Vụ sập trần gỗ trong lớp học: 1 học sinh bị gãy chân, 2 em chấn thương não

21/12/2023 - 17:08

PNO - Một nửa lớp trần nhà bằng gỗ đổ sập xuống khi học sinh đang học khiến 1 học sinh bị gãy chân, 2 em bị chấn thương não.

Một học sinh bị chấn thương sọ não, cột sống được chuyển ra Hà Nội cấp cứu - Ảnh: Phan Ngọc
Một học sinh bị chấn thương sọ não, cột sống được chuyển ra Hà Nội cấp cứu - Ảnh: Phan Ngọc

Chiều 21/12, bác sĩ Nguyễn Minh Tân - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An - cho biết, 2 học sinh bị thương do trần nhà đổ sập đè trúng vẫn đang được cấp cứu tại bệnh viện. Trong đó, 1 học sinh bị chấn động não, 1 em bị gãy 2 xương cẳng chân.

“Có 10 học sinh và 1 giáo viên được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trong đó có 3 em học sinh bị nặng. 1 em bị chấn thương sọ não và cột sống, có nguy cơ bị liệt cột sống đã được chuyển ra Hà Nội cấp cứu. 2 em còn lại đang điều trị ở bệnh viện, những em còn lại bị nhẹ đã được về nhà” - bác sĩ Tân nói.

Trước đó, khoảng 7g30 sáng 21/12, khi hàng chục em học sinh lớp 11A9 (Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, thành phố Vinh) đang ngồi học trong lớp thì lớp trần nhà bằng gỗ bất ngờ đổ sập, rơi xuống đè trúng nhiều em học sinh.

Sau khi xảy ra sự việc, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã yêu cầu nhà trường khẩn trương cấp cứu, đảm bảo sức khỏe và trấn an tinh thần cho học sinh; đồng thời, nhanh chóng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất nhà trường.

Lớp trần nhà bằng gỗ trong lớp học đổ sập - Ảnh: Hiếu Phạm
Lớp trần nhà bằng gỗ trong lớp học đổ sập - Ảnh: Hiếu Phạm

Công an thành phố Vinh cùng các cơ quan chức năng cũng đã có mặt tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner để điều tra nguyên nhân vụ việc.

Một lãnh đạo UBND phương Hưng Phúc cho biết, địa phương vẫn chưa nhận được thông tin về quá trình xây dựng, cải tạo của phòng học nơi xảy ra sự việc.

Chiều 21/12, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã ra công văn yêu cầu Sở Y tế Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các các bệnh viện trực thuộc và phối hợp với các bệnh viện tuyến trên, các đơn vị liên quan huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn.

Đồng thời, các đơn vị quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn vượt qua khủng hoảng; phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa qua telehealth, theo dõi điều trị cho nạn nhân tại các bệnh viện tuyến trên.

H.Anh

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI