đó với suy nghĩ sẽ có nhiều chất liệu để viết, chứ không hề nghĩ rằng mình sẽ thắng. Chiến thắng trong cuộc thi đó đã mở ra cho tôi nhiều cánh cửa như viết sách, mở nhà hàng... Thật may mắn thay khi câu chuyện của tôi đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng sống cũng như tình yêu nấu nướng cho nhiều người.
Với tôi, thành công lớn nhất là sau cuộc thi, tôi được đi nhiều nơi, thử những món ăn lạ, học hỏi nhiều về ẩm thực và văn hóa từ những người bản xứ. Tôi phát triển nhà hàng của mình dựa trên những trải nghiệm thú vị đó.
|
Phụ nữ Dao, Mường mục sở thị Vua đầu bếp nấu ăn |
* Vì sao chị chọn thể hiện các món ăn Việt tại cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ mùa 3, cũng như chọn các món ăn Việt để đưa vào 2 trong 3 nhà hàng của chị hiện nay?
- Món ăn Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi. Nấu các món ăn Việt là tôi đang bảo tồn những ký ức về mẹ, về bà, về tổ tiên. Bên cạnh đó, chọn món ăn Việt Nam khi tham dự cuộc thi cũng là 1 chiến lược của tôi. Cuộc thi ấy có rất nhiều người tranh tài với nhiều món ăn. Họ mang đến những món ngon nhất thế giới. Còn tôi muốn từ món ăn có thể kể câu chuyện của mình, là mình và những yếu tố văn hóa trong đó.
Christine Hà Huyền Trân sinh năm 1979 tại Los Angeles, California; sinh sống tại Houston, Texas. Chị tốt nghiệp ngành tài chính và quản lý hệ thống thông tin của Đại học Texas năm 2001 nhưng quãng thời thời gian đi làm đúng chuyên môn không dài vì thị lực bị suy giảm. Sau đó, chị theo học cao học tại Đại học Houston. Christine Hà được khán giả nhiều nơi trên thế giới biết đến khi tham gia cuộc thi truyền hình thực tế Vua đầu bếp Mỹ mùa 3 (năm 2012) bởi chị là người khiếm thị đầu tiên tranh tài trong cuộc thi này. Dù khiếm thị, chị đã vượt qua hơn 30.000 thí sinh khác để giành chiến thắng. Tại cuộc thi, chị luôn tìm cách đưa hương vị ẩm thực Việt vào các món ăn. Khi đó, giám khảo của cuộc thi - đầu bếp Gordon Ramsay - nhận xét Christine đã biết tận dụng thế mạnh nguồn gốc Việt Nam của mình. |
Những giám khảo như đầu bếp Gordon Ramsay thưởng thức cao lương mỹ vị đã nhiều, nên tôi muốn tạo sự khác biệt. Tôi muốn thể hiện những món ăn không phổ biến, không quen thuộc với phần lớn người Mỹ. Việc chọn nấu các món ăn Việt còn là cách để tôi tri ân, tưởng nhớ cha mẹ tôi - đặc biệt là mẹ - qua các món cá kho thịt, cá kho trứng mà mẹ đã dạy cho tôi.
Tôi mở nhà hàng với các món ăn Việt Nam vì tôi yêu món ăn Việt. Tôi muốn cho mọi người thử, muốn chia sẻ món ăn Việt với mọi người. Ở nhà hàng Xin Chào, đặc sản là các món ăn truyền thống của Việt Nam. Riêng với các món nướng thì tôi biến tấu một chút để gần với khẩu vị của người Mỹ hơn.
Trong khi đó, nhà hàng Blind Goat (Dê Mù, Christine Hà chọn cái tên này vì chị sinh năm 1979, tuổi dê gắn liền với các món ăn đường phố Việt Nam. Đó là những món ăn ít được biết đến ở Mỹ, với những nguyên liệu Việt Nam mà tôi có thể mua ở Texas và chế biến chúng theo nhiều cách khác nhau để những người chưa từng đến Việt Nam cũng có thể thưởng thức hoặc những người từng thưởng thức những món ăn đường phố ở Việt Nam có thể gặp lại chúng trong hình dáng khác hoặc kiểu trình bày khác, chẳng hạn kết hợp chúng với 1 ly cocktail ngon.
Với tôi, ẩm thực đường phố không có giới hạn. Ẩm thực đường phố luôn lôi cuốn tôi trở về Việt Nam để thử những món ăn mà mọi người giới thiệu. Có những món người ta nói rằng cha mẹ tôi không biết đâu, vì họ rời Việt Nam lâu rồi. Đó là những món ăn của các thế hệ sau này. Thật thú vị khi được học hỏi và nếm thử những món ăn mới cũng như thấy ẩm thực đã phát triển như thế nào. Khi về Mỹ, tôi cố gắng áp dụng và truyền đạt những điều đã học được cho nhân viên nhà bếp của tôi.
|
Khi Vua đầu bếp nấu ăn ở không gian lạ, anh John - chồng chị (bìa trái) - luôn hỗ trợ vợ |
Luôn biết ơn từng khoảnh khắc trong cuộc sống
* Chị đang có 3 nhà hàng, 2 trong số đó được mở trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Vì sao chị lại quyết định mở nhà hàng vào thời điểm khó khăn ấy?
- (Cười) Thực ra vì hợp đồng đã ký từ trước, tiền thuê địa điểm lại không hề nhỏ nên tôi buộc phải làm. Điều đó đồng nghĩa với việc phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Tôi nhận ra rằng cuộc sống của mình chưa bao giờ dễ dàng: mẹ mất sớm, thị lực cũng mất. Cuộc sống không bao giờ diễn ra theo cách mình chờ đợi. Cuộc sống cũng không phải là phần thưởng, không phải là những ngọt ngào. Thế nhưng, tôi luôn sẵn sàng đón chờ những thách thức vì điều đó giúp tôi trưởng thành, giúp tôi thấy được những khó khăn của mọi người và đồng cảm với họ hơn.
Cũng có nhiều người hỏi tôi làm cách nào vượt qua thách thức để có thể tiếp tục lạc quan. Trong cuộc sống, có thể bạn sẽ gặp những vấn đề nghiêm trọng, có lúc bạn phải đối mặt với rất nhiều thử thách nhưng không nên vì thế mà quá căng thẳng bởi chúng ta không thể kiểm soát được hết mọi thứ. Khi gặp khó khăn, tôi thường nghĩ đến những điều bé nhỏ, đơn giản. Tôi đi dạo quanh nhà cùng chồng mỗi ngày. Tôi luôn biết ơn từng khoảnh khắc trong cuộc sống. Khi tìm được niềm vui từ những điều nhỏ bé, dần dần ta sẽ có động lực để vượt qua khó khăn và mọi thứ sẽ ổn.
|
Vợ chồng Vua đầu bếp Chiristine Hà giới thiệu cuốn sách Nấu ăn bằng cả trái tim của chị - Ảnh do nhân vật cung cấp |
* Lần trở về này của chị có gì đặc biệt so với những lần trước?
- Tôi đã về Việt Nam 10 lần. Mỗi lần trở về, tôi đều thấy có nhiều sự thay đổi. Tôi cũng thử ăn những món mới, gặp gỡ những người mới. Vì vậy, mỗi lần trở về của tôi luôn là 1 trải nghiệm thú vị.
Lần trở về này của tôi kéo dài 12 ngày, trong khuôn khổ chương trình Sứ giả nghệ thuật do Đại sứ quán Mỹ tổ chức. Với tôi, nó giống như 1 chuyến du lịch ngoại giao ẩm thực. Tôi được đi khắp Việt Nam tìm hiểu về nhiều món ăn cũng như các nền văn hóa đồng thời chia sẻ với chị em phụ nữ dân tộc Thái, Mường, Dao về tinh thần kinh doanh, điều hành doanh nghiệp; chia sẻ, truyền cảm hứng đến những người khuyết tật.
Lần đầu tiên tôi về Việt Nam mà ngay khi rời sân bay là tôi đến thẳng một nơi vô cùng gần gũi với thiên nhiên - huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đến Sơn La là đến với một luồng không khí trong lành theo đúng nghĩa đen. Tôi cảm nhận được thiên nhiên, ngửi thấy mùi của tự nhiên...
Tôi và những chị em dân tộc thiểu số ở đây sinh ra ở những nơi khác nhau, đến từ những hoàn cảnh gia đình khác nhau, có những khó khăn khác nhau. Nhưng, chúng tôi đều là phụ nữ, chúng tôi đều có quyết tâm, mong muốn làm những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Đó là điều gắn kết chúng tôi. Vậy nên tôi hy vọng câu chuyện về cuộc đời tôi sẽ truyền được cảm hứng, chạm đến trái tim chị em. Họ đến từ các dân tộc thiểu số đang làm du lịch cộng đồng nên chúng tôi còn “gặp nhau” ở câu chuyện ẩm thực. Tôi nói với họ rằng chúng ta không thể ngồi chờ phép màu mà phải luôn chủ động, đặt câu hỏi mình cần gì. Ở đó, tôi cũng được học về cách sống của họ, tìm hiểu về thực phẩm họ tiêu thụ và cách họ nấu ăn. Tôi nhận thấy họ có thể sống độc lập và sống cuộc sống của chính họ.
Những nguyên liệu khiêm tốn kết thành món ăn ngon
* Với những phụ nữ đang đưa ẩm thực thành một phần không thể thiếu của du lịch cộng đồng, chị muốn chia sẻ điều gì?
- Tôi muốn nói với những người xác định đi theo con đường ẩm thực rằng các bạn hãy đi và nếm thử mọi món ăn. Các bạn cần phải xây dựng nền tảng vững chắc về các loại thực phẩm. Các bạn không cần phải thích mọi thứ nhưng phải am hiểu về nhiều hương vị. Thực ra đó cũng là điều tôi nói với bản thân.
Phong cách nấu ăn của tôi đã thay đổi nhờ xây dựng nền tảng đó. Ban đầu, tôi học những nguyên tắc cơ bản về cách nấu ăn của người Việt cũng như cách thưởng thức các món ăn truyền thống. Sau đó, khi đã nấu chắc một món theo cách truyền thống, ta hoàn toàn có thể tạo ra niềm vui từ chính món đó. Phong cách nấu ăn của tôi thay đổi, phát triển theo hướng sáng tạo trên nền món ăn truyền thống. Việc sáng tạo này cũng là cách để món ăn truyền thống Việt Nam đến được với nhiều thực khách, đáp ứng được khẩu vị của nhiều người hơn.
Nhiều người nói rằng thật tuyệt khi tôi trở thành Vua đầu bếp trong hoàn cảnh như vậy. Thực ra tôi nghĩ đơn giản đó chỉ là tôi nấu ăn. Để làm được những gì cần làm, tôi phải tìm ra cách. Có thể gọi đó là thử thách nhưng mọi người đều có những thử thách riêng. Tôi cho rằng trở ngại và thách thức của tôi hay của mọi người đều có giá trị như nhau. Tôi hy vọng mọi người thấy tôi cũng chỉ là một người bình thường chứ không phải siêu nhân. Nhiều người có thể làm được những điều tuyệt vời khác, chỉ cần họ có cơ hội và quyết tâm, ý chí. Song, tôi cũng rất vui khi trở thành nguồn cảm hứng cho mọi người, nhất là khi điều đó giúp họ cải thiện cuộc sống.
|
Một số món ăn Việt trong nhà hàng của Christine Hà |
* Chị đã nấu ăn từ các loại thực phẩm được sản xuất ngay tại địa phương, điều này gửi thông điệp gì đến những phụ nữ đang làm du lịch cộng đồng nơi đây?
- Tôi muốn mọi người thấy rằng từ những nguyên liệu thuần Việt, chúng ta hoàn toàn có thể chế biến thành những món ăn khác - ngoài những món truyền thống Việt Nam. Để cho thấy sự gần gũi, tương đồng trong nền ẩm thực các nước châu Á, tôi chọn làm món thịt ba chỉ nướng than củi và nước xốt theo cách của Hàn Quốc. Món ba chỉ nướng vốn rất quen thuộc với mọi người nhưng hương vị khác sẽ khiến mọi người có được một món ăn vừa lạ vừa quen. Ngô bản địa khác với ngô tôi vẫn dùng ở Mỹ nên ban đầu tôi hơi lo lắng nhưng sau đó, tôi cảm thấy thú vị vì những gì mình học được từ sự khác biệt đó.
Tôi cũng làm món cơm từ gạo và ngô. Tôi muốn nói rằng các món ăn Việt Nam rất cân bằng, các loài thảo mộc tạo nên hương vị đầy sức sống mà không quá rườm rà. Chúng ta yêu nước mắm, yêu cơm; các món Việt sử dụng nhiều thực phẩm tươi… Tôi muốn mọi người hiểu rằng món ăn Việt Nam dù đến từ những nguyên liệu giản dị, quen thuộc nhưng vẫn có thể được biến tấu thành những bữa ăn tuyệt vời cho gia đình.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
* Món ăn Việt đầu tiên mà chị được ăn là gì? - Cháo gà. * Ai là người chị chịu ảnh hưởng nhiều nhất? - Mẹ tôi. Tôi học được nhiều điều từ bà. * Món ăn và gia vị Việt nào chị thường sử dụng ở nhà? - Bún đậu mắm tôm. Mắm tôm cũng là gia vị tôi thường sử dụng khi nấu bún riêu, chả cá… * Món ăn Việt nào chị thấy là đặc trưng nhất, khiến chị muốn ăn hằng ngày? - Có lẽ là phở gà. * Trở về Việt Nam lần này, có nguyên liệu hoặc món ăn nào mà chị muốn thử? - Đến Hà Nội, tôi muốn thử bún chả và bánh cuốn. Vì chồng tôi là người gốc Hàn, quen với món bánh cuốn nên chúng tôi muốn thử món này. * Khó khăn của chị khi nấu ăn ngoài không gian quen thuộc là gì? - Trong bếp nhà tôi, tôi có thể làm mọi thứ một mình nhưng ở không gian khác, tôi cần sự giúp đỡ. * Kế hoạch trong tương lai gần của chị? - 5 năm tới, tôi mong mình không phải làm việc quá nhiều nữa. |
Ngọc Minh Tâm (thực hiện)