UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xử lý
Theo đó, ngày 13/11/2019, Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An Đặng Thanh Tùng đã ký Quyết định số 8111/UBND-NC về việc kiểm tra, xử lý vụ việc xây dựng chùa tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương.
Nội dung công văn nêu rõ: “Ngày 12/11/2019, báo chí phản ánh việc tổ chức xây dựng chùa tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương nhưng chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ và chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật. Chùa đang được xây dựng phần thô, công trình chồng lấn lên một phần diện tích đất của vùng II khu vực bảo vệ di tích Quốc gia Đền Hữu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh giao UBND huyện Thanh Chương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra kịp thời xử lý các hành vi, vi phạm theo đúng qui định pháp luật”.
|
Công trình Linh Sâm tự xây dựng trái phép, lấn chiếm Đền Hữu nhìn từ trên cao. |
Trước đó, 2 ngày sau khi Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ Nghệ An có tờ trình số 259 về việc đề nghị thành lập chùa Linh Sâm (không xây dựng ở vị trí chùa Linh Sâm cũ mà xây ở vị trí mới, nằm sát di tích Đền Hữu), chính ông Lê Hồng Vinh đã ký công văn số 5198/UBND - NC ngày 26/7/2019 về việc chấp thuận thành lập chùa Linh Sâm, vị trí cạnh Đền Hữu, hiện đang xây dựng trái phép và đã bị đình chỉ như hiện tại.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản khẳng định, hiện tại, một số hạng mục của chùa Linh Sâm đã được xây dựng trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Hữu mà chưa có ý kiến của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).
Cụ thể, tại công văn số 2864 ngày 14/11/2019 của Sở VH-TT Nghệ An, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc Sở này cho rằng, Đền Hữu có diện tích được khoanh vùng bảo vệ là 8.382 m2.
|
Quần thể di tích Quốc gia Đền Hữu đang bị xâm hại vì việc xây chùa trái phép. |
Năm 2017, di tích đã được điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích là 33.931,9 m2. Di tích này được tỉnh Nghệ An giao huyện Thanh Chương trực tiếp quản lý. Việc Ban Tôn giáo Sở Nội vụ có tờ trình về việc xây dựng chùa Linh Sâm cạnh di tích lịch sử Quốc gia Đền Hữu, Sở VH-TT hoàn toàn không được mời tham gia ý kiến. Thậm chí, công văn chấp thuận thành lập chùa Linh Sâm cũng không gửi cho Sở VH-TT Nghệ An.
Sở này khẳng định, hiện tại một số hạng mục của chùa Linh Sâm đã được xây dựng trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Hữu mà chưa có ý kiến của Bộ VH-TT-DL. Hồ sơ quy hoạch, thiết kế xâm phạm di tích và vi phạm Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa.
Huyện Thanh Chương có hợp thức hóa cho sai phạm?
Trước đó, ngày 29/10/2019, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Quế đã ký văn bản số 291/TTr-UBND, gửi UBND tỉnh và Sở VH-TT Nghệ An, xin phép điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Đền Hữu.
Cho rằng, Ban quản lý đền Hữu ngày 20/10/2019 đã có tờ trình xin chuyển khu vực bảo vệ 2 di tích và UBND xã Thanh Yên ngày 28/10/2019 cũng đã có tờ trình xin phép điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ khuôn viên di tích đền Hữu, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nhận thấy:
“Đến nay, theo nhu cầu phát triển thì khu vực 2 cần có khuôn viên đủ rộng để làm bãi đỗ xe, trồng cây xanh, đường đi lại và các công trình phụ trợ khác. Hiện tại, hiện trạng của khu đất này không đảm bảo việc mở rộng theo yêu cầu.
Vì vậy, huyện Thanh Chương kính trình UBND tỉnh và Sở VH-TT Nghệ An, cho phép Ban quản lý di tích Đền Hữu chuyển một phần diện tích khu vực 2 là 3.442 m2 ở phía Tây sang phía Đông di tích (Khu vực 1) mà không ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên của di tích, nâng tổng diện tích khuôn viên khu vực 2 của di tích lên 6.388 m2, tăng thêm 2.263 m2 so với trước”.
|
Nhiều hạng mục Linh Sâm tự sắp sửa hoàn thiện chỉ sau hơn 2 tháng xây dựng. |
Điều đáng nói, tờ trình này của huyện Thanh Chương được ban hành chỉ sau một ngày khi UBND xã Thanh Yên ký văn bản đình chỉ công trình xây dựng trái phép Linh Sâm tự. Nghĩa là, chính quyền xã Thanh Yên và huyện Thanh Chương để cho mọi việc vượt quá tầm kiểm soát, khi “sự đã rồi” mới vội vàng tìm cách sửa sai, hợp thức hóa sự việc.
Tuy nhiên, việc địa phương xin chuyển đổi đất đai để khoanh vùng bảo vệ di tích, theo nguyên tắc cũng phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn và ý kiến của Bộ VH-TT&DL.
Đến nay, theo ý kiến chấp thuận từ Sở VH-TT Nghệ An thì sẽ giao cho UBND huyện Thanh Chương “khảo sát, lập quy hoạch di tích Quốc gia Đền Hữu trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng quy định tại Nghị định số 166/NĐ-CP ngày 25-12-2019 của Chính phủ về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.
|
Dòng họ Nguyễn Cảnh phản đối gay gắt việc Đền Hữu bị xâm hại. |
Trước đó, như Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã phản ánh, công trình chùa Linh Sâm với tổ hợp 6 căn nhà đồ sộ được xây dựng trong vùng đất bảo vệ Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Đền Hữu tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương. Ngôi đền này là nơi thờ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576), một võ tướng có nhiều công lao dưới thời Lê Trung Hưng.
Đền được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia theo Quyết định số 299/QĐ-BVHHTTDL ngày 22/1/2009 với diện tích được khoanh vùng bảo vệ là hơn 33.931 m2.
Hiện nay, tại đền còn giữ được 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện cổ hơn 400 năm, 38 sắc phong do các triều đại phong kiến phong tặng, và rất nhiều cổ vật, di vật có giá trị.
Đền cũng là một địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931, là trung tâm văn hóa tâm linh của nhân dân huyện Thanh Chương cũng như của họ Nguyễn Cảnh Việt Nam từ trước đến nay.
Hiện nay, dư luận đang đặt câu hỏi, liệu có hay không việc UBND huyện Thanh Chương vội vã xin điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích là để cố tình hợp thức hóa sai phạm trong công tác quản lý Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Hữu? Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, làm rõ những khuất tất trong việc xâm hại Đền Hữu, để trả lại sự tôn nghiêm cho Đền.
“Nguồn vốn xây dựng chùa là nguồn xã hội hóa, nhà tài trợ là Tập đoàn Vingroup. Tổng đầu tư xây dựng chùa gần 37 tỷ đồng, giai đoạn 1 đầu tư trên 23 tỷ. Chùa được xây dựng trên diện tích khoảng 6.000m2. Dự án gồm hạng mục như Tam bảo, Tổ đường, nhà Tăng, cổng Tam quan, sân chầu, nhà bia với 3 tầng bậc cấp và 12 vị La-hán. Ngoài ra còn có đền thờ Tiền Hiền và nhiều công trình phụ trợ khác... Đại diện chủ đầu tư là thầy Thích Thanh Nhiễm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, ông Lê Hồng Long – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Yên cho biết. |
Thiên Thảo