PNO - Việc làm của Sở GD-ĐT TP.HCM rõ ràng sai trái và gây bức xúc trong giáo giới, nhưng Sở GD-ĐT không cầu thị và thể hiện ý muốn “bịt miệng” truyền thông. Điều này thật khó chấp nhận ở một cơ quan giáo dục như Sở GD-ĐT TP.HCM.
Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 6/4 có đăng bài Sở GD-ĐT TP.HCM bất chấp chỉ đạo của Thành ủy, tiếp tục... sang chảnh. Bài báo phản ánh việc Sở GD-ĐT đã bất chấp sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.HCM về việc phải "" khi tiếp tục tổ chức 3 chuyến tập huấn, tham quan học tập tại Bình Định, Đà Nẵng và Đà Lạt (dự kiến) trong tháng 3 và đầu tháng 4 mới đây. Một lần nữa, chúng tôi lại cảm thấy thất vọng khi Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn không chịu tiếp thu sự phê bình góp ý của công luận.
Trong văn bản gửi Thành ủy và UBND TP.HCM ngày 6/4, báo cáo về nội dung phản ánh trên Báo Phụ nữ TP.HCM, sở lập luận về chuyến “Tập huấn chế độ kế toán” 5 ngày (từ ngày 1-5/4) tại Đà Nẵng như sau: căn cứ vào công văn đề xuất của Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính), sở đã phối hợp với trường này cùng tổ chức.
Sở có trách nhiệm triệu tập học viên, còn phía trường chịu trách nhiệm giảng dạy. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là với vai trò đồng tổ chức, tại sao sở không đề nghị Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính tổ chức lớp tập huấn tại TP.HCM, để 233 cán bộ giáo viên không phải đi ra Đà Nẵng, và quan trọng hơn là tiết kiệm khoản chi lên đến hàng tỷ đồng. Với giá thuê cho hội trường của khách sạn Rex (có tea-break) vào khoảng 700.000 đồng/người/ngày, thì trong 5 ngày tập huấn chi phí chỉ hết khoảng hơn 800 triệu đồng. Trong khi tổ chức tại Đà Nẵng, chi phí cho chuyến đi lên đến hơn 2,5 tỷ đồng (11 triệu đồng/người).
Trong báo cáo của mình, Sở GD-ĐT cho rằng: “việc cập nhật các quy định quản lý tài chính mới là cần thiết và quan trọng…”, đồng thời sở cũng “luôn nghiêm túc thực hiện chủ trương tiết kiệm”. Nhưng rõ ràng, với những gì đã phân tích, cho thấy sở đã không thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.HCM về thực hành tiết kiệm khi tiếp tục tổ chức những chuyến đi tập huấn ở các tỉnh xa TP.HCM.
Sở nói “tiết kiệm” nhưng sao vẫn dự kiến tổ chức chuyến đi “học tập kinh nghiệm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” tại Đà Lạt vào các ngày 23-26/4 sắp tới? Đến khi Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh trong bài viết ngày 6/4, ngay trong chiều cùng ngày nhiều phòng GD-ĐT cho biết sở vừa thông báo ngưng chuyến đi này!
Một vị hiệu trưởng phản biện: “Sở luôn nói là “không ép buộc các đơn vị tham gia” nhưng không trả lời câu hỏi: đi hội họp, học tập, tập huấn xa thì ai được, ai mất và được cái gì? Tại sao không tổ chức tại TP.HCM để thuận lợi cho các trường? Dù kinh phí từ đâu thì cũng phải triệt để tiết kiệm. Xa xỉ như sở thì trường nào mà không ngao ngán”.
Cũng trong báo cáo này, sở cho rằng, việc dùng các từ ngữ như “bất chấp”, “sang chảnh”… dẫn đến gây hiểu lầm cho dư luận và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước và công tác quản lý của Sở GD-ĐT”. Nhưng, như chúng tôi từng đề cập, giá của những chuyến đi này là rất đắt đỏ. Ví dụ, chuyến đi Đà Nẵng vừa qua có giá đắt hơn giá các tour du lịch gần 900 triệu đồng. Do vậy, có lẽ chữ “sang chảnh” mà Báo Phụ Nữ TP.HCM dùng vẫn còn nhẹ. Nếu xét đúng bản chất, với số tiền chênh lệch quá lớn như các bài báo của chúng tôi đã chứng minh, tên gọi đó phải là “dấu hiệu tham nhũng”.
Còn đối với từ “bất chấp” cũng vậy. Thành ủy và UBND TP.HCM đã có chỉ đạo “không lặp lại tình trạng tổ chức các hội nghị tổng kết, sơ kết, hội nghị chuyên đề của ngành ngoài địa bàn TP.HCM gây tốn kém”, nhưng sở vẫn tiếp tục lặp lại thì phải là “chống đối” mới đúng bản chất.
Cuối bản báo cáo, Sở GD-ĐT kiến nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo Báo Phụ Nữ TP.HCM “chấm dứt tình trạng đăng tải thông tin không chính xác, không phản ánh đầy đủ sự việc gây hoang mang dư luận”. Nhưng với những gì chúng tôi đã chứng minh, việc làm của Sở GD-ĐT TP.HCM rõ ràng sai trái và gây bức xúc trong giáo giới, nhưng Sở GD-ĐT không cầu thị và thể hiện ý muốn “bịt miệng” truyền thông. Điều này thật khó chấp nhận ở một cơ quan giáo dục như Sở GD-ĐT TP.HCM.
Không ai tự dưng hào phóng
Về chuyến tập huấn về “Bài tập phát triển năng lực toán và học tập phương pháp bàn tay nặn bột” tại Bình Định 5 ngày (từ ngày 28/3 đến 1/4) với gần 100 cán bộ quản lý các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng và giáo viên các trường tiểu học của TP.HCM tham gia, sở giải thích với lãnh đạo thành phố là do Công ty cổ phần phát triển giáo dục Phương Nam (nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) tài trợ.
Tuy nhiên, nhiều cán bộ, giáo viên các trường nghe mà thở dài. Bởi theo họ, không ai tự dưng hào phóng bao giờ, nhất là với đơn vị kinh doanh. Thứ phải trả cho sự hào phóng của nhà kinh doanh chính là việc ngành giáo dục phải “mở cửa” trường học cho hàng loạt sách bổ trợ và đồ dùng dạy học tràn vào. Đó cũng chính là gánh nặng đối với giáo viên và phụ huynh học sinh.
Thực tế cho thấy, nhiều năm các trường tiểu học tại TP.HCM đã phải “mở cửa” cho Công ty Phương Nam vào quảng cáo bán sách về “phát triển năng lực toán tiểu học” từ lớp Một đến lớp Năm. Cán bộ một phòng GD-ĐT kể lại quy trình sách bổ trợ vào trường học như sau: “Sở sẽ giới thiệu xuống phòng. Phòng sẽ giới thiệu đến các trường trong các cuộc họp hiệu trưởng. Rồi hiệu trưởng các trường sẽ nhờ giáo viên thuyết phục phụ huynh mua sách cho con.
Sách bổ trợ thì vô vàn nhưng muốn vào trường học không dễ, phải chi hoa hồng. Nếu được sự giúp đỡ tiếp thị của giáo viên thì mới bán được. Theo vị cán bộ này, thông thường sẽ có khoảng 50-60% phụ huynh chấp nhận mua.
Nhưng việc này khiến giáo viên luôn phải đối mặt với những câu hỏi khó từ phụ huynh, kiểu như: chương trình học quá nặng rồi, mua sách bổ trợ làm gì nữa cô? Điều đó cũng cho thấy, dù các trường không phải tốn tiền cho chuyến đi, nhưng phải trả phí theo kiểu khác, nó khiến nhà trường mất uy tín với giáo viên và cả phụ huynh học sinh.