Ngày 19/1, phiên tòa xét xử bảy bị cáo trong vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình sang ngày thứ bảy. Bắt đầu phiên tòa hôm nay, sau phần đọc giám định pháp y của các nạn nhân trong vụ việc, VKS hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc về việc thay đổi lời khai.
“Bị cáo không bơm nước vào tank như trong cáo trạng quy kết. Bị cáo nhớ ra dựa vào lời khai của các điều dưỡng viên”, Quốc nói về việc thay đổi lời khai của mình.
|
HĐXX đọc giam định pháp y |
Theo lập luận của Quốc, máy bơm nước RO chạy tự động, nếu bị cáo bơm nước vào tank thì nước sẽ đầy và hệ thống tự ngắt. Như vậy, ngày hôm sau sẽ không bao giờ khởi động được hệ thống. Các điều dưỡng viên chỉ chạy bơm nước cấp tuần hoàn cho máy lọc thận còn hệ thống bơm cấp nước không bao giở phải ấn. Hệ thống luôn chạy tự động bơm cấp nước bị bù vào và chỉ khi có sự cố thì kỹ thuật viên mới có thể tắt hệ thống.
Trước đó, ngày 15/1, bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Thiên Sơn) cũng lên tiếng phản đối nội dung bản cáo trạng và khẳng định mình không phạm tội.
Quy định cầm tay chỉ việc?
Tiếp đó, VKS hỏi bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) về quy trình xử lý nước do bệnh viện ban hành có được dùng trong toàn bệnh viện, hay chỉ dùng tại Đơn nguyên thận nhân tạo. Ông Khiếu cho rằng đây là quy định “cầm tay chỉ việc”. Tuy nhiên, do các bác sĩ và điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên thận nhân tạo đều vắng mặt mặc dù đã được HĐXX gửi giấy mời, nên câu trả lời về quy trình này vẫn còn bỏ ngỏ.
HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) về trách nhiệm của lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực (thời điểm xảy ra vụ việc là bị cáo Hoàng Đình Khiếu và Hoàng Công Tình).
|
Bị cáo Trương Quý Dương tại phiên tòa ngày hôm nay |
Ông Dương cho biết: “Về nguyên tắc, về mặt tổ chức thì ban giám đốc quản lý đến phó khoa và điều dưỡng trưởng. Ví dụ trưởng khoa nghỉ một ngày phải báo cáo phó giám đốc bệnh viện. Phó khoa và điều dưỡng trưởng nghỉ ba ngày phải báo cáo trưởng khoa hoặc phó giám đốc. Về công tác chuyên môn giao cho trưởng khoa quyết định. Chỉ có vấn đề vượt quá khả năng thì mới phải báo cáo lãnh đạo bệnh viện. Ban giám đốc bệnh viện không can thiệp công việc của phó khoa.
Trưởng khoa phải chịu trách nhiệm chuyên môn trước lãnh đạo bệnh viện. Bị cáo cũng không có quyền vì đã phân công cho trưởng khoa”.
|
Bác sĩ Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực |
Tuy nhiên, bị cáo Dương cũng cho biết, bị cáo Khiếu có nhiều việc nhưng do đã có nói lại rằng công việc ở khoa “đã ủy quyền cho phó khoa”. Việc này không có văn bản chính thức, ông Dương cũng chỉ tìm hiểu và biết như vậy.
Bệnh viện cũng đã dự kiến đào tạo bác sĩ Hoàng Công Tình để kế thừa làm trưởng khoa năm 2016-2017. Theo ông Dương, chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng trước thời điểm sự cố là bị cáo.
Thuốc mà dùng không thì vẫn chết
Khi được hỏi về xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn AAMI, bị cáo Trương Quý Dương cho biết mình luôn đưa ra nguyên tắc “chọn tốt nhất để làm”.
“Việc này do đơn vị chuyên môn là phòng vật tư đề xuất. Đúng sai thế nào bị cáo không chuyên sâu. Hóa chất kể cả thuốc mà dùng không đúng thì vẫn chết. Hóa chất y tế nếu tồn dư vẫn chết. Thuốc tiêm quá liều vẫn chết”, bị cáo Dương nói.
Bị cáo này không dám khẳng định đầy đủ, trừ các yếu tố khách quan thì thời điểm đó đã đáp ứng được điều kiện cần thiết cho kỹ thuật chạy lọc máu.
|
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng giải đáp các vấn đề chuyên môn |
Trước đó trong phiên tòa ngày 18/1, với sự tham gia của nhiều chuyên gia về chạy thận của Bệnh viện Bạch Mai, nhiều vấn đề về quy trình chạy thận và xử lý nước sau khi sửa chữa đã được giải đáp.
Trả lời các câu hỏi của luật sư, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hoạt động của Đơn nguyên thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình và khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch mai cơ bản là giống nhau.
Trong trường hợp có sửa chữa, nếu đơn vị sửa chữa nước thông báo đã sửa xong, có thể cho chạy thận như bình thường mà không phải đi xét nghiệm AAMI.
"Ngày hôm trước nước an toàn chạy thận bình thường, sau sửa sẽ giúp cho nước sạch hơn, nhưng sẽ nguy hiểm nếu có tồn dư hóa chất. Vì vậy, người sửa chữa phải sục rửa, làm vệ sinh, phải test hóa chất. Trong trường hợp người sửa chữa báo đã xong, điều dưỡng viên kiểm tra bác sĩ hoàn toàn có thể cho ra y lệnh", PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng lý giải.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, quy trình lọc thận của Bệnh viện Bạch Mai làm theo quy định tổ chức phát triển phát triển y tế Mỹ. Đây là quy trình của quốc tế và đã được Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo dùng. Thế giới không khuyến cáo cần phải xét nghiệm AAMI. Xét nghiệm này tùy theo đơn vị yêu cầu khi có nghi ngờ khoàng 1 năm/ lần, còn xét nghiệm enditoxin 3 tháng/lần.
Theo chuyên gia này, trong việc sửa chữa, đưa axit HF vào sục rửa đường ống là sai quy trình. Bệnh viện Bạch Mai không bao giờ dùng HF trong sục rửa, vệ sinh đường ống. Với màng RO phải dùng hóa chất do Bộ Y tế quy định. Mỗi hóa chất đưa vào sử dụng đều có que thử.
“Việc kiểm tra hóa chất tồn dư có bắt buộc hay không?”, VKS đặt câu hỏi.
"Chúng tôi quy định mặc định người sửa chữa RO phải chịu trách nhiệm về nguồn nước phải đảm bảo chất lượng nước. Nếu người sửa chữa xác nhận chúng tôi chưa sửa xong sẽ bắt buộc phải dừng chạy thận", ông Dũng trả lời.
An Vũ