Vụ tự tử của một người đàn ông dẫn đến những phản đối về luật hồi môn ở Ấn Độ

23/12/2024 - 14:54

PNO - Mới đây, một người đàn ông Ấn Độ 34 tuổi đã tự tử. Bên cạnh thi thể anh ta có một tấm biển ghi dòng chữ "công lý phải được thực thi".

Các nhà hoạt động vì quyền của nam giới đã tổ chức các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố để đòi công lý cho Atul Subhash
Các nhà hoạt động vì quyền của nam giới đã tổ chức các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố để đòi công lý cho Atul Subhash

Người đàn ông lựa chọn cái chết cho mình là Atul Subhash. Khi qua đời, Atul Subhash để lại bức thư tuyệt mệnh dài 24 trang và một đoạn video dài 81 phút, trong đó anh đổ lỗi cho những rắc rối trong cuộc hôn nhân và thủ tục ly hôn của mình.

Bức thư và đoạn video chứa đựng những chi tiết đau lòng về cuộc đời ông đã lan truyền trên mạng xã hội và gây ra sự phẫn nộ.

Atul Subhash là kỹ sư phần mềm đã cáo buộc người vợ Nikita Singhania cùng mẹ và anh trai của cô về tội quấy rối và tra tấn tinh thần liên tục. Cả 3 người này đã bị bắt vài ngày sau cái chết của Atul Subhash.

Tin tức về cái chết thương tâm của Subhash cũng đã thúc đẩy các nhà hoạt động vì quyền của nam giới và mở ra một cuộc tranh luận rộng rãi hơn về luật hồi môn nghiêm ngặt của Ấn Độ.

Đây là luật được thiết kế để bảo vệ phụ nữ khỏi bị quấy rối và thậm chí là giết chết từ những người chồng.

Nhưng nhiều người cho rằng với các trường hợp ly hôn liên tục gia tăng và trong các cuộc ly hôn, cũng có nhiều phụ nữ quấy rối chồng, thậm chí buộc họ phải tự tử chứ không riêng gì nam giới.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì phụ nữ nói rằng, trường hợp những người đàn ông bị quấy rối chỉ là một phần rất nhỏ và chỉ ra rằng yêu cầu về số tiền hồi môn lớn từ gia đình chồng vẫn tiếp tục giết chết hàng ngàn phụ nữ mỗi năm.

Theo cáo trạng, Atul Subhash và Singhania kết hôn vào năm 2019, nhưng đã sống ly thân trong 3 năm. Subhash cho biết anh không được phép gặp cậu con trai 4 tuổi của họ. Vợ anh, đã đệ đơn ly hôn và cáo buộc anh có hành vi tàn ác, đòi hỏi của hồi môn và nhiều hành vi sai trái khác.

Trong video để lại, Atul Subhash cáo buộc gia đình Singhania về tội "tống tiền" và cho biết họ yêu cầu anh trả 30 triệu rupee (352.675 USD) để rút đơn kiện, 3 triệu rupee để được quyền thăm con trai và yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng hàng tháng từ 40.000 rupee lên 200.000 rupee.

Subhash và Singhania (thứ hai từ phải sang) kết hôn vào năm 2019, nhưng đã xa cách nhau ba năm
Subhash và Singhania (thứ hai từ phải sang) kết hôn vào năm 2019, nhưng đã ly thân 3 năm

Tin tức về Atul Subhash tự tử đã gây ra làn sóng biểu tình dữ dội ở một số thành phố. Nhiều người đã lên mạng xã hội để đòi công lý cho Subhash. Họ cho rằng vụ tự tử của anh nên được coi là một vụ giết người và Singhania nên bị bỏ tù chung thân.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm vấn, Singhania đã phủ nhận cáo buộc rằng cô đã quấy rối chồng để lấy tiền.

Trước đây, Singhania cũng đã đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng đối với chồng mình. Trong đơn xin ly hôn năm 2022, cô đã cáo buộc anh ta, cha mẹ và anh trai của anh đã sỉ nhục, quấy rối cô vì của hồi môn.

Cô cho biết họ không hài lòng với những món quà mà cha mẹ cô tặng trong đám cưới và yêu cầu thêm 1 triệu rupee.

Của hồi môn đã bị cấm ở Ấn Độ kể từ năm 1961, nhưng gia đình cô dâu vẫn phải tặng tiền mặt, quần áo và đồ trang sức cho gia đình chú rể.

Theo một nghiên cứu gần đây, 90% các cuộc hôn nhân ở Ấn Độ liên quan đến của hồi môn và các khoản thanh toán từ năm 1950 đến năm 1999 lên tới hàng trăm tỷ đô la.

Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia, 35.493 cô dâu đã bị giết ở Ấn Độ từ năm 2017 đến năm 2022 - trung bình mỗi ngày có 20 phụ nữ bị giết - vì yêu cầu của hồi môn, đôi khi thậm chí nhiều năm sau đám cưới. Chỉ riêng năm 2022, hơn 6.450 cô dâu đã bị giết vì của hồi môn - trung bình 18 phụ nữ mỗi ngày.

Singhania tuyên bố rằng cha cô đã chết vì một cơn đau tim ngay sau đám cưới của cô, khi cha mẹ của Atul Subhash đến gặp ông để đòi tiền. Cô cũng cáo buộc rằng chồng cô đã từng đe dọa cô và ép buộc cô quan hệ không đồng thuận.

Cảnh sát cho biết họ vẫn đang điều tra các cáo buộc và phản cáo buộc, nhưng vụ tự tử của Subhash đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi ngày càng tăng về việc viết lại - thậm chí là hủy bỏ - luật chống của hồi môn nghiêm ngặt của Ấn Độ.

Luật này được ban hành vào năm 1983 sau một loạt các vụ tử vong vì của hồi môn. Hàng ngày có những báo cáo về việc cô dâu bị chồng và gia đình chồng thiêu chết và các vụ giết người thường được coi là tai nạn nhà bếp.

Nhưng trong nhiều năm qua, luật này đã nhiều lần trở thành tiêu điểm, khi các nhà hoạt động vì quyền của nam giới cho biết luật này đang bị phụ nữ lợi dụng để quấy rối chồng và người thân của chồng.

Amit Deshpande - người sáng lập tổ chức bảo vệ quyền của nam giới Vaastav Foundation có trụ sở tại Mumbai - cho biết, luật này chủ yếu được sử dụng để tống tiền đàn ông và còn hàng ngàn người khác đang phải chịu đựng như Subhash.

Ông nói đường dây nóng của họ nhận được khoảng 86.000 cuộc gọi mỗi năm và hầu hết các vụ việc đều liên quan đến tranh chấp hôn nhân, bao gồm các vụ kiện về của hồi môn và các vụ tống tiền.

Bà Chauhan đồng ý rằng có những phụ nữ lạm dụng luật pháp nên bị trừng phạt, nhưng lập luận rằng bất kỳ luật nào cũng có thể bị lạm dụng.

Bà cho biết, bất chấp luật pháp, nhu cầu về của hồi môn vẫn tràn lan và hàng ngàn cô dâu vẫn tiếp tục bị giết vì lý do này.

Bà nói thêm rằng nhu cầu cấp thiết hiện nay là làm cho luật pháp chặt chẽ hơn. Bởi phần lớn phụ nữ Ấn Độ vẫn còn phải chịu đựng rất nhiều ở đất nước này.

Trọng Trí (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI