Vụ Sở Y tế "giam" bằng tốt nghiệp của bác sĩ: Pháp luật cho phép không?

29/09/2022 - 11:52

PNO - Sở Y tế Quảng Ngãi giữ bằng tốt nghiệp của bác sĩ dù toàn bộ học phí trước nay đều do bác sĩ chi trả, điều này pháp luật có cho phép?

Về vụ việc Sở Y tế Quảng Ngãi giữ bằng tốt nghiệp để bác sĩ về quê phục vụ?, luật sư Nguyễn Công Tín - Công ty Luật Hợp danh FDVN (Đà Nẵng) đã có ý kiến pháp lý tư vấn bồi hoàn chi phí đào tạo (nếu có) và hoàn trả bằng đại học cho người được cơ quan nhà nước cử đi học.

Theo luật sư Tín, tùy người học thuộc đối tượng nào (cử tuyển, viên chức, không phải là viên chức) mà việc bồi thường chi phí đào tạo sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của các nguồn pháp luật khác nhau.

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ (có hiệu lực đến hết ngày 23/1/2021), quy định về cử tuyển:

“Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; đào tạo viên chức theo nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập cho các vùng có điều kiện, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp”.

Trường hợp thí sinh thuộc đối tượng cử tuyển thì việc bồi hoàn chi phí đào tạo được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12, điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015).

Sở Y tế Quảng Ngãi
Sở Y tế Quảng Ngãi

Về việc Nhà nước giữ bằng đại học của người được cử đi học, Khoản 1 Điều 8 Luật giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, có hiệu lực đến ngày 1/7/2020) quy định:

“1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc trình độ đào tạo theo quy định của Luật này.

Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ”.

Khoản 1, Khoản 2 Điều 12 Luật giáo dục năm 2019 quy định:

“1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật này.

2. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương".

Điều 20 Bộ luật Lao động 2012 quy định người sử dụng lao động không được thực hiện hành vi “Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, bằng tốt nghiệp đại học được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp. Người sử dụng lao động không được giữ bản chính bằng đại học của người lao động. Ngay cả khi người học có văn bản thỏa thuận đồng ý cho Nhà nước giữ lại bằng đại học sau khi tốt nghiệp thì văn bản này cũng không làm mất đi quyền được nhận lại bằng đại học của người học.

Theo đó, luật sư Nguyễn Công Tín khẳng định: “Thứ nhất, theo quy định của pháp luật hiện hành, cho dù người học thuộc đối tượng nào trong 3 đối tượng nêu trên thì mức bồi hoàn chi phí đào tạo cũng không được vượt quá khoản tiền do Nhà nước bỏ ra, thời gian làm việc theo sự điều động của Nhà nước sau khi ra trường được cấn trừ khi giải quyết bồi hoàn chi phí đào tạo. Thứ hai, việc giữ bản gốc bằng đại học của người học là trái với quy định của pháp luật”.

Trước đó, chị Võ Thị Thu T. (SN 1997, quê ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã có đơn thỉnh cầu các cấp ngành của tỉnh Quảng Ngãi với mong muốn nhận lại bằng tốt nghiệp bản gốc mà Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đang giữ của chị.

Theo chị T, vào năm 2015, chị là một trong 7 thí sinh trong danh sách được UBND tỉnh Quảng Ngãi cử đi đào tạo Y đa khoa trình độ đại học hệ chính quy tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Chị T. cho biết, trong thời gian đi học, gia đình chị phải thanh toán toàn bộ học phí tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với số tiền 376.000.000 đồng; toàn bộ chi phí ăn ở đi lại và học tập của chị trong 6 năm học cũng do gia đình chu cấp. 

Tuy nhiên, sau khi chị tốt nghiệp, Sở Y tế Quảng Ngãi đã vào nhận bằng và giữ bằng của chị cho đến nay. Hiện, chị mong muốn được nhận lại bằng gốc nhưng Sở chưa giải quyết.

Lê Đình Dũng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI