Vụ san ủi mộ vợ vua Tự Đức làm bãi xe: Nguyễn Phước tộc kêu cứu lên Thủ tướng

02/08/2017 - 12:07

PNO - Ngày 2/8 ông Tôn Thất Viễn Bào - Chủ tịch HĐTS Nguyễn Phước tộc đã gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ Trưởng Bộ VH-TT&DL liên quan đến việc đơn vị thi công san ủi lăng mộ vợ vua Tự Đức

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ vào sáng 2/8, ông Tôn Thất Viễn Bào cho biết: "Sở dĩ họ tộc chúng tôi gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ VH-TT& vì đơn vị thi công làm công trình bãi giữ xe phục vụ tham quan lăng Tự Đức và Đồng Khánh trong khi chưa được bàn giao đất nhưng họ đã xâm phạm đến mộ bà Tài nhân Cửu giai họ Lê, phi tần của vua Tự Đức. Đây là điều mà chúng tôi và dư luận nhận thấy vô cùng phi lý và phạm pháp".

Điều đáng nói, sau 10 ngày HĐTS gửi đơn lên lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng từ đó đến nay không nhận được văn bản phản hồi. Do đó HĐTS đã làm đơn kêu cứu với quyết tâm của toàn thể bà con trong họ tộc là xây dựng lại khu lăng mộ phi tần của vua Tự Đức tại vị trí mà chủ đầu tư đã cho xe san ủi.

Vu san ui mo vo vua Tu Duc lam bai xe: Nguyen Phuoc toc keu cuu len Thu tuong
Đơn kêu cứu của Hội đồng Nguyễn Phước tộc

Theo tài liệu lịch sử thì lăng vua Tự Đức còn gọi là Khiêm Lăng được xây dựng vào tháng 12/1864, tọa lạc tại thôn Thượng 3, xã Thủy Xuân, Thành phố Huế. Nơi đây mặc dù là mộ phần tổ tiên do hậu duệ nhà Nguyễn Phúc có trách nhiệm thờ cúng nhưng lại thuộc quyền quản lý của Trung tâm bảo tồn di tích Cố Đô Huế.

Ngày 19/6 năm 2017 công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Chuỗi Giá Trị (gọi tắt là công ty Chuỗi Giá Trị) trong quá trình thi công dự án bãi đỗ xe lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh dù chưa được trung tâm phát triển quỹ đất TP. Huế giao mặt bằng nhưng vẫn thi công, san ủi mộ vợ vua Tự Đức dù cư dân ở đây đã nỗ lực ngăn cản.

Vu san ui mo vo vua Tu Duc lam bai xe: Nguyen Phuoc toc keu cuu len Thu tuong
Mặc dù người dân đã nỗ lực can ngăn nhưng đơn vị thi công vẫn cho tiến hành san ủi

Ông Tôn Thất Viễn Bào chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy rằng, dù ông giám đốc công ty Chuỗi Giá Trị Lê Quốc Tuấn đã xin lỗi và hứa khắc phục, nhưng rõ ràng hành vi ngang nhiên hết sức vô đạo này đã vi phạm điều 319 của Bộ Luật hình sự về tội “cố ý phá hủy mồ mả”.

Bên cạnh đó công ty này còn vi phạm hành vi nghiêm cấm đối với các di tích ở mục 3 điều 13 “Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ, xây dựng trái phép lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh” trong luật di sản. 

Một số người dân sinh sống ở đây cho biết đó là lăng của một bà phi tần của vợ vua Tự Đức mà dân quanh đó thường gọi là lăng Đen. Khi con cháu của dòng họ Nguyễn Phúc tộc đến hiện trường thì nơi đây đã san ủi hoàn toàn.

May mắn thay nhờ quyết tâm của một số người trong Nguyễn Phước tộc và sự hướng dẫn của cư dân, sau 3 ngày tìm kiếm trong đống đổ nát, tấm bia cổ bằng đá thanh rộng 32cm, dài 67cm và dày 10cm có khắc các chữ Hán là “Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị, Thụy Thục Thuận chi mộ”.

Vu san ui mo vo vua Tu Duc lam bai xe: Nguyen Phuoc toc keu cuu len Thu tuong
Tấm bia ghi rõ tên của một phi tần của vua Tự Đức đã được tìm thấy ngay tại khu vực san ủi làm bãi đỗ xe

Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc khẳng định mộ bà Tài Nhân đã tồn tại 124 năm và được xem là di vật văn hóa cần được bảo tồn theo luật di sản văn hóa năm 2001 do nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký.

Vì vậy lăng bà phi tần Lê Tài Nhân này cùng với lăng bà Học Phi và lăng tập thể 15 vị phi tần khác là những đơn vị di tích lịch sử văn hóa hữu cơ nằm trong quần thể di tích lăng Tự Đức, tạo nên bộ mặt thiết chế văn hóa lịch sử của một thời đại quá khứ.

Có thể nói lăng này là một đơn vị hữu cơ trong quần thể lăng Tự Đức mà lăng Tự Đức đã được xem là di tích văn hóa trọng điểm của quốc gia được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, nên hành vi phá hoại lăng bà Tài Nhân đồng nghĩa như phá hoại di tích quốc gia và bị chế tài theo các điều, 29-32-37 của Luật Di sản văn hóa.

Vu san ui mo vo vua Tu Duc lam bai xe: Nguyen Phuoc toc keu cuu len Thu tuong
Con cháu Nguyễn Phước tộc bên ngôi mộ bà Phi tần hiện tại

"Đừng tạo tiền lệ xấu khi đối xử sai với tiền nhân, đi ngược với tinh thần tín ngưỡng của nhân dân, đặc biệt là đối với di sản văn hóa thế giới, nơi mà không chỉ nhân dân cả nước ngưỡng mộ, tự hào mà cả thế giới điều yêu mến và tôn trọng", ông Bào cho biết.

Trước đó trả lời báo chí nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, việc lăng mộ bà Tài Nhân vợ vua Tự Đức bị san ủi không được xử lý đúng pháp luật và tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trương dời lăng mộ đi nơi khác là điều rất đáng buồn. Theo ông Hoa, việc đối xử đối với lăng mộ bà tài nhân họ Lê cần dựa vào tính đặc thù của di tích lăng vua Tự Đức.

Vu san ui mo vo vua Tu Duc lam bai xe: Nguyen Phuoc toc keu cuu len Thu tuong
Toàn cảnh khu mộ bà Tài Nhân họ Lê dưới chân đồi Vọng Cảnh được bảo vệ tạm thời

Cụ thể, cần phải nhìn lăng vua Tự Đức gắn với hệ thống lăng mộ các bà phi của vị vua này. Bởi lẽ, bên cạnh lăng vua và bên ngoài lăng này có hệ thống lăng mộ các bà phi, như Học Phi, Thiện Phi, cụm mộ tập trung các bà phi mà người dân gọi là lăng 15 liếp.

“Lăng mộ bà Tài Nhân họ Lê cũng nằm trong hệ thống đó. Hệ thống lăng mộ các bà phi thực sự là yếu tố làm nên tính đặc thù của lăng Tự Đức. Dù nó chưa được công nhận là di tích nhưng không có nghĩa là không được công nhận, bởi vì cơ quan chức năng chưa làm thôi” - ông Hoa nhấn mạnh. 

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI