PNO - Sự việc hai gia đình “lộn” con ở Ba Vì, Bệnh viện đã phải đền bù 150 triệu đồng cho mỗi gia đình và họ chính thức đổi con cho nhau. Thế nhưng, câu chuyện đến đây đã thực sự được “khép lại” chưa?
Tình mẫu tử không thể nảy sinh từ tờ giấy chứng nhận cùng huyết thống ADN mà phải được vun đắp từ những tháng ngày mẹ con bên nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng vượt qua bệnh tật, khó khăn…
Hãy lên tiếng thật mạnh mẽ
Sự việc hai gia đình “lộn” con ở Ba Vì vừa rồi được xem là chuyện hi hữu. Câu chuyện bắt đầu bằng việc nữ hộ sinh trao nhầm con của gia đình này cho gia đình khác (trong khi người mẹ đã nghi ngờ vì tã lót không giống) và hậu quả (chứ không phải kết quả) là sau sáu năm, một gia đình tan nát, một gia đình lục đục vì con không giống cha.
Bệnh viện đã phải đền bù 150 triệu đồng cho mỗi gia đình và họ chính thức đổi con cho nhau. Thế nhưng, câu chuyện đến đây đã thực sự được “khép lại” chưa?
Theo dõi câu chuyện này, thỉnh thoảng tôi lại rưng rưng nước mắt. Có lẽ vì tôi là một người mẹ nên phần nào hiểu được nỗi đau của người trong cuộc. Tôi ước giá mà trước kia, khi nghi ngờ, chị Hương mạnh dạn đi cân ký cho con hoặc thậm chí thử ADN thì mọi chuyện sẽ khác. Cả hai gia đình sẽ không đau khổ như bây giờ.
Cái thói quen của người Việt mình, nhất là ở quê thì luôn kính trọng và coi bác sĩ như “bề trên”; cũng giống như bác sĩ, y tá, hộ lý, nữ hộ sinh, thậm chí đến những người lao công ở bệnh viện cũng tự cho mình cái quyền biết hết, hiểu hết và không cần lắng nghe tiếng nói của bệnh nhân.
Tôi đã từng sinh bé đầu ở quê nên tôi hiểu. Sau ca mổ, tôi bị sót nhau, máu ra nhiều nhưng bác sĩ vẫn đinh ninh “không có vấn đề gì”. Tình trạng này kéo dài một tuần cho đến khi cha tôi nghi ngờ có vấn đề khi mổ và dẫn đi chụp x-quang. Lúc đó mới phát hiện nguyên nhân tôi ra máu nhiều là do sót nhau. Khi đó, bác sĩ mới để ý đến tôi và cho xử lý… nạo lại.
Khi thân thể tôi cả ngày truyền nước, một bên cánh tay đã tê cứng và sưng phồng, nước truyền cũng đã hết, tôi nói mẹ tôi nhờ các cô hộ lý rút kim truyền nước ra, thế nhưng mẹ tôi đi kêu ba lần vẫn nhận được câu trả lời “để sáng mai” vì họ bận ngủ. Cho đến lúc tôi phải la toáng lên vì không chịu đựng được và dọa nói lên cấp trên thì cô ấy mới qua phòng tháo kim truyền nước cho tôi.
Tôi kể chuyện này là để cảnh tỉnh nhiều bà mẹ như mẹ tôi, như chị Hương… và nhiều người khác khi thấy nghi ngờ, bất an về sự an toàn của mình, hãy lên tiếng thật mạnh mẽ.
Công sinh thành có sánh bằng ơn dưỡng dục?
Chắc hẳn rất nhiều bà mẹ sẽ hiểu được cảm giác của hai người mẹ kia khi phát hiện mình nuôi-nhầm-con-người-khác. Liệu có người mẹ nào có thể ngừng thương con của người khác trong trường hợp quá éo le như thế?
Hai đứa trẻ, những ngày sắp tới liệu chúng có bắt đầu dần dần yêu mẹ ruột thật sự của mình mà vơi đi bớt tình thương với mẹ-không-phải-là-ruột-thịt hay chúng nó càng quấn người mẹ này hơn, càng yêu thương người mẹ này mãnh liệt hơn?
Hồi nhỏ, ở quê mẹ tôi hay nuôi một con gà mái đẻ. Khi gà mái ấp trứng, mẹ tôi bỏ vào chỗ ấp của nó vài cái trứng vịt cũng sắp nở. Mẹ tôi nói, “nếu bỏ trứng vịt vào như vầy, khi con vịt nở ra, nó sẽ thấy con gà mái đầu tiên và nó sẽ nghĩ đó là mẹ”.
Mẹ tôi nói quả không sai, khi những trứng vịt kia “khảy mỏ” và hất tung vỏ trứng ra để chào đời, nó thấy con gà mái đầu tiên. Mặc nhiên, nó nghĩ đó là mẹ; con gà mái cũng nuôi nó và tìm mồi cho nó y như những con gà con khác. Đến loài vật còn như vậy huống chi là con người. Những tổn thương của hai đứa trẻ này ai có thể san sẻ, bù đắp được cho chúng?
Sáu tuổi không phải là cả đời người nhưng đó là giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất của một đứa trẻ. Nó được bú bầu sữa thơm của mẹ, được ấp ủ bởi hơi ấm của mẹ, được nâng niu, chăm sóc từ lúc nằm nôi đến lúc biết lật, biết bò, biết đi, biết chạy và biết khóc, biết cười rồi… biết yêu thương mẹ. Và giờ đây, khi bắt chúng phải rời xa hơi ấm ấy liệu hai đứa trẻ có chịu đựng nổi tổn thương này?
Rồi những người mẹ kia, (đặc biệt là chị Hương) đã đánh đổi cả thanh xuân, cả hạnh phúc riêng mình chỉ để gìn giữ, bảo vệ đứa con không cùng huyết thống đó, liệu có chịu đựng nổi không? Liệu họ có thể nguôi nhớ thương đứa con mà mình nuôi nấng, yêu thương chăm sóc, lo lắng bằng cả tấm lòng, cả trái tim của người mẹ, chạy từ bệnh viện này đến bệnh viện khác mỗi khi con bệnh hay không?
Tình mẫu tử không thể nảy sinh từ tờ giấy xác minh ADN
Sinh thành và dưỡng dục thường đi cùng với nhau với những trường hợp bình thường. Ở đây, lại là một trường hợp đặc biệt. Chắc chắn khi hai đứa trẻ lớn lên, sẽ có người thắc mắc “không biết nó thương ai nhiều hơn?”.
Nhiều lúc người ta cũng hỏi thế để biết được tình cảm của đứa trẻ lớn lên mà có đồng thời hai người mẹ. Đứa trẻ sẽ yêu thương ai nhiều hơn vì một người có công sinh thành, một người lại có công dưỡng dục.
Tình mẫu tử không thể nảy sinh từ tờ giấy chứng nhận cùng huyết thống ADN mà phải được vun đắp từ những tháng ngày mẹ con bên nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng vượt qua bệnh tật, khó khăn…
Đổi con nhưng sao đổi được tình yêu vô bờ bến của mẹ đối với con, sao đổi được tình cảm của con đối với người mẹ đã ôm ấp, chở che mình suốt sáu năm trời?