Vụ taxi mang băng rôn công kích đối thủ: Tài xế có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng

09/10/2017 - 08:43

PNO - Ngày 8/10, người dân TP.HCM ngỡ ngàng thấy một số taxi của hãng Vinasun dán băng rôn nội dung: “Đề nghị Grab và Uber tuân thủ pháp luật Việt Nam”, “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.

Ngay sau đó, những hình ảnh này nhanh chóng được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi, làm dấy lên nhiều tranh luận trái chiều. 

Vu taxi mang bang ron cong kich doi thu: Tai xe co the bi xu ly ve hanh vi gay roi trat tu cong cong
Hình ảnh taxi của hãng Vinasun mang băng rôn với nội dung phản đối hai hãng Uber và Grab

Hành động tự phát?

Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 8/10, hầu hết các xe của hãng taxi Vinasun ở khu vực Q.1, Q.5 đều mang băng rôn với nội dung như trên. Chia sẻ hình ảnh và thông tin này lên một diễn đàn chuyên về lĩnh vực giao thông với hơn 400.000 thành viên, nickname K.S. cho rằng, khi lưu thông trên đường, anh thấy hầu hết xe của Vinasun đều có dán băng rôn, “trăm chiếc như nhau”.

Bài đăng này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đa phần các ý kiến cho rằng đây là hành động cạnh tranh không lành mạnh giữa một hãng taxi truyền thống với các hãng taxi “công nghệ”.

Trưa cùng ngày, thông tin với phóng viên, ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Taxi Vinasun - cho biết, đây chỉ là hành động tự phát của tài xế taxi. Về biện pháp giải quyết, ông Hỷ nói sẽ nhắc nhở tài xế tháo gỡ các băng rôn.

Trưa 8/10, thông tin với phóng viên, đại diện Hãng taxi Mai Linh cho biết, taxi Mai Linh không hề dán bất kỳ băng rôn nào và sẽ xử lý tài xế nếu tự ý dán băng rôn lên xe.

Bình luận xung quanh câu chuyện này, đại diện Grab Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ kết nối và giao kết hợp đồng hiện đại, tiên tiến vào hoạt động vận tải là xu thế tất yếu trên thế giới cũng như tại Việt Nam, vì dịch vụ này không chỉ mang đến lựa chọn di chuyển an toàn, tiết kiệm và tiện lợi cho hành khách mà còn tăng hiệu quả kinh doanh của công ty vận tải, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe, giảm ùn tắc qua việc kiềm chế sự gia tăng phương tiện cá nhân lưu thông trên đường. 

“Không thể chấp nhận”

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM - cho rằng, việc taxi dán băng rôn như trên là không thể chấp nhận được, là hành vi mà pháp luật không cho phép vì có dấu hiệu cạnh tranh không công bằng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan; các cơ quan quản lý có thể xử lý hành vi này theo Luật Cạnh tranh.

Cụ thể, nếu một hãng taxi cố tình đưa thông tin không chính xác qua các băng rôn về Uber, Grab nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh thì hành vi này vi phạm điều 43 Luật Cạnh tranh: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”. 

Cũng theo luật sư Hùng, nếu tài xế tự phát dán các băng rôn như trên, họ có thể bị xử về hành vi gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông hoặc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; tùy tính chất, có thể bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự. Nếu các chủ hãng xe có sự chủ mưu, chỉ đạo thì họ phải chịu trách nhiệm về hành vi trên, nếu là đồng phạm thì chịu trách nhiệm về hành vi đồng phạm.

Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia về lĩnh vực giao thông - cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đã giao thẩm quyền cho các địa phương về việc có cho Grab, Uber tiếp tục thí điểm hay không. Do đó, về vấn đề này, các bên liên quan phải cùng ngồi lại tìm cách giải quyết vấn đề. “Việc taxi truyền thống dán băng rôn phản đối Uber và Grab đã xảy ra ở Hà Nội cách đây vài ngày, còn ở TP.HCM thì vừa mới diễn ra. Đây là việc gây mất trật tự, vì taxi đâu phải là chỗ để kích động” - tiến sĩ Phạm Sanh nhận định.

Cũng theo tiến sĩ Phạm Sanh, người dân thấy sử dụng dịch vụ của Uber, Grab giá rẻ, tiện lợi, trong khi các hãng taxi truyền thống có giá cao hơn, và dù đã đổi mới công nghệ những vẫn chưa tiện lợi. Nếu muốn cạnh tranh, các hãng taxi truyền thống phải tiếp tục đổi mới theo hướng tốt hơn Grab, Uber; còn nếu cho rằng Grab, Uber trốn thuế thì cứ trình bày với Sở Giao thông Vận tải hoặc đi kiện, chứ không thể dán băng rôn lên xe để chạy lòng vòng gây sự chú ý. 

Nguyên Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI