Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc ung thư: Vẫn chỉ rút kinh nghiệm sâu sắc!

26/06/2017 - 07:00

PNO - Hình thức xử lý, đối với Bệnh viện Truyền máu huyết học, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Giám đốc Phù Chí Dũng nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TP.HCM về vụ 20.000 viên thuốc Tasigna bị tiêu hủy do hết hạn dùng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học (BV TMHH), mới đây Sở Y tế thành phố có báo cáo công tác chỉ đạo kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý cá nhân, đơn vị liên quan gửi lãnh đạo thành phố.

Vu tieu huy 20.000 vien thuoc ung thu: Van chi rut kinh nghiem sau sac!
 

Theo đó, về hình thức xử lý, đối với BV TMHH, Sở Y tế đã yêu cầu Giám đốc Phù Chí Dũng nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc. Bao gồm việc lập kế hoạch dự trù số lượng thuốc đề nghị hiến tặng của BV không sát thực tế.

Dù dự trù thuốc dùng cho sáu tháng, nhưng cả 10 tháng trôi qua, BV vẫn không sử dụng được phân nửa số thuốc đã nhận về. Điều này còn do nguyên nhân số bệnh nhân tham gia chương trình viện trợ (đồng chi trả) chỉ bằng một nửa so với số thuốc dự trù.

Tức tiếp nhận 34.608 viên, sử dụng 14.611 viên, còn tồn 19.997 viên phải tiêu hủy và dự trù 50 người tham gia, thực tế chỉ có 26 người.

Giám đốc Dũng phải rút kinh nghiệm khi ký hợp đồng tham gia viện trợ, phải xác định rõ chủ sở hữu của lô hàng Tasigna là của BV hay của Công ty Novartis Pharma Services AG.

Bởi thực tế, BV đã không thể tự quyết định khi biết số thuốc còn tồn kho khá lớn nhưng không được sử dụng cho những người bệnh ngoài chương trình. Khi gặp tình huống này, BV cũng không khẩn trương báo cáo cho Sở Y tế biết để can thiệp hỗ trợ.

Vu tieu huy 20.000 vien thuoc ung thu: Van chi rut kinh nghiem sau sac!
 

Ngoài ra, khi thực hiện các hồ sơ, thủ tục xin thuốc viện trợ phải đúng quy định và nhanh chóng, không nhận thuốc viện trợ cận đát.

Về điểm này, theo giải trình của sở với UBND thành phố, tổng thời gian từ lúc BV TMHH bắt đầu tiếp nhận thư đồng ý tặng thuốc Tasigna của Công ty Novartis đến khi hoàn tất thủ tục của chương trình là 13 tháng 8 ngày.

Trong đó, “thủ tục qua lại” giữa BV và công ty lâu nhất, mất trên bốn tháng. Sở Y tế xử lý hồ sơ mất 21 ngày, tức chậm ba ngày so với quy định. Sở giải thích do đây là lần đầu tiên giải quyết hồ sơ tiếp nhận thuốc viện trợ có điều kiện nên các chuyên viên các phòng chức năng thuộc sở còn lúng túng trong việc trao đổi ý kiến qua lại giữa các phòng ban và tham mưu cho lãnh đạo sở.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI