Vụ trạm thu phí Cai Lậy 'vỡ trận': Bất hợp lý chủ trương đầu tư, mức giá thu phí

16/08/2017 - 11:35

PNO - Đến chiều 15/8, trạm thu phí dịch vụ đường bộ Cai Lậy (gọi tắt là trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) vẫn tiếp tục ngưng hoạt động sau nhiều ngày vấp phải sự phản ứng của giới tài xế.

Tạm dừng vì bị phản ứng

Ngày 15/8, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 (QL1), Tiền Giang, chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy - xác nhận, đơn vị này đã tạm dừng hoạt động thu phí tại trạm thu phí Cai Lậy và chưa thể đưa ra dự kiến về thời gian hoạt động trở lại.

Vu tram thu phi Cai Lay 'vo tran':  Bat hop ly chu truong dau tu, muc gia thu phi
Quốc lộ 1A kẹt cứng kéo dài vì tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm để phản ứng trạm thu phí BOT Cai Lậy

Theo ghi nhận của chúng tôi, chiều 15/8 tại khu vực trạm thu phí Cai Lậy chỉ có một vài bảo vệ làm nhiệm vụ hướng dẫn xe qua trạm, các buồng thu phí hầu như không có nhân viên. Được biết, trạm thu phí Cai Lậy bắt đầu “xả trạm” từ chiều 14/8 khi hàng loạt tài xế sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí với mục đích kéo dài thời gian khiến cho giao thông qua khu vực này bị ùn tắc nghiêm trọng.

Đáng nói, đây là lần thứ hai trạm thu phí Cai Lậy rơi vào cảnh “vỡ trận” do vấp phải sự phản ứng của tài xế. Trước đó, vào tối 13/8, trạm thu phí Cai Lậy đã phải tạm dừng hoạt động cho đến rạng sáng hôm sau để giảm thiểu ùn tắc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trạm thu phí Cai Lậy bắt đầu hoạt động từ ngày 1/8 vừa qua, thời gian thu phí dự kiến là 6 năm 5 tháng, mức phí mỗi lượt từ 35.000-180.000 đồng. Trạm thu phí Cai Lậy được cho là nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường QL1. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa QL1 dài 26km với trên 300 tỷ đồng.

Ngay từ ngày đầu đi vào hoạt động, trạm thu phí này đã bị các tài xế phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng và 500 đồng vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm. 

Ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho rằng các chủ kinh doanh vận tải, chủ phương tiện phản đối trạm Cai Lậy đặt sai vị trí và thu phí quá cao bằng cách đưa tiền lẻ, gây ra cảnh ùn ứ trên tuyến QL1. 

Trong khi đó, lý giải về vị trí đặt trạm thu phí, đại diện chủ đầu tư, Công ty TNHH BOT đầu tư QL1 Tiền Giang cho biết, do đơn vị này tham gia đầu tư phần tuyến tránh và sửa chữa QL1 nên vị trí đặt trạm thu phí trên QL1 là hợp lý. Việc đặt trạm thu phí đã được Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang chấp thuận.

Quá nhiều bất cập

Trước những diễn biến căng thẳng liên quan đến phản ứng của tài xế ở trạm thu phí Cai Lậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tài xế phản ứng liên quan đến mức giá thu phí và việc đặt sai vị trí trạm thu phí là hoàn toàn có cơ sở. Chủ trương đầu tư của Bộ GTVT và quy định thu phí của Bộ Tài chính đối với trạm thu phí này đang “có vấn đề”.

Tiến sĩ Phạm Sanh - một chuyên gia ngành giao thông tại TP.HCM - cho biết: “Điểm éo le ở trạm thu phí Cai Lậy là đường tránh một nơi, trạm thu phí lại ở một nơi. Có hiện tượng lập lờ giữa QL1 và tuyến tránh, đầu tư BOT và phí bảo trì, nên mới có việc phản ứng như trên”.

Cũng theo ông Sanh, Bộ GTVT đang “nhập nhằng” giữa chủ trương đầu tư và vị trí đặt trạm thu phí. Theo đó, tuyến tránh Cai Lậy được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư tại quyết định số 2174 ngày 28/7/2009; ngày 20/10/2009, Bộ GTVT có quyết định 3054 phê duyệt đề cương, dự toán công tác khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng. Đến thời điểm này, vẫn chưa có hạng mục “Tăng cường mặt đường QL1 km1987+560 đến km2014+000”.

Đến ngày 4/12/2013, Tổng cục Đường bộ đã có tờ trình số 95 về việc trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường trên QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức hợp đồng BOT. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã có quyết định số 4173 về việc phê duyệt dự án tuyến tránh và dự án tăng cường mặt đường QL1. Cũng trong quyết định này, vị trí đặt trạm thu phí là nằm trên QL1 tại vị trí km1999+900. Tuy nhiên, đến ngày 26/8/2015, các đơn vị chức năng lại quyết định chấp thuận dời trạm thu phí Cai Lậy về vị trí tại km1999+300.

Tiến sĩ Phạm Sanh cho biết, từ quy trình như trên, Bộ GTVT đã tạo ra bất cập và kẽ hở ở chỗ ngay từ đầu danh mục đầu tư không nói đến việc nâng cấp QL1 mà chỉ nói về đường tránh và thu phí đường tránh. Sau đó, Bộ GTVT lại gộp 300 tỷ đồng cho việc nâng cấp QL1 và thu phí là bất hợp lý. 

“Tôi xin nói rằng, đoạn đường nói trên xe lưu thông rất đông, đóng góp cho quỹ đường bộ nhiều, sao không lấy 300 tỷ từ quỹ đường bộ vô mà lại kêu gọi đầu tư BOT? Điểm bất hợp lý này Bộ GTVT phải giải thích cho người dân, chứ không đẩy trách nhiệm cho Tổng cục đường bộ. Người dân đang chờ Bộ GTVT lên tiếng”- ông Sanh nhấn mạnh.

Cũng theo tiến sĩ Phạm Sanh, cần xem lại mức thu phí tại trạm thu phí Cai Lậy do Bộ Tài chính ban hành. Theo đó, tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 chỉ nói mức khung thu phí, còn mức cụ thể thì Bộ Tài chính hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải căn cứ cụ thể vào cấp đường, độ dài đoạn đường và đề nghị của nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, tại Thông tư 30/2016/TT-BTC đã áp một mức giá cao chót vót mà không biết dựa trên cơ sở nào, có phù hợp hay không? Bộ có xem xét kiến nghị của nhà đầu tư về mức giá? Rõ ràng khi so sánh với mức phí cao tốc Trung Lương người dân dễ dàng thấy được mức phí tuyến tránh Cai Lậy là quá cao và họ phản ứng.

Tiến sĩ Phạm Sanh nhận định, việc người dân phản ứng trạm thu phí Cai Lậy không đơn thuần là một trạm thu phí, một tỉnh mà là phản ứng đối với cả hệ thông BOT trên cả nước. Hiện tại ai cũng biết trong cả trăm trạm BOT trên cả nước có rất nhiều trạm sai về vị trí, mức phí nhưng không ai sửa sai triệt để. Nếu không giải được những “nút thắt” nói trên thì việc người dân phản ứng việc thu phí bằng tiền lẻ chắc chắn sẽ tiếp diễn.

Ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang - cho biết, dự kiến ngày 16/8, Bộ GTVT sẽ có buổi làm việc tại Hà Nội về các vấn đề liên quan đến trạm thu phí Cai Lậy. 

Nhóm Phóng Viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI