Vụ tung tin nước mắm nhiễm asen: Gậy ông đập lưng ông!

24/10/2016 - 06:00

PNO - Chị T., chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Trang Tử cho hay, mấy ngày trước, có nhân viên tiếp thị của C.S ghé cửa hàng chị để đưa những tờ thông tin các loại nước mắm truyền thống nhiễm thạch tín.

Tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), nhiều chủ sạp hàng bán nước mắm và nước chấm các loại cho biết, những ngày qua, xuất hiện một số người mặc đồng phục tiếp thị nước mắm C.S phát cho từng sạp tập giấy in kết quả và danh sách các sản phẩm nước mắm có thạch tín (asen).

Chủ sạp tên Kh. lấy trong đống hóa đơn, giấy tờ của sạp hàng ra đưa cho chúng tôi những tờ rơi mà anh nhận được từ những nhân viên tiếp thị C.S (đó là cách gọi của tiểu thương để phân biệt với nhóm nhân viên tiếp thị những sản phẩm nước mắm khác) và cho biết, những người này trước đó đã đến tiếp thị nước mắm C.S vài lần nên anh khá quen mặt. Trong khoảng 13 sạp hàng có kinh doanh mặt hàng nước chấm tại chợ Bình Tây thì có tới 12 sạp hai lần nhận được tờ rơi từ “tụi C.S” (nguyên văn cách gọi của các tiểu thương).

Vu tung tin nuoc mam nhiem asen: Gay ong dap lung ong!
Những tờ rơi được phát tại chợ nhằm vu khống nước mắm truyền thống nhiễm asen

Trang đầu là bản kết quả hàm lượng asen của các nhãn hiệu nước mắm, trang thứ hai là công văn của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) gửi cho một số cơ quan, tổ chức để thông báo về đợt lấy mẫu, xét nghiệm và kết quả xét nghiệm. Trang sau cùng là một trang báo điện tử có đăng tin “Danh sách nước mắm có hàm lượng thạch tín cho phép”…

Những người này còn phát cho các tiểu thương một trang in xuất hiện trên mục quảng cáo của nhiều báo, trong đó có nhiều sản phẩm C.S, Nam Ngư, Nam Ngư Đệ Nhị với những thông tin như: “cam kết chuẩn an toàn thạch tín”, “từ năm 2011, theo quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm C.S, Nam Ngư đã công bố và đạt chuẩn an toàn thạch tín”. Bên mép bản in này có in dòng chữ nhỏ hơn với nội dung “Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan, tầng 12, tòa nhà Kumho Asiana Plaza Saigon”.

Một số cửa hàng tạp hóa tại khu vực Q.5 cũng nhận được những tờ rơi tương tự. Chị T., chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Trang Tử cho hay, mấy ngày trước, có nhân viên tiếp thị của C.S ghé cửa hàng chị để đưa những tờ thông tin các loại nước mắm truyền thống nhiễm thạch tín. “Buôn bán bao nhiêu năm mà lần đầu tiên tôi thấy một doanh nghiệp lớn lại có cách tuyên truyền không đẹp như thế này…”, chị T. nói.

Bình tĩnh ngồi xâu chuỗi lại mới thấy rằng, mối hoài nghi về một chiến dịch nhằm “thôn tính” thị trường là có sơ sở. Trước đó, ngày 10/10/2016, trong văn bản gửi Bộ Y tế, Công ty Masan đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế và Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm “thanh tra toàn diện việc tuân thủ quy định về giới hạn kim loại nặng trong thực phẩm, đặc biệt là asen (thạch tín) trong nước mắm”. Công văn của Công ty Masan nhấn mạnh “thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam đang ở mức báo động”.

Một tuần lễ sau, ngày 17/10/2016, VINASTAS công bố trên 67% trong 150 mẫu nước mắm được kiểm tra có tổng hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép. Phải chăng Masan biết trước kết quả này nên mới có cơ sở gửi văn bản mang tinh thần “trách nhiệm” cao như vậy?

Tiếp đó, hàng loạt “động thái” bí ẩn bắt đầu được triển khai với một chiến dịch truyền thông bài bản gồm ba giai đoạn với thời gian và đối tượng có sự nghiên cứu chuyên nghiệp.

Giai đoạn 1 có sự tham gia đồng loạt của khoảng 90 “hot mom” có lượng like tương đối lớn với nội dung đại loại như “không phải đạm cao là tốt”; giai đoạn 2 cậy các tên tuổi có uy tín trong làng PR công bố thông tin “nước mắm chứa asen”; giai đoạn 3 là chiến dịch quảng cáo chính thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hạ sách “dùng chiêu bẩn loại đối thủ cạnh tranh” được áp dụng với cả phương thức mua hẳn sim rác, tạo địa chỉ mail mới để liên lạc với các PR dưới danh nghĩa là người của VINASTAS vài ngày trước khi có kết quả công bố.

Cũng xin cảm ơn rằng, nhờ văn bản khuyến cáo của Masan và thông báo của VINASTAS mà nhiều cơ quan đã vào cuộc và minh oan cho nước mắm truyền thống của Việt Nam. Trong lúc thực hư chưa ngã ngũ, người tiêu dùng đã kêu gọi nhau tẩy chay kẻ “tà đạo” chơi bẩn và kêu gọi nhau ủng hộ nước mắm truyền thống.

Các bộ Thông tin và Truyền thông, Công an cũng đã lên tiếng, yêu cầu làm rõ những khuất tất trong vụ công bố “nước mắm nhiễm asen”. Sự quyết tâm này đã phần nào làm yên tâm người tiêu dùng, đồng thời hứa hẹn sẽ làm rõ trắng đen vụ việc, xử lý thích đáng những kẻ làm ăn bất lương.

Đăng Thư - Đức Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI