Vụ trao nhầm trẻ sơ sinh 4 năm: Nếu có camera giám sát...

23/06/2016 - 07:29

PNO - Nếu các bệnh viện, nhà hộ sinh trang bị camera giám sát thì hẳn sẽ không có ông bố, bà mẹ nào phải chịu nỗi đau khủng khiếp đến thế.

Vu trao nham tre so sinh 4 nam: Neu co camera giam sat...
Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, nơi xảy ra vụ việc trao nhầm con

Tiếp tục thông tin liên quan đến vụ bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa trao nhầm trẻ sơ sinh cách đây 4 năm, báo Phụ nữ TP HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Chiều ngày 22/6, trao đổi với phóng viên, ông Hùng xác nhận vụ việc bệnh viện phụ sản Thanh Hóa trao nhầm con cho 2 gia đình cách đây 4 năm về trước. Đồng thời, ông cũng đã nắm được thông tin hai gia đình đã tìm đến nhau để làm thủ tục nhận lại con.

''Việc nhầm con về cơ bản cũng đã được Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa và  hai gia đình giải quyết ổn thỏa rồi. Với lại, gia đình hai bên cũng rất là vui vẻ, rất là cám ơn bệnh viện.

Câu chuyện đó thật ra xảy ra cách đây hơn 1 tháng rồi, ngay sau đó thì bệnh viện Phụ sản cũng đã chủ động trong việc xác định lại ADN giúp 2 gia đình và các việc liên quan nhằm tiến hành trao trả lại hai cháu trở về với đúng cha mẹ của mình'', ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm, để xảy ra vụ việc trao nhầm con là sự cố không mong muốn. Phía bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cũng đã tiến hành kiểm điểm các nhân viên trong ca trực, là những người  trực tiếp để xảy ra tình trạng nhầm lẫn tai hại này cách đây 4 năm. Được biết, nhóm nhân viên này của bệnh viện đã về hưu được mấy năm nay.

''Những người trực tiếp trực hôm đó ở bệnh viện, bao gồm cả trưởng ca trực đều đã về hưu. Ngay cả giám đốc bệnh viện thời điểm đó cũng đã về hưu rồi. Vì thế, phía Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cũng đã lấy câu chuyện này để rút kinh nghiệm, nhắc nhở, giáo dục cho tất cả anh em tránh không để tình trạng này xảy ra thêm một lần nào nữa.''

Ông Hùng nhấn mạnh rằng: ''Trường hợp nhầm con của hai gia đình xảy ra cách đây 4 năm là trường hợp hi hữu, từ trước đến nay chưa có trường hợp nào tương tự xảy ra trên địa bàn. Những nơi khác thì có thể không nói nhưng riêng tại bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, quy trình từ lúc các cháu bé ra đời cho tới khi bệnh viện trao các bé cho bố mẹ đều được theo dõi sát sao và quản lý chặt chẽ.

Phía hai gia đình sau khi nhận được kết quả xét nghiệm ADN cũng đã vui vẻ gặp gỡ nhau để đi đến quyết định trao đổi lại hai cháu nhỏ. Về cơ bản thì sự việc đã được giải quyết ổn thỏa.''

Trước ý kiến cho rằng, liệu có nên lắp camera theo dõi toàn bộ quá trình sinh con của các bà mẹ đến khi trao trả lại con cho họ để tránh những trường hợp nhầm con đáng tiếc xảy ra, ông Hùng nhận định:

'' Ý kiến đó rất hay và hiện tại một số bệnh viện cũng đã tiến hành làm như thế rồi, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cũng đã làm việc đó. Phía Sở Y tế cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các bệnh viện dành ra một khoản để lắp camera ở một số nơi nhạy cảm để theo dõi quá trình sinh con và nhận lại con của các sản phụ.

Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ là lắp camera tại phòng đẻ thì phải nghiên cứu thêm bởi còn nhiều khúc mắc. Việc ghi lại cảnh trong phòng đẻ sẽ rất buồn cười (cười). Vì thế, cần có một phương án phù hợp để làm sao, vừa đảm bảo tính riêng tư của sản phụ , vừa đảm bảo được việc con trở về đúng với bố mẹ của mình.''

Sau những sự cố trao nhầm con gần đây đã khiến dư luận hoang mang và phải đặt ra câu hỏi rằng, tại sao trong một quy trình khép kín và chặt chẽ như vậy lại có thể xảy ra những trường hợp nhầm con đau xót như thế.

Và ngoài những trường hợp đã được phát hiện thì còn có những trường hợp khác nhưng vẫn chưa phát hiện ra hay không. Những chi tiết tưởng chừng như chỉ có trong phim mà đang diễn ra ngay ở cuộc sống hiện tại không khỏi khiến người ta chua xót.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thai phụ nhập viện sẽ được vào nằm tại phòng chờ để theo dõi. Nhân viên của bệnh viện có trách nhiệm nhập tất cả thông tin của thai phụ và lưu tại máy tính của bệnh viện bao gồm: Họ tên, tuổi, địa chỉ gia đình, số điện thoại khi nhập viện; dự kiến tên con.

Mỗi thai phụ sẽ có 1 mã số, bệnh án khác nhau. Khi thai phụ chuyển dạ sẽ được các y, bác sĩ chuyển vào phòng đẻ.

Sản phụ và con của sản phụ đó được đeo mã số giống nhau, bệnh viện cũng quy định dây đeo mã số của mẹ và bé ở tay được dùng bằng dây nhựa mềm, chỉ có thể dùng kéo mới cắt được.

Số được “in chết” vào thẻ nên không thể mờ được trong bất kì trường hợp nào.

Việc đeo số ở tay mẹ và bé được thực hiện nghiêm ngặt trong suốt quá trình thai phụ và trẻ sơ sinh nằm tại viện, kể cả trong lúc tắm cho trẻ, điều dưỡng cũng không được bỏ mã số khỏi tay trẻ.

Khi tắm xong, điều dưỡng giao bé lại cho mẹ và yêu cầu đối chiếu mã số ở tay mẹ và bé. Nếu trùng khớp, mẹ mới được nhận lại con. Cũng theo quy định của bệnh viện, số hồng là con gái, số xanh là con trai.

Hoàng Lan


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI