Nói lời sau cùng tại phiên phúc thẩm, Nguyễn Minh Hùng – Tổng giám đốc công ty dược VN Pharma (người được mệnh danh là Hùng thủ lĩnh) luôn khẳng định không có ý thức buôn lậu hay làm giấy tờ giả và mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ án cho nhân viên công ty dược VN Pharma. Bị cáo này cho rằng nhân viên cũng chỉ là làm công ăn lương và cũng chỉ mới khởi nghiệp.
Trong 2 ngày xử án, rất nhiều lần, Nguyễn Minh Hùng thừa nhận mọi trách nhiệm, thừa nhận mọi việc đều là do chính mình thực hiện, không có liên quan đến các nhân viên của công ty VN Pharma.
|
Nguyễn Minh Hùng tại phiên xử phúc thẩm |
Riêng Võ Mạnh Cường (Giám đốc công ty hàng hải quốc tế H&C – đóng vai trò người môi giới bán thuốc) vẫn khẳng định vô tội. Bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét vấn đề về Raymondo khi cho rằng chính người này đã cung cấp các giấy tờ giả cho Cường cũng như bị cáo được ủy quyền hợp pháp của Raymondo sử dụng con dấu của Helix Canada.
|
Võ Mạnh Cường - người môi giới thuốc H-Capita |
Trong phiên xét xử phúc thẩm này, có 8/9 bị cáo kêu oan. Nguyễn Minh Hùng xin giảm án. Một bị cáo là dược sĩ Phạm Văn Thông từ chối luật sư, tự mình bào chữa.
Dược sĩ tự mình bào chữa như thế nào?
Trong phiên xử phúc thẩm, bị cáo Phạm Văn Thông (người trong phiên sơ thẩm nhận án 2 năm tù treo vì tội làm giả tài liệu cơ quan tổ chức) đã rất tự tin tự mình bào chữa, không cần nhờ đến luật sư.
Trong vụ án VN Pharma, ông Thông là người được Nguyễn Minh Hùng thuê viết hồ sơ kỹ thuật thuốc cho thuốc H-Capita 500 mg Caplet với giá 2.000 USD.
|
Phạm Văn Thông tự bào chữa trước tòa phúc thẩm |
Ông Thông dẫn Quyết định 151 của Thủ tướng chính phủ ngày 12/9/2007 ban hành quy định về nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký tại Việt Nam để khẳng định việc viết hồ sơ kỹ thuật thuốc cho H-Capita 500 mg là không hề sai.
Dược sĩ này cho rằng Quyết định 151 cho phép đối trong việc nhập thuốc chưa đăng ký tại Việt Nam, dược sĩ có quyền biên soạn tài liệu, bổ sung những nội dung không trái với dược điển.
|
Những bị cáo trong vụ án VN Pharma |
Bị cáo Thông cho rằng: “Là chuyên gia về chất lượng thuốc, tôi được phép yêu cầu nhà sản xuất thuốc ở nước ngoài chỉnh sửa hoặc bổ sung những nội dung trong tiêu chuẩn để thuốc đó phù hợp với điều kiện bảo quản, máy móc, kể cả liều dùng cho người Việt Nam. Đó là trách nhiệm của một dược sĩ.
Một hồ sơ nước ngoài gửi về khi thuốc còn hạn độc quyền, tôi xem lại tiêu chuẩn đó có phù hợp với Việt Nam hay không. Nếu thuốc hết độc quyền, tôi yêu cầu phải làm đúng 11 chỉ tiêu như độ ẩm, mô tả thuốc, định tính, định lượng, tạp chất...
Tôi yêu cầu nhà sản xuất đó làm đúng nội dung tôi đã viết và sau đó chuyển cho nhà máy. Trách nhiệm dược sĩ với sức khỏe nhân dân buộc tôi phải làm như vậy, để làm sao mua thuốc chất lượng nhất, với giá rẻ nhất.
Viện kiểm sát cần phải làm rõ hồ sơ thuốc tôi soạn có hợp pháp hay không, có trái với chuyên môn hay không, có trái với quy định trong ngành dược hay không? Như vậy tôi có tội hay không, có tội ở chỗ nào?”.
|
Bị cáo Thông cho rằng mình vô tội |
Đáp trả lời tự bào chữa của ông Thông, đại diện Viện kiểm sát dẫn lại lời khai của dược sĩ Thông tại cơ quan điều tra. Cụ thể, khi đó bị cáo Thông đã khai như sau: “Tôi nhận thức viết hồ sơ kỹ thuật thuốc là sai, tôi làm mục đích chỉ để kiếm tiền nuôi bản thân. Vào tháng 6/2013, khi có một sản phẩm thuốc chứa hoạt chất capecitabine được cấp số đăng kí, Hùng yêu cầu tôi soạn kỹ thuật thuốc có chứa hoạt chất capeciabine. Vì thế, tôi dựa vào hồ sơ của công ty này và dựa trên dược điển Mỹ để hoàn thiện hồ sơ xin cấp nhập khẩu”.
Đại diện Viện kiểm sát cũng công bố thông tin từ một số thư điện tử trao đổi giữa Phạm Văn Thông và Nguyễn Minh Hùng vào các ngày 3/10/2013; 22/10/2013…Trong các thư điện tử này, có các dòng trao đổi như: mình phải làm thuốc mẫu, phải nhờ công ty khác làm giúp, SFC khác hẳn SFC cũ, phải sửa và in lại hồ sơ bằng cách dán SFC cũ và dán vào SFC mới…
Trước đó, Viện kiểm sát đưa ra quan điểm luận tội cho rằng các bị cáo Phạm Anh Kiệt, Bùi Ngọc Duy, Phạm Văn Thông chỉ bị xử tội làm giả con dấu, tài liệu là có dấu hiệu lọt tội.
Trong phiên phúc thẩm vụ án VN Pharma, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ rất nhiều tình tiết như phải trưng cầu giám định lại chất lượng lô thuốc H-Capita vì một số thành viên trong hội đồng giám định chất lượng lô thuốc này cũng chính là những cán bộ của Cục quản lý Dược – nơi vừa cấp phép nhập khẩu lô thuốc này.
Viện kiểm sát cũng cho rằng cần làm rõ số tiền hoa hồng trị giá 7,5 tỷ đồng chi cho các lô thuốc nào vì tổng giá trị của 9.300 hộp H-Capita được nhập khẩu trót lọt chỉ có giá trị 5, tỷ đồng. Đây là số tiền phạm pháp, thu lợi bất chính nên phải tịch thu sung công quỹ.
Hiếu Nguyễn – Minh Thanh