Vụ tham nhũng ở Vinalines: Hai bị cáo xin kháng án

27/12/2013 - 21:08

PNO - Hai bị cáo Trần Hải Sơn và Lê Văn Dương đều làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

edf40wrjww2tblPage:Content

 Bị cáo Trần Hải Sơn (53 tuổi, quê Hải Phòng) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 2 tội danh: “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án tham nhũng ở Vinalines.

Trần Hải Sơn bị TAND TP Hà Nội ngày 16/12 tuyên phạt 22 năm tù giam đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo bị cáo Trần Hải Sơn, trong quá trình xét xử, bị cáo đã nhận thức được hành vi “Cố ý làm trái…” và “Tham ô tài sản”, như đã nêu trong cáo trạng là “đúng người, đúng tội”. Bởi vậy, bị cáo Sơn mong được sửa chữa những sai lầm, khắc phục hậu quả thiệt hại do mình gây ra.

Vu tham nhung o Vinalines: Hai bi cao xin khang an
Bị cáo Trần Hải Sơn tại phiên tòa sơ thẩm

Trong đơn kháng cáo, Trần Hải Sơn mong TAND Tối cao xem xét cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong các tội danh “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái…”, xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo so với mức án cấp sơ thẩm.

Đồng thời, bị cáo Sơn mong TAND Tối cáo xem xét giảm nhẹ trách nhiệm dân sự. Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Sơn phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước 39 tỷ đồng.

Ngoài Trần Hải Sơn, bị cáo Lê Văn Dương (43 tuổi, quê Hà Nam) - Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6 - Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng làm đơn xin kháng cáo.

Bị cáo Dương cho rằng, TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái…” với vai trò là đồng phạm giúp sức, đã ký biên bản kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M không đúng thực tế, không đúng hướng dẫn BIO của Cục Đăng Kiểm Việt Nam giúp Vinalines hợp thức hồ sở khảo sát, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M là không thỏa đáng.

Trong lá đơn của mình, bị cáo Dương viện dẫn, việc được Cục Đăng kiểm Việt Nam cử đi khảo sát tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại Nga cho Vinalines.

Khi đó trong danh mục tài liệu của Cục Đăng Kiểm Việt Nam chưa có hướng dẫn để thực hiện công việc này và cũng không có quy định nào bắt buộc phải giám định ụ nổi theo hướng dẫn BIO.

“Do vậy, tôi đã vận dụng kiến thức đã học, kinh nghiệm thực tế và tham khảo các tài liệu của Cục Đăng Kiểm trong đó có hướng dẫn BIO. Sau khi hoàn thành công việc giám định hiện trường, tôi về Việt Nam lập biên bản kiểm tra giám định ký ngày 8/8/2008”.

Theo bị cáo Dương, biên bản đã được lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 6 soát xét, ký phê duyệt. Phòng Tàu biển và lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét chấp nhận để làm căn cứ lập chứng thư giám định do Cục trưởng Nguyễn Văn Ban Ký. “Điều này khẳng định tôi không làm sai hướng dẫn BIO”, bị cáo Dương viết.

Bị cáo Dương cũng cho biết, biên bản giám định lập và ký ngày 8/8/2008 của mình đã phản ánh đúng tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại thời điểm kiểm tra. Điều này được Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và các bị cáo thể hiện trong phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 12-16/12/2013.

“Đồng thời biên bản giám định do tôi lập cũng thể hiện rõ: Tuổi ụ nổi 83M được đóng mới năm 1965 tại Nhật Bản; Tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M đã bị Đăng kiểm Nga ngừng phân cấp từ năm 2006 vì còn nhiều khiếm khuyết chưa được khắc phục. Mặt khác trong phần kết luận báo cáo còn ghi rõ một số vị trí hư hỏng quá giới hạn cần phải thay mới. Điều này thể hiện ụ nổi 83M có tình trạng kỹ thuật không thỏa mãn quy phạm của Đăng kiểm Nga tại thời điểm kiểm tra. So với Nghị định 49/2006/NĐ-CP, cả hai tiêu chí tuổi ụ nổi và tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M đều không thỏa mãn để nhập khẩu vào Việt Nam”, bị cáo Dương trình bày.

Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, bị cáo Dương cũng đề nghị được xem xét vì cho rằng, việc phải bồi thường 15 tỷ đồng là không có cơ sở. “Các bị cáo khác ở Hải quan bị phạt tù dài hơn tôi mà trách nhiệm dân sự lại thấp hơn tôi”.

Theo VIỆT ĐỨC (VOV Online)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI