Vụ 'thủ phạm gây ngập' ở TP.HCM: Sở Giao thông Vận tải báo cáo gì?

28/11/2018 - 07:25

PNO - Một số cá nhân bị kiểm điểm, khiển trách, phê bình. Tuy nhiên, trách nhiệm tập thể vẫn còn chung chung.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM kết quả kiểm tra một số nội dung liên quan đến bài viết Những "thủ phạm" thực sự gây ngập ở Sài Gòn của Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 8/10/2018. 

Cá nhân bị khiển trách, phê bình

Trong báo cáo dài 13 trang, Sở GTVT TP.HCM tập trung trình bày nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến ba điểm ngập mà bài viết dùng để minh chứng về sự bất thường của công trình chống ngập. Đây là một trong nhiều nội dung báo nêu được lãnh đạo Thành ủy TP.HCM yêu cầu phải kiểm tra, làm rõ.

Vu 'thu pham gay ngap' o TP.HCM: So Giao thong Van tai bao cao gi?
Đường Nguyễn Văn Quá rất nhiều đoạn bị ngập sâu, không phải chỉ ngập 200m như báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - Ảnh: H.N.

Về nội dung báo phản ánh tình trạng ngập nhiều tuyến hẻm trên đường Phan Văn Khỏe (Q.6) do công trình thi công có dấu hiệu cẩu thả, đoàn kiểm tra Sở GTVT xác định báo đã nêu đúng tình hình ở giai đoạn thi công. Cụ thể, việc đấu nối cống dẫn dòng thoát nước khi thi công không đảm bảo đúng tiết diện và kỹ thuật dẫn đến gây ngập hẻm. Sở GTVT xác định trách nhiệm là do đơn vị thi công (Tổng công ty xây dựng số 1) cùng tư vấn giám sát (Công ty NNGV) cùng chủ đầu tư (Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị). Chủ đầu tư đã tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan.  

Đối với tình trạng tái ngập ở đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9), Sở GTVT cho biết, dự án chống ngập tuyến đường này do Trung tâm Chống ngập TP.HCM làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư hơn 217 tỷ đồng) đã thi công hoàn thành vào tháng 1/2017. “Sau khi thi công xong, diện tích ngập cơ bản đã giảm trên toàn tuyến, chỉ còn xảy ra ngập đường ở vị trí trước UBND P.Phước Long, khu vực khuôn viên chùa Thiên Minh và Trường mầm non Phước Bình (khoảng 2,88ha), khi lượng mưa trên 100mm”, Sở GTVT xác định. 

Theo Sở GTVT, nguyên nhân gây ngập ở đường Đỗ Xuân Hợp là do hệ thống thoát nước trên chưa được đầu tư đúng theo lưu vực quy hoạch chung của Q.9, hồ sơ dự án chưa được nghiên cứu đầy đủ vấn đề thoát nước của khu vực…

Lỗi do… hệ  thống

Đối với dự án chống ngập đường Nguyễn Văn Quá (Q.12), Sở GTVT cho biết, trước khi có dự án đường thường xuyên ngập khi mưa lớn và kéo dài, có lúc lên đến 120 phút. Sau khi có dự án (do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị thực hiện, tổng mức đầu tư hơn 163 tỷ đồng), các điểm ngập trên đường đã được giải quyết, riêng khu vực gần cống Cây Liêm dài khoảng 200m vẫn còn ngập. 

Sau khi nêu thực trạng ở đường Nguyễn Văn Quá, Sở GTVT kết luận: “Nguyên nhân là do việc thi công lắp đặt cống 2mx2m từ đường Nguyễn Văn Quá ra cửa xả rạch Cây Liêm trong điều kiện cấp bách, mặt bằng chật hẹp, chưa giải tỏa… là chưa phù hợp. Cần có cống kích thước lớn hơn… Đồng thời, do tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực An Sương làm khả năng tập trung nước nhanh, hệ thống cống hộp 2mx2m chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch sẽ bị quá tải…”. Theo Sở GTVT, trách nhiệm trong việc này là đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư, đơn vị thẩm định, song không đề cập trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị.

Tương tự, với dự án chống ngập đường Đỗ Xuân Hợp, dù xác định đường vẫn còn ngập sau khi công trình hoàn thành nhưng Sở GTVT  cho rằng nguyên nhân là do sự chủ quan của các đơn vị tham gia gồm đơn vị tư vấn lập dự án, phản biện, tư vấn thiết kế, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định. “Nguyên nhân mang tính hệ thống, thể hiện sự hạn chế nhận thức chung tại thời điểm lập dự án”, Sở GTVT nhìn nhận trong báo cáo trình UBND TP.HCM.

Trao đổi với phóng viên về kết quả kiểm tra của Sở GTVT, một chuyên gia về chống ngập cho rằng, báo cáo này vẫn chưa nhìn nhận đúng thực tế về những hạn chế, yếu kém trong công tác chống ngập. 

Riêng điểm ngập Nguyễn Văn Quá (Q.12), theo ghi nhận thực tế trong suốt mùa mưa 2017-2018 cũng như nhiều tài liệu chúng tôi thu thập được cho thấy, báo cáo của Sở GTVT chưa phản ánh đầy đủ về tình trạng tái ngập ở tuyến đường này. Cụ thể, sau khi công trình chống ngập hơn 160 tỷ đồng thi công hoàn thành, tuyến đường vẫn thường xuyên bị ngập sâu. Tình trạng ngập xảy ra gần như suốt cả tuyến chứ không riêng đoạn 200m gần rạch Cây Liêm như Sở GTVT báo cáo. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI