“Con sẽ bị mù thật sao mẹ?”
Nhiều ngày qua, bà Nguyễn Thị Xuân Anh (ngụ hẻm 130 đường Ni Sư Huỳnh Liên, Q.Tân Bình, TP.HCM) gõ cửa khắp nơi kêu cứu, yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết vụ việc của con mình. Trước đó, cuối tháng 3/2017, nhóm côn đồ kéo đến nhà, tấn công con gái bà, Nguyễn Thị Ngọc Trúc (16 tuổi), dã man. Tuy nhiên đến nay, vụ việc vẫn chìm trong im lặng.
|
Dù cháu Trúc bị hành hung và đã có kết quả giám định thương tích nhưng đến nay Công an Q.Tân Bình vẫn chưa khởi tố vụ án |
Trò chuyện với chúng tôi, bà Xuân Anh nghẹn ngào: “Từ lúc xuất viện về nhà đến nay, con bé thấy người lạ đến là lại trốn trong phòng, không dám ra nói chuyện. Ngoài các vết thương chằng chịt trên cơ thể, mắt trái con bé không còn thấy gì nữa. Các bác sĩ cho biết, mắt phải cháu cũng có nguy cơ mù. Mỗi lần nghe con gái hỏi “con sẽ bị mù thật sao mẹ?”, lòng tôi lại quặn thắt”.
Theo trình bày của bà Xuân Anh, ngày 30/3, trong lúc cháu Trúc đang bán trà sữa tại nhà, bất ngờ bị một nhóm gần 20 người do Phan Thị Cẩm Hằng cầm đầu, kéo đến gây rối. Khi vào quán, nhóm của Hằng mang theo hung khí liên tục đánh đập Trúc.
Sau đó, ba đối tượng giữ chặt tay Trúc, Hằng dùng dao cắt tai, gân tay, gân chân và dùng vật nhọn đâm nhiều nhát lên mặt Trúc. Chị gái của Trúc là Nguyễn Thị Ngọc Tư cùng bạn trai Võ Đình Huy chạy ra can ngăn liền bị nhóm côn đồ tấn công, gây thương tích nặng. Nhóm côn đồ rời khỏi quán khi cả ba nạn nhân nằm gục trên sàn nhà.
Trong thời gian cháu Trúc nhập viện, gia đình liên tục nhận những tin nhắn đe dọa. “Từ khi các con bị hành hung đến nay chưa đêm nào tôi được ngủ yên giấc, vì cứ lo sợ tai họa ập đến bất cứ lúc nào. Hiện, công an đã xác định nhóm côn đồ, nhưng không hiểu sao họ vẫn để chúng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”, bà Xuân Anh chia sẻ.
Kết quả giám định pháp y chưa chính xác?
Vụ cháu Ngọc Trúc bị hành hung dã man gây phẫn nộ dư luận. Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan làm rõ thông tin vụ việc, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, Công an Q.Tân Bình đã trưng cầu giám định pháp y đối với các nạn nhân. Trung tâm Pháp y (thuộc Sở Y tế TP.HCM) xác định, nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Tư bị đánh gây thương tích 4%, nạn nhân Võ Đình Huy bị thương tích 19%. Riêng cháu Nguyễn Thị Ngọc Trúc, dù bị đánh chấn thương đầu, rách vành tai phải gần đứt lìa, vỡ xoang hàm phải, vỡ nhãn cầu trái hiện không nhìn thấy hình dạng, gãy xương sườn 7, 8 phải...
Tuy nhiên, tại kết luận giám định pháp y về thương tích số 310/TgT.17 ngày 3/5/2017 của Trung tâm Pháp y, tỷ lệ thương tật của cháu Trúc chỉ 53%. Bà Xuân Anh bức xúc: “Sau khi nhận được kết quả giám định pháp y, tôi mang đến tham khảo ý kiến một số luật sư thì họ cho biết, thông tư số 20/2014TT-BYT và căn cứ thông tư liên tịch số 28/2013 Bộ Y tế - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định về tỷ lệ tổn thương do thương tích thì kết quả giám định tỷ lệ thương tật của con tôi là quá thấp”.
Tính từ thời điểm xảy ra vụ việc đến nay đã hơn 60 ngày, cơ quan chức năng đã trưng cầu giám định pháp y, nhưng Công an Q.Tân Bình vẫn chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến việc gây thương tích cho cháu Trúc. “Các đối tượng chưa hề có lời xin lỗi hoặc có bất cứ khoản bồi thường nào cho gia đình tôi, ngược lại còn tỏ ra thách thức. Gia đình tôi rất lo lắng vụ án có nguy cơ chìm xuồng”, bà Xuân Anh chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc, báo Phụ Nữ đã gửi văn bản và trực tiếp liên hệ với Công an Q.Tân Bình để tìm hiểu thông tin bạn đọc phản ánh. Tuy nhiên, đại diện Phòng Tham mưu tổng hợp Công an Q.Tân Bình né tránh: “Lãnh đạo Công an quận cho biết vụ án đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin...”.
Về việc gia đình phản ứng kết luận giám định pháp y về thương tích cháu Trúc là quá nhẹ, luật sư Hoàng Việt Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: “Theo tôi, việc bị đánh vỡ võng mạc, vỡ xoang hàm, bị cắt tai gần đứt, nhiều vết thương ở chân, ngực, đầu, má, mặt... mà chỉ thương tích 53% là chưa phù hợp với thương tích mà nạn nhân phải chịu. Chỉ tính riêng tổn thương ở mắt khiến nạn nhân không thể nhìn thấy, kết quả giám định thông thường phải trên 70%”.
Chậm khởi tố vụ án
Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.
Vụ việc Nguyễn Thị Ngọc Trúc (Q.Tân Bình) bị hành hung đến nay đã quá 60 ngày, nhưng chưa khởi tố vụ án là không đúng quy định pháp luật. Viện kiểm sát và Cơ quan Cảnh sát điều tra Q.Tân Bình có trách nhiệm trả lời cụ thể cho gia đình bị hại biết lý do chậm trễ.
Luật sư Hoàng Việt Hùng
(Đoàn luật sư TP.HCM)
|
Hoàng Lâm