Vũ Thành An - Qua 'một thời khóc than'

04/08/2017 - 10:50

PNO - Cách viết và nghe nhạc Vũ Thành An có lẽ là một trong những điều kỳ lạ thú vị của nhạc Việt.

Sự nghiệp âm nhạc đồ sộ cả trăm tác phẩm của Vũ Thành An trải từ các bản tình ca đến Nhân bản ca, Thánh vịnh, Thánh ca. Rất tiếc, bạn yêu nhạc lại không có nhiều dịp tiếp cận đến mảng Thánh ca, Thánh vịnh - những tác phẩm ông thực hiện cho nhà thờ, sau khi quyết định sống đời tin kính.

Nhưng, cũng chỉ cần một nửa kho tàng ấy cũng đủ để đưa ông bước lên vị trí của những tượng đài tân nhạc Việt Nam.

Vu Thanh An - Qua 'mot thoi khoc than'

Nhạc sĩ Vũ Thành An (đứng) kể chuyện tình không tên với khán giả TP.HCM tối 3/8 - Ảnh: Quỳnh Trang

Cách viết và nghe nhạc Vũ Thành An có lẽ là một trong những điều kỳ lạ thú vị của nhạc Việt. Khi giai điệu, tiếng hát vang lên, hầu như bất cứ khán giả nào cũng biết đó là bài gì và có thể lẩm nhẩm hát theo vài câu hay thậm chí cả bài. Thế nhưng nếu hỏi đó là bài gì thì sẽ ít có người trả lời được bởi chúng đều là những bài “không tên”.

Kể cả những bài có tên nổi danh như Đời đá vàng, Em là tặng phẩm từ trời cũng nấp dưới tên những bài không tên số 40 và 29. Bất chợt nghe “Hãy cố yêu người mà sống”, khán giả có thể hát ngay câu sau “Lâu rồi đời mình cũng qua”. Nhưng đó là bài không tên số 5 hay số 7 thì không chắc bao nhiêu người nhớ. Muốn biết, có lẽ cần xem lại bìa đĩa hoặc “hỏi Google”.

Mà thực ra nhớ những cái tên cũng chẳng để làm gì, bởi ngay chính tác giả cũng đâu nói gì đến những cái tên. Ông gọi chúng là những bài không tên và cũng không theo thứ tự sáng tác, chỉ vì chúng được viết ra cho những con người cụ thể mà ông không tiện nêu tên vì không muốn làm xáo trộn cuộc sống riêng tư của họ.

Vu Thanh An - Qua 'mot thoi khoc than'
NS Vũ Thành An (giữa)

Vũ Thành An chia sẻ trong tập sách Chuyện tình không tên (NXB Văn hóa Văn nghệ): “Nhiều người thường nói đùa nếu An có 50 bài không tên nghĩa là An có 50 người tình. Thật sự không phải như vậy. Không phải 50 người và cũng không phải… chỉ một người. Tuy nhiên trong mỗi bài hát thì chỉ liên quan đến một người mà thôi”.

Dài theo những bài không tên, công chúng nhìn thấy một Vũ Thành An luôn yêu thương nồng cháy, một An luôn chờ “Tình lấp cho đầy hư không”, một An “Thương nhau cho nhau cuộc đời”. Nhưng cũng thật xót xa, Vũ Thành An cho biết: “Chỉ riêng về tình yêu, tôi đã trải qua nhiều mối tình, nhưng không có mối tình nào đem lại hạnh phúc. Và cuối cùng, không điều nào mang lại hạnh phúc mà chỉ đem đến nỗi sầu”.

Bất kể ông đã yêu như thế nào, những gì ông có chỉ “toàn là sầu đau”, để đến nỗi ông phải “Xin đời sống cho tôi mượn tiếng”, vì “Lòng người như lá úa”, “Tình nào đã hằn vết đau”, “Để rồi đành mất nhau”. Nói như thế để mà thương người nghệ sĩ đã có một khoảng thời gian đắm đuối trong biển tình tuyệt vọng. Người nghệ sĩ ấy đã gánh trên vai cây thập giá của những cuộc tình đớn đau và nói hộ cho nỗi lòng của chính chúng ta. Vũ Thành An hóa thành “người ơn” đã nuôi dưỡng mỹ cảm của ta và cho ta những giai điệu phiêu bồng đâu đó trong trí nhớ lúc quên, lúc nhớ…

Vu Thanh An - Qua 'mot thoi khoc than'
 

Nhiều nhạc sĩ si tình, thất tình. Có người oán than, có người hờn giận và cũng có người nhẹ nhàng tiễn người đi như cách Phạm Duy nói “Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người” hay Trịnh Công Sơn bảo “Ừ, thôi em về!”. Cái khác của Vũ Thành An là sau tất cả - sau những “Thôi, em, màu môi cũng nhạt”, sau “Một đời đổ cho tình yêu” - ông đã “giác ngộ” để nhìn lại và tạ ơn đời, ơn người, để sống đời hồn nhiên.

“Mai đời có cho tôi gặp gỡ / Xin cho đôi môi em cười rạng rỡ… Để sống thêm một lần trẻ thơ” (Bài không tên số 1), “Ngày mai rồi mình cũng già, thân thể này sẽ tàn úa / Được làm người ôi diệu kỳ thay, tạ ơn trên cho sống chốn này” (Rồi cũng già) là những câu hát thấu triệt lẽ đời, đầy minh triết. Khi viết “Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng”, Vũ Thành An đã bước sang một “thế giới khác” của tình yêu, nơi ông biết rằng “Có nghìn lần tha thứ cũng chưa là ái từ” và khuyên mọi người “Hãy cảm tạ biết ơn” (Đời đá vàng).

Có cảm và hiểu được những câu từ ấy mới biết vì sao nhạc Vũ Thành An không hợp với những sân khấu lớn - nơi người ta thi nhau phô diễn các kỹ thuật hát hay sự biến báo của kỹ thuật hòa âm và “đàn áp khán giả” bằng uy lực của các nhạc cụ. Nhạc Vũ Thành An không phải kiểu nức nở, dằn vặt như Lệ Quyên mà để thủ thỉ bên tai, để kể nhau nghe như cách nhắc nhớ kỷ niệm và trao nhau sự thanh thản cuối cùng. Đó là kiểu “nhạc kể chuyện” để ta bước sang một miền không gian khác của những bản Nhân bản ca như Tâm tình lá cỏ, Hồng xuân áo mới, Dịu mát cơn mưa

Sau cột mốc 1996, Vũ Thành An không còn viết nhạc tình. Nhưng ông đã dâng cho đời một tình yêu khác trong việc chăm sóc tâm hồn tín đồ và thực hiện các công việc bác ái. Những đêm nhạc thực hiện trong chuyến trở về Việt Nam lần này của Vũ Thành An đều để góp vào quỹ bác ái của ông - cho tình yêu cuối, và đó chắc chắn không là Bài không tên cuối cùng. 

Hơn nửa thế kỷ, những “bài không tên” của Vũ Thành An vẫn vang vọng khắp các sân khấu, xuất hiện trong các album nhạc của cả các nghệ sĩ cựu trào đến lớp ca sĩ trẻ, để tiếp tục dìu dắt công chúng vào một thế giới yêu thương nồng nàn, thống khổ, cam chịu mà cũng đầy bao dung.

Thành Nhân - Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI