Vụ xâm hại tình dục bé ba tuổi ở Nhà Bè: Còn chờ gì mà chưa khởi tố?

03/09/2020 - 08:29

PNO - Dắt tay điều tra viên xăm xăm sang nhà hàng xóm, bé P.N.L. với biệt danh Gà Con (ở trọ tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TPHCM) trong chiếc áo đầm vàng xinh xắn, nói lảnh lót: “Ở bên kia”. Đi được vài bước nữa, Gà Con liên tiếp lặp lại: “Ở bên này, ở bên này…”.

Dừng hẳn trước cửa nhà nghi can - một ông già tuổi ngoài 70, bé chỉ tay, khẳng định: “Ở nà này, ở tong nà”. Tiếng bé trong vắt, chắc nịch, khiến ai xem clip cũng thắt lòng.

Dù phát âm còn đớt đát, nhưng lời khai của Gà Con hàng chục lần không sai lệch, vẫn quả quyết ông già tóc bạc ấy, ở căn nhà ấy cùng hành vi “thơm má, thơm mũi”, thọc tay vào vùng kín của bé… 

Đã gần một năm rưỡi kể từ ngày 17/4/2019, ngày gia đình nộp đơn tố giác hành vi dâm ô của ông hàng xóm Huỳnh Thanh T., tội ác kia vẫn còn được bao bọc trong lớp kén dày. Sự mòn mỏi theo đuổi vụ kiện không làm gia đình bé chùn bước, nản lòng mà càng cương quyết đi đến cùng.

Theo cha mẹ bé, những ngày đầu bé sốt, ói, tâm lý sợ hãi, hoang mang, bé suy nghĩ và nói nhiều câu liên quan đến chết chóc; bé không ngủ được, hoặc thường giật mình trong giấc ngủ, luôn miệng kêu đau rát vùng kín. Sau đó, bé liên tiếp có biểu hiện gây hấn, đánh mẹ, cắn em trai và cả chính mình…

Khi đưa đi chơi, bé rất vui vẻ, hớn hở nhưng về đến khu nhà trọ là bé sợ quíu, la khóc. Cộng với áp lực tấn công dọa giết từ gia đình nghi phạm, gia đình bé phải đi nơi khác thuê trọ. Kể từ ngày phát giác sự việc, đến nay, bé vẫn còn viêm nhiễm vùng kín. Đặc biệt, do ám ảnh quá hằn sâu, hễ thấy bất kỳ ông già nào là bé lo sợ, vội nép vào ba mẹ. 

Bé Gà Con hãy còn ngọng líu ngọng lô  đã phải chịu một  tổn thương quá lớn
Bé Gà Con hãy còn ngọng líu ngọng lô đã phải chịu một tổn thương quá lớn

Hơn một năm trước, vào ngày 15/8/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nhà Bè đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng tố giác của gia đình là không có căn cứ.

Cùng với đó là quyết định bác đơn khiếu nại của gia đình bé, giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Nhà Bè ký.

Sau lá đơn khẩn thiết dài 16 trang của ba bé gửi đến VKSND TPHCM, viện trưởng đã yêu cầu hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án để tiếp tục thụ lý, xác minh, giải quyết vụ việc một cách khách quan, toàn diện, xử lý theo quy định pháp luật. 

Gia đình đang ngóng chờ kết luận điều tra công tâm, xác đáng. Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra lại yêu cầu giám định thời gian tạo lập các file ghi âm, ghi hình do gia đình cung cấp.

Đó không phải là vấn đề mấu chốt để đi đến quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án, vì các chứng cứ khác đã vững vàng, các lời khai, nhận dạng trùng khớp, trong vùng kín của bé có tế bào nam.

Hơn nữa, đó là một động tác dư thừa vì các file này đã được điều tra viên kiểm tra trực tiếp, ngày giờ khởi tạo file được hiển thị rành rành, và trước đó đã có kết quả giám định rằng “không phát hiện dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung…”.

Thế nhưng việc giám định vẫn diễn ra và được thông báo kết quả vào ngày 4/8/2020: “Do các tập tin hình ảnh (video), âm thanh gửi giám định đã được sao chép qua thiết bị lưu trữ, vì vậy thông tin hiển thị về thời gian khởi tạo trong thuộc tính (properties) của các tập tin này không đồng nhất với thời gian ghi âm, ghi hình của tập tin gốc”. 

Cũng “huề vốn” như thế là giám định cháu bé, kết quả giám định trước đây cho rằng bé không có dấu vết thương tích, nhưng gia đình đưa ra những hình ảnh bé thực sự có thương tích tại thời điểm đó. Bằng chứng sờ sờ là môi bé bị dập, rớm máu, một vết thương mới không quá hai ngày.

Nhưng theo thông báo kết quả giám định của cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nhà Bè cũng vào ngày 4/8/2020 thì “tại thời điểm giám định tình trạng xâm hại đối với cháu bé thì vết ở môi của bé nếu do chấn thương cũng là vết đã cũ, không có cơ sở xác định thời điểm tạo ra vết này”. 

Còn chờ gì nữa mà không đưa vụ án ra ánh sáng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can? “Ở nà này. Ở tong nà…” - vì sao lời của cháu bé chưa được người lớn nghe thấu?

Dù các lần nhận dạng cách nhau nhiều tháng với đủ thủ thuật, nhưng Gà Con không hề nhầm lẫn. Và chẳng thể nào là ngẫu nhiên khi ông già trong ảnh mà Gà Con nhận dạng chục lần như một ấy, chính là ông già sống trong căn nhà mà bé dắt tay chú điều tra viên đến chỉ vào. 

Người thân bé đã bật khóc vào lần đưa bé đi lấy lời khai ở phòng ghi âm ghi hình trong khuôn viên trại giam Chí Hòa, bé mệt lả, ngủ gục trên xe máy. Khi điều tra viên đưa nhiều hình ông già, bé “điều nghiên” một hồi rồi nói “không có” kèm theo cái lắc đầu.

Đến khi chú điều tra viên đưa ra nhiều hình ông già, trong đó có nghi can, chú chưa hỏi gì, bé đã chỉ ngay hình nghi can rồi tuột khỏi ghế “thị phạm” hành động bỉ ổi ông đã sờ mó vùng kín của bé.

Thử hình dung bé đã khiếp hãi như thế nào, cô độc như thế nào giữa thế giới người lớn luôn nêu khẩu hiệu bảo vệ trẻ? Thời điểm nói với ba mẹ về cơn ác mộng mới trải qua, Gà Con còn chưa đủ ba tuổi.

Với tâm trạng đau đớn, phẫn uất, trong lần lộ diện phát trực tiếp trên Facebook vào giữa tháng 8/2020, anh Liêm, ba bé chia sẻ: “Tất nhiên, khi đứng lên tố giác tội phạm và công khai vụ việc trước công luận, gia đình tôi cũng lo sợ tương lai của con gái mình bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta vì lo sợ mà cứ im lặng thì sự mất mát, tổn thương ngày thêm chất chồng, chứ không hề mất đi theo thời gian. Còn kẻ ác cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và sẵn sàng tiếp diễn hành vi đồi bại này với những đứa bé khác”. 

Tô Diệu Hiền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Võ Đức Hội 14-11-2020 10:13:03

    Qua những vụ việc thế này tôi thiết nghĩ Quốc Hội và Chính Phủ nên thành lập một cơ quan hoặc một tổ chức riêng biệt chuyên bảo vệ bà mẹ và trẻ em, chứ qua những vụ việc như vậy tôi chưa thấy cơ quan đại diện nào nói lên tiếng nói để bảo vệ họ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI