Vụ sở GD-ĐT TP.HCM bất chấp chỉ đạo của Thành ủy, tiếp tục... sang chảnh: Chỉ một tour dư hơn 800 triệu đồng, tiền vào túi ai?

09/04/2018 - 15:51

PNO - Chuyện “sang chảnh” của ngành giáo dục TP.HCM mà Báo Phụ Nữ TP.HCM nhiều lần phản ánh, là nỗi bức xúc không chỉ của giáo viên mà còn của lãnh đạo nhiều trường mà chúng tôi tiếp xúc.

Vì khoản tiền các trường chi cho sự “sang chảnh” quá lớn, trong khi hiệu quả thu được ai cũng thấy rõ là không có. Dù xã hội và ngay cả dư luận giáo giới bất bình, nhưng những chuyến đi như thế vẫn cứ tiếp diễn.

Vu so GD-DT TP.HCM bat chap chi dao cua Thanh uy, tiep tuc... sang chanh: Chi mot tour du hon 800 trieu dong, tien vao tui ai?
 

Tiền cho “sang chảnh” ở 1 trường: 100 triệu đồng/năm

Trả lời chất vấn của chúng tôi vào năm 2016, hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11) là ông Trần Văn Sơn (hiện đã nghỉ hưu) cho biết, khoản chi “mập mờ” bị tập thể giáo viên thưa kiện lên đến 84 triệu đồng chính là khoản chi cho các chuyến tập huấn kết hợp du lịch Đà Lạt, Nha Trang, Hà Nội và… Singapore. Tất cả những chuyến đi đó đều do Sở GD-ĐT TP.HCM triệu tập. 

Dù bị xã hội và ngay cả dư luận tại các trường lên án, nhưng những chuyến đi như thế ngày càng thêm dày. Tổng kết năm học, đi Phú Quốc. Tập huấn công tác tài chính, đi Đà Nẵng. Tập huấn chuyên môn cho bộ môn Sử, Địa, đi Côn Đảo. Rồi công tác đoàn, công đoàn, công tác đảng và hoạt động chuyên môn của các bộ môn khác như Sinh, Giáo dục Công dân, Công nghệ, Y tế… cũng phải đi xa, rất xa thành phố.

Điểm đến không dừng lại ở trong nước như Hà Nội, Tây Bắc, Đông Bắc, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng… mà còn được mở rộng ra các nước như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ…

Năm 2017, giá chuyến đi Singapore - Malaysia là 18,5 triệu đồng, Nhật Bản 39 triệu đồng, Hàn Quốc 39 triệu đồng, Úc 70 triệu đồng. Đi nước nào là do các trường tự đăng ký. Nhưng không đăng ký thì sợ làm “phật ý” cấp trên nên trường nào cũng đành “bấm bụng”. 

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận trung tâm nhẩm tính: trong 10 tháng năm 2017 (2 tháng cuối năm phải ngưng sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM phanh phui), dù không đầy đủ nhưng trường ông đã tham gia tổng cộng 8 chuyến hội họp do Sở GD-ĐT tổ chức từ trong cho đến ngoài nước với tổng chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng. Với mức chi ấy, nếu tính riêng 102 trường THPT công lập trên địa bàn TP.HCM, số tiền chi cho hội họp tổng kết, chuyên đề, tập huấn mỗi năm đã lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Nhưng nào chỉ có các trường THPT công lập, đối tượng bị “triệu tập” hội họp còn có cả các trường dân lập, tư thục, các phòng GD-ĐT, các trường THCS, tiểu học, mầm non ở 24 quận, huyện, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên. Cho nên, chi phí cho hội họp, hội nghị, tập huấn xa thành phố của ngành GD-ĐT TP.HCM hằng năm ước tính lên đến vài chục tỷ đồng.   

Chúng tôi làm bài toán, lấy chuyến đi “học tập kinh nghiệm” tại Đà Lạt sắp được tổ chức vào ngày 23-26/4 tới, sở thông báo 7,5 triệu đồng/người, nhưng giá tour tại Vietravel cũng 4 ngày chỉ có 3.190.000 đồng/người. Chuyến đi dự kiến có 200 người, số tiền chênh lệch đã là 862 triệu đồng. Số tiền này sẽ vào túi ai?

Không thấy mang lại lợi ích gì 

Khoản tiền chi cho các hoạt động hội họp “sang chảnh” nói trên được các trường tự cân đối trong nguồn ngân sách được cấp, tức là tiền của tập thể cán bộ - giáo viên - công nhân viên nhà trường. Nếu 100 triệu đồng này đem chia cho tập thể cả trường khoảng 120-140 người thì mỗi người được khoảng 700.000-800.000 đồng. Sau cả năm “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm từng viên phấn, cây bút, tờ giấy phô tô… nhưng đến cuối năm mỗi giáo viên cũng chỉ nhận được 5-7 triệu đồng thu nhập tăng thêm, thì số tiền trên không nhỏ.

Sở GD-ĐT TP.HCM ngưng chuyến đi Đà Lạt sắp tới 

Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 6/4 đăng bài Sở GD-ĐT TP.HCM bất chấp chỉ đạo của Thành ủy, tiếp tục… sang chảnh, ngay chiều cùng ngày, các phòng GD-ĐT quận, huyện cho biết: Sở GD-ĐT đã gọi điện thông báo đến các đơn vị về việc ngưng chuyến đi Đà Lạt 4 ngày từ 23- 26/4. 

Hiệu trưởng một trường bày tỏ: “Tiền nhà nước duyệt đâu vào đó cả rồi. Chúng tôi muốn tổ chức liên hoan mừng Quốc khánh 2/9, lễ 30/4, hay ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng phải cân đối dữ lắm, chứ lấy đâu ra tiền. Với 14 triệu đồng cho chuyến đi Tây Bắc của riêng tôi, nhà trường đã có thể tổ chức một bữa tiệc 20/11 cho 70 cán bộ - giáo viên - công nhân viên trong trường và cả khách mời”. 

Vấn đề còn nằm ở chỗ đồng tiền chi ra có “xứng đáng đồng tiền bát gạo” hay không? Nôm na là những chuyến đi đó đã đem lại lợi ích gì, hiệu quả gì cho công tác giáo dục của các trường, của thành phố?

Một hiệu trưởng thẳng thắn nói với chúng tôi: “Có thể trả lời ngay là chẳng mang lại lợi ích gì cả. Không nói đến những chuyến trong nước, ngay cả những chuyến học tập nước ngoài tốn rất nhiều tiền cũng không mang lại lợi ích gì cho các trường nói riêng và cho giáo dục TP.HCM nói chung. Lãnh đạo sở và lãnh đạo các trường đi học tập nước ngoài không biết bao lượt rồi. Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ… có đủ. Nhưng hãy nhìn xem họ đã rút tỉa được gì từ các nước để làm cho nhà trường và giáo dục của thành phố thay đổi, đi lên".

Bởi vậy, dư luận trong giáo giới tại TP.HCM là mong sự việc sớm được làm rõ để phân biệt đâu là “tằm” và đâu là “sâu”, để tránh tình trạng “tằm” thì cứ miệt mài nhả tơ, còn “sâu” thì ung dung đục khoét.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT - cũng thiết tha mong lãnh đạo thành phố sớm giải quyết sự việc, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với người sai phạm hoặc “giải oan” cho người bị hàm oan để ổn định tư tưởng trong ngành.

Độc quyền, sao có giá tốt

Khi giá cả của những chuyến đi bị “đẩy” lên quá cao, dĩ nhiên hiệu quả lại càng bị “âm”. Chúng tôi nhờ anh V. - một hướng dẫn viên du lịch có 7 năm đi tour và thiết kế tour - thiết kế cho chuyến đi Phú Quốc 4 ngày. Theo đó, tiền ăn cho 8 bữa ăn chính  là 1,2 triệu đồng (150.000 đồng/bữa); tiền ở là 1,5 triệu đồng/phòng, tức 750.000 đồng/người/ngày, tức 2.250.000 đồng cho 3 đêm; tiền xe và vé tham quan khoảng 350.000 đồng, tiền hướng dẫn viên khoảng 40.000 đồng/4 ngày. 

Nếu tính vé máy bay khứ hồi khoảng 3 triệu đồng và 500.000 đồng lợi nhuận/khách, thì chi phí cho toàn bộ chuyến đi vào khoảng 7,3 triệu đồng/người. Nếu đoàn đông người, chọn được thời điểm, và đi vào mùa vắng khách thì giá còn giảm hơn nữa. Thế nhưng, giá tour đi Phú Quốc từ ngày 22-25/8/2017 do sở tổ chức có giá tới 11,4 triệu  đồng, đắt hơn 1,5 lần. 

Tương tự, giá đi Hà Nội - Tây Bắc 7 ngày, theo anh V. giá tối đa (gồm cả vé máy bay) chỉ khoảng 9 triệu đồng chứ không thể lên đến 14,7 triệu đồng (đắt hơn 1,6 lần) như giá của sở tổ chức.  

Nhận xét về tour đi tập huấn nghiệp vụ kế toán tại Đà Nẵng mà Sở GD-ĐT vừa tổ chức với giá 11 triệu đồng, anh H., hướng dẫn viên một công ty du lịch khác, thè lưỡi: “Sao mắc quá vậy. Gấp đôi giá đi Thái Lan. Giá đi Thái Lan 4-5 ngày hiện được các công ty du lịch có thương hiệu chào bán với giá 5,5 triệu đồng và đó là giá bán cho khách lẻ. Nếu có khách đoàn 100-200 người thì giá còn rẻ hơn”.  

“Các tour do Sở GD-ĐT tổ chức có được tổ chức đấu thầu, chọn giá?” là câu hỏi được các trường đặt ra và tự trả lời! Bởi nếu có đấu thầu thì không thể có tình trạng một công ty độc quyền khai thác tất cả các tour do sở “thiết kế” và giá cả cũng sẽ “mềm” hơn rất nhiều so với giá bấy lâu. 

Thầy H., hiệu trưởng một trường THPT cho biết: hằng năm nhà trường đều tổ chức cho cán bộ - giáo viên - công nhân viên đi du lịch. Trước khi đi, ban giám hiệu, công đoàn và Đoàn Thanh niên sẽ khảo sát giá của ít nhất 3 đơn vị du lịch để lựa chọn dựa trên ba yếu tố chất lượng, dịch vụ và giá cả. Nếu so với giá tour của trường thì giá tour của sở bao giờ cũng đắt hơn từ 1,5 cho đến 2 lần.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI