'Vua chuối' Võ Quan Huy: Làm thực phẩm sạch là muốn thay đổi văn hóa tiêu dùng

07/02/2019 - 06:00

PNO - Điều lão nông Võ Quan Huy vẫn trăn trở đó là, đối với người nông dân, động lực để họ cố gắng chính là sự cảm thông, đồng lòng và chung tay của người tiêu dùng.

Được xem là người tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, ông Võ Quan Huy (SN 1955) - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, thường được nhắc đến với danh xưng “vua chuối” đang đặt nhiều tâm tư vào bò Nhật và bưởi da xanh, để cạnh tranh với sản phẩm ngoại và chinh phục thị trường xuất khẩu.

Giữa tháng 12 vừa qua, tại Hội quán Huy Long An tại khuôn viên Hồ Kỳ Hòa (Q.10), ông Huy đã ra mắt người tiêu dùng (NTD) thương hiệu thịt bò Wagyu Fohla được nuôi theo quy trình Nhật Bản. Kể về cơ duyên với bò Wagyu, lão nông chân tình kể, từ năm 2014 đã đầu tư nuôi bò Úc, đến năm 2016 nuôi bò Nhật nhưng vẫn theo kiểu Úc, tức là cho ăn càng nhiều càng tốt. Còn bây giờ thì ông thuê hẳn chuyên gia Nhật qua chuyển giao công nghệ, nuôi theo đúng quy trình Nhật.

“Nhân sự kiện giới thiệu bò Ohmi, chúng ta đã thấy được chất lượng khác biệt nhờ công nghệ nuôi bò Nhật là làm cho “vân mỡ luồn vào từng sớ thịt” nên màu sắc tươi ngon và bắt mắt. Vì vậy bán được giá rất cao. Đó là những lý do đưa tôi đến thuê chuyên gia Nhật hỗ trợ quy trình nuôi bò Wagu tại Farm Huy Long An mặc dù chi phí không hề rẻ” – ông Huy tâm sự. Ngoài chuối và bò, ông Huy còn trồng vườn bưởi với diện tích 90 ha và đang cho thu hoạch 13 ha.

'Vua chuoi' Vo Quan Huy: Lam thuc pham sach la muon thay doi van hoa tieu dung
Ông Võ Quan Huy (bìa phải), người nặng lòng với thực phẩm sạch.

Chia sẻ về thị trường nông sản tại Việt Nam, ông Huy cho rằng đang có tín hiệu vui là hàng trong nước đã có thêm rất nhiều kênh phân phối đi cùng sự phát triển của các cửa hàng tiện ích. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn sự thiếu minh bạch của sản phẩm hàng hóa, khiến cho tính cạnh tranh không lành mạnh. Để được ăn sạch, uống sạch, sống an toàn, thì văn hóa người tiêu dùng phải thay đổi, phải hiểu biết hơn về sản phẩm như thế nào là chất lượng và an toàn để lựa chọn.

Đối với nhà sản xuất, phải có quy trình, phải minh bạch và phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của người tiêu dùng. Hiện nay xu hướng ăn sạch đã có chuyển biến nhưng chưa rộng. Chủ yếu là thành phần có tri thức, có theo dõi truyền thông nhưng họ chưa an tâm khi lựa chọn sản phẩm.

Tự hào về sản phẩm bưởi da xanh thương hiệu Fohla, ông Huy cho hay đã bón 100% phân hữu cơ do chính mình sản xuất. Và trong lộ trình đến hết năm 2019, ông sẽ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng sinh học và thảo dược kết hợp. “Đó là lộ trình hướng đến bữa ăn “an toàn, an tâm” cho gia đình Việt. Một điều rất cần thiết là sự thay đổi văn hóa tiêu dùng của các bà nội trợ. Việc này cần có những nhà truyền thông minh bạch, có tâm và vì sức khỏe cộng đồng” – “vua chuối” trải lòng.

'Vua chuoi' Vo Quan Huy: Lam thuc pham sach la muon thay doi van hoa tieu dung
Lão nông Võ Quan Huy bên sản phẩm bưởi hữu cơ.

Chia sẻ về những khó khăn trong làm nông nghiệp, lão nông 63 tuổi bộc bạch, làm nông nghiệp phải chịu rủi ro cao về thiên tai, biến đổi khí hậu, thị trường trong khi đó hiệu quả lại thấp… Để nuôi khát vọng làm giàu, trong hơn 40 năm làm nông nghiệp, hơn 20 lần ông đã thay đổi cây con để khắc phục các yếu kém, khó khăn để vươn lên.

Theo ông Huy, để thành công khi chọn làm nông nghiệp sạch, chúng ta cần có những ước mơ lớn hơn hiện tại và phải dựa vào 3 trụ cột: tầm nhìn, trí tuệ ý chí và sự đam mê. Tầm nhìn là để chúng ta thấy được xu thế của người tiêu dùng, nhìn thấy được thị trường, đưa ta đến quyết định phải làm gì. Phải có trí tuệ để nghiên cứu thay đổi cách làm cho phù hợp với người nông dân, bản lĩnh để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường. Và cũng chính từ yếu tố khách quan bất ổn của sản xuất đòi hỏi người nông dân phải có bản lĩnh, có ý chí vượt qua khó khăn. Cuối cùng, sự đam mê sẽ đưa con người từ sáng tạo này đến sáng tạo khác, thay đổi công nghệ để thành công.

Dù bước đầu gặt hái được khá nhiều thành công, nhưng điều lão nông Võ Quan Huy vẫn trăn trở đó là, đối với người nông dân, động lực để họ cố gắng chính là sự cảm thông, đồng lòng và chung tay của người tiêu dùng.

“Đành rằng sản xuất là làm ra những sản phẩm thị trường cần nhưng khó quá! Từ một nền sản xuất theo xu thế chạy theo năng suất, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ giờ chuyển sang sản xuất hàng có chất lượng, an tâm cho sức khỏe cộng đồng. Muốn có sự “chuyển mình” đó, rất cần người tiêu dùng hiểu và ủng hộ bằng cách chọn sản phẩm có chất lượng, có truy xuất nguồn gốc minh bạch, có mẫu mã vừa phải và giá cả có thể cao hơn từ 1,2 – 1,5 lần giá bình thường” – ông Huy kỳ vọng.

Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI