'Vũ trụ kinh dị' của Jordan Peele

25/03/2019 - 17:00

PNO - Những chi tiết hù dọa chỉ là lớp vỏ bọc, để anh nói đến những vấn đề thời sự xã hội khác. Hướng đi khác biệt đó đã tạo nên một 'vũ trụ điện ảnh kinh dị' mang tên Jordan Peele.

Nhắc đến dòng phim kinh dị thương mại của Hollywood những năm gần đây, ngoài cái tên James Wan, còn phải kể đến Jordan Peele - “cha đẻ” của bộ phim Get out và giờ là Us (đang chiếu tại Việt Nam với tựa Chúng ta) đang gây “sốt” phòng vé. 

Nếu như “vũ trụ điện ảnh kinh dị” của James Wan - được tạo nên từ những tác phẩm do anh đạo diễn hoặc làm nhà sản xuất như xê-ri Insidious, The Conjuring, Annabelle, The Nun - bao phủ một màu sắc huyền bí, đậm chất tâm linh, tôn giáo thì “vũ trụ” của Jordan Peele đầy ắp hơi thở của đời sống thực, khi chạm đến các vấn đề thời sự chính trị xã hội đang nóng.

Trailer Us:

Thông thường, trong các phim kinh dị, nhân vật “ác ma” là những quái vật trong truyền thuyết, nghĩa là chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng; còn trong các phim của Jordan Peele, kẻ phản diện luôn bước ra từ thế giới thực. Trong Get out là nhân vật nữ chính người da trắng - Rose cùng cha mẹ, em trai của cô; còn trong Us là những kẻ song trùng (doppelganger) với gia đình nhân vật chính Adelaide Wilson.

Là đạo diễn người Mỹ gốc Phi, không có gì khó hiểu khi “vũ trụ kinh dị” của Jordan Peele đụng chạm thẳng thắn đến vấn đề nhạy cảm trong xã hội Mỹ: chủng tộc, giai cấp. Suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ, nhiều người da trắng luôn tự cho mình là tầng lớp đẳng cấp cao, có quyền cai trị người da màu.

Thái độ khinh miệt mà người da trắng dành cho người da màu đó được Jordan Peele phản ánh đầy ám ảnh trong Get out, đặc biệt ở phân cảnh anh chàng da màu Chris dự tiệc với gia đình, họ hàng nhà cô bạn gái người da trắng Rose. Những câu hỏi đầy ẩn ý, ánh nhìn thiếu thiện cảm, cách cư xử trịch thượng của những nhân vật da trắng dành cho Chris là lời tố cáo của Jordan Peele về nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội Mỹ.

'Vu tru kinh di' cua Jordan Peele

Những giọt nước mắt đầy ám ảnh của Chris trong Get out và Adelaide trong Us là những ấn tượng từ “vũ trụ điện ảnh kinh dị” của Jordan Peele

Trong Us, tuy gia đình nhân vật chính Adelaide đều là người da màu, họ có lối sống, cách sinh hoạt mang tính biểu tượng của người da trắng: mời bác sĩ tâm lý tư vấn, đi hội chợ… Những đoạn thoại giữa nhân vật Adelaide và “bản sao” của chính mình cho thấy những đau khổ, bất công mà “bản sao” phải gánh chịu: bị nhốt trong những căn hầm, bị đem ra làm vật thí nghiệm, phải ăn thịt sống, uống máu.

Sự đối lập giữa hai thế giới “người” và “kẻ song trùng” trong Us như một phép ẩn dụ cho những mặt trái đang tồn tại trong xã hội Mỹ: bạo lực, chia rẽ giàu - nghèo, phân chia giai cấp, chủng tộc và cuộc tấn công của “bản sao” vào “bản gốc” trong phim thể hiện khát khao đứng lên giành lấy bình quyền, đạp đổ bất công. Tựa phim Us, ngoài nghĩa là “chúng ta” còn có nghĩa là nước Mỹ, bởi toàn bộ câu chuyện phản ánh vấn đề nhức nhối về chủng tộc mà nước Mỹ đang phải đối mặt, đưa ra những thông điệp cảnh tỉnh dành cho người Mỹ, giới lãnh đạo nước Mỹ.

'Vu tru kinh di' cua Jordan Peele

Jordan Peele không giấu ý định làm thêm hai phim kinh dị khác nữa, mà những chi tiết hù dọa chỉ là lớp vỏ bọc, để anh nói đến những vấn đề thời sự xã hội khác. Hướng đi khác biệt đó đã tạo nên một “vũ trụ điện ảnh kinh dị” mang tên Jordan Peele. 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI