Vụ 'Thai phụ tử vong sau khi nâng ngực': Sai sót khi tư vấn, khai thác bệnh sử

01/09/2017 - 08:23

PNO - Ngày 31/8, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết, hội đồng chuyên môn (HĐCM) do sở thành lập vừa có kết luận về trường hợp thai phụ S.B.T. (tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) tử vong.

Thai phụ S.B.T. (tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) tử vong sau khi nâng ngực tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM) - Báo Phụ Nữ đã đề cập trong loạt bài Làm đẹp bằng dao kéo, may rủi gang tấc, đăng từ ngày 7/8.

Phát hiện dấu hiệu có thai, nhưng vẫn mổ

Qua phân tích hồ sơ bệnh án và báo cáo của các BV liên quan trong quá trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân (BN) S.B.T., HĐCM do PGS Lê Hành - nguyên Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - làm chủ tịch, đã xác định nguyên nhân tử vong là “do đợt bùng phát cấp tính của bệnh lupus ban đỏ hệ thống tiềm ẩn trên BN có thai 17 tuần không đáp ứng điều trị”.

Có ba yếu tố góp phần thúc đẩy sự bùng phát cấp tính bệnh lupus ban đỏ hệ thống này là: có thai, phẫu thuật nâng ngực và sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật.

Vu 'Thai phu tu vong sau khi nang nguc': Sai sot khi tu van, khai thac benh su
 

HĐCM ghi nhận BV Đa khoa khu vực Hóc Môn đã xác định được tình trạng nặng ngay từ đầu và đã xử lý, chuyển lên tuyến trên kịp thời. Tại BV Nhân Dân 115 - nơi tiếp nhận và điều trị cho BN từ Hóc Môn chuyển lên - đã chẩn đoán đúng, xử trí tích cực, nhưng do bệnh diễn tiến quá nặng và không đáp ứng điều trị, nên BN đã tử vong.

HĐCM nhận định, các phẫu thuật viên tại  BV Đa khoa Vạn Hạnh - nơi phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) nâng ngực cho S.B.T., không sai sót trong quá trình đặt túi ngực. Từ những yếu tố về triệu chứng bệnh lý cũng như các chỉ số sinh hóa cơ thể cho thấy, BN tử vong không do bệnh lý nhiễm trùng. 

Tuy nhiên, trong hồ sơ bệnh án thể hiện, BS Lê Tấn Hùng - Trưởng khoa PTTM BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, người đưa BN từ phòng khám của mình qua mổ tại Vạn Hạnh - đã thấy ngực của BN hơi căng và có hỏi BN có thai hay không. Cả người nhà và BN đều khẳng định không có thai. “Sai sót của BS Hùng trong trường hợp này là việc tư vấn và khai thác bệnh sử. BN có thai, mắc lupus ban đỏ hệ thống, nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật dẫn đến bùng phát bệnh cấp tính. Cô S.B.T. chưa cung cấp đầy đủ thông tin có thể do vô tình, nhưng cũng có thể biết có thai mà giấu. Cái sai ở đây là BS Hùng chưa rà soát, khám bệnh toàn diện trước khi ra y lệnh hoặc ra chỉ định phẫu thuật”, bà Mai nói.

BS Hùng có được phép mổ ngực?

Theo BS Mai, điểm sai sót của BS Hùng là kinh nghiệm quý cho các BS PTTM. Việc khai thác bệnh sử là cực kỳ quan trọng. Nếu làm không tốt, có thể dẫn đến những tai biến dẫn đến hậu quả khó lường. HĐCM cũng khẳng định việc phẫu thuật hay việc sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật là một trong những yếu tố thúc đẩy những bệnh lý mãn tính tiềm ẩn bùng phát.

Một số thành viên HĐCM đề xuất,  các BV nếu có những phẫu thuật tương tự phải yêu cầu BN khai báo kỳ kinh cuối, ghi rõ trong hồ sơ bệnh án. Khi BN thông báo quá hai tháng mà chưa có kinh trở lại, BS phải làm tiếp các xét nghiệm để chẩn đoán thai hoặc các bệnh lý liên quan đến rối loạn kinh nguyệt. HĐCM cũng khuyến cáo BV Vạn Hạnh phải rà soát, củng cố và tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình chuyên môn, đặc biệt liên quan đến quy trình tư vấn, thăm khám trước phẫu thuật.

Sở Y tế đề nghị Hội PTTM TP.HCM phải phổ biến về sai sót chuyên môn trong trường hợp hy hữu này cho các hội viên để tránh lặp lại. Các BV phải tăng cường giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn người bệnh theo các khuyến cáo mà sở đã 
ban hành.

Riêng BS Hùng, sở xác nhận vị này có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh được cấp năm 2012 với phạm vi hoạt động chuyên môn là chuyên khoa PTTM. Phòng khám của ông Hùng ở số 547A Ba Tháng Hai (Q.10, TP.HCM) được cấp giấy phép hoạt động với phạm vi chuyên môn gồm: tạo má lún đồng tiền, xăm phun lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da vùng mặt, vùng cổ, tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai. Phòng khám không được phẫu thuật nâng ngực hay cắt da bụng.

Sở Y tế khẳng định, BS Hùng có hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn từ năm 2014-2017 với BV Vạn Hạnh - nơi đủ điều kiện - thì BS này được tiến hành các phẫu thuật tại đó. Theo sở, không thể nói ông Hùng là BS răng hàm mặt, nên chỉ được chữa từ cổ trở lên, vì BS có chứng chỉ hành nghề PTTM.

Tuy nhiên, có ý kiến của giới chuyên môn cho rằng, không phải có chứng chỉ hành nghề PTTM là có thể làm tất cả các kỹ thuật. Việc thực hiện kỹ thuật nào là do ban giám đốc BV phân công cụ thể cho BS. Vậy, xin hỏi BV Vạn Hạnh có phân công BS Hùng phẫu thuật nâng ngực hay không? Ngoài ra, tại BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, BS này có được thực hiện nâng ngực? Một viên chức như ông Hùng có được phép nhận “phân công” ở cùng lúc nhiều nơi như thế?

Bà Mai cho biết, sẽ chuyển kết quả của HĐCM cho Thanh tra Sở Y tế để xem xét sai sót của BS Hùng để xử lý vi phạm nếu có.

Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Đức Minh - Giám đốc BV Răng Hàm Mặt TP.HCM - khẳng định, BS Hùng có đăng ký với ban giám đốc về việc làm ngoài giờ và phẫu thuật ngoài giờ với BV khác. 

Liên quan đến vụ việc ông Edward Hartley (53 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ) tử vong trong lúc được cắt da thừa vùng hông lưng tại Viện thẩm mỹ Việt Thành (565 Sư Vạn Hạnh nối dài, P.13, Q.10, TP.HCM) ngày 19/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đến thời điểm này vẫn không có bất cứ thông tin gì từ cơ quan điều tra. 


Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI