Vụ rơi máy bay Indonesia: Không có phép mầu cho những 'con sư tử' kém an toàn

31/10/2018 - 06:11

PNO - Chiếc máy bay lao nhanh xuống biển. Cú rơi yên ắng đến mức chẳng ai tin rằng đó là vụ tai nạn, cho đến khi họ nghe tiếng va đập đinh tai lúc máy bay tiếp nước rồi vỡ toang.

Vu roi may bay Indonesia: Khong co phep mau cho nhung 'con su tu' kem an toan
Người nhà nạn nhân đau đớn sau vụ tai nạn thảm khốc

Nghi vấn trục trặc từ thiết bị đo tốc độ

Chỉ vài phút sau khi cất cánh trên hành trình rời Jakarta đến thành phố Pangkal Pinang trên đảo Bangka, chiếc Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) yêu cầu quay trở lại vị trí xuất phát và đã được trạm kiểm soát không lưu đồng ý. Nhưng gần 200 sinh mạng đã không kịp quay về.

Truyền thông ngày 30/10 đã tiếp cận được nhật ký hành trình của chiếc máy bay gặp nạn khi đang trên đường bay từ Bali đến Jakarta hôm 28/10 - một ngày trước khi máy bay này rơi; trong đó có chi tiết cơ trưởng đã bàn giao nhiệm vụ lái chính cho cơ phó vì thiết bị đọc tốc độ máy bay của cơ trưởng có sai số nghiêm trọng. Chuyến bay đã hạ cánh an toàn tại Jakarta. Thông tin này trùng khớp với thông tin do cơ quan FlightRadar24 (chuyên cung cấp dịch vụ theo dõi hành trình bay) phân tích từ dữ liệu hành trình bay của JT610.

Theo công bố ngày 29/10 của Flightradar24, máy bay sau khi cất cánh cần duy trì độ cao ổn định, nhưng lại bất ngờ bay lên cao, và việc lao xuống cũng diễn ra bất ngờ, đột ngột. Với thông tin này, các chuyên gia hàng không dự đoán có thể hệ thống ống pitot của máy bay (dùng để đo vận tốc) đã trục trặc. Tuy nhiên, CEO của Lion Air - Edward Sirait - khẳng định, vấn đề kỹ thuật trên chuyến bay từ Bali đến Jakarta ngày 28/10 đã được khắc phục.

Vu roi may bay Indonesia: Khong co phep mau cho nhung 'con su tu' kem an toan
Vật dụng của các nạn nhân trên chuyến bay xấu số được vớt từ mặt biển.
Vu roi may bay Indonesia: Khong co phep mau cho nhung 'con su tu' kem an toan
 

“Hô biến thần kỳ” cho tiêu chuẩn an toàn của Lion Air

Lion Air ra đời năm 1999, cung cấp hơn 100 đường bay chủ yếu trong khu vực Đông Nam Á, đến Australia và Trung Đông. Đây là hãng máy bay lớn nhất của Indonesia và là hãng hàng không giá rẻ lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của “sư tử” ngành hàng không Indonesia khá ấn tượng. Năm 2010, lượng hành khách của hãng là 20,5 triệu người và tăng mạnh lên 60 triệu người vào năm 2017. Tuy nhiên, Lion Air đã nhiều lần đối diện với câu hỏi về tiêu chuẩn hàng không.

Từ tháng 7/2007 đến tháng 6/2016, hãng này cùng hàng chục hãng hàng không khác của Indonesia đã bị cấm bay vào không phận các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Mỹ. Từ năm 2016 trở về trước, Lion Air chỉ được chấm 1 sao trên thang điểm 7 sao của trang web bình chọn mức độ an toàn hàng không Airline Ratings. Tuy nhiên, năm 2018, Lion Air bất ngờ được đánh giá 6 sao cũng trên hệ thống này. Nhiều người đặt câu hỏi liệu có hay không phép “hô biến thần kỳ” làm thay đổi chất lượng của Lion Air nhanh đến thế.

Từ năm 2000 đến nay, các chuyến bay của Lion Air từng gặp 15 vụ tai nạn lớn. Nhiều năm qua, không ít phi công của hãng còn bị phát hiện tàng trữ ma túy đá. Một thông tin mới rò rỉ cho biết, hãng này đã thực hiện 40 chuyến bay thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng của chính phủ.

Nhà điều tra an toàn bay - David Gleave nói với Telegraph: “Tôi sẽ không bao giờ bay với Lion Air. Hãng này có những cột mốc tăng trưởng ngoạn mục, nhưng có một lịch sử hàng không vô cùng kém an toàn. Những vấn đề bất cập trong an toàn bay của hãng vẫn chưa cải thiện. Nếu phải bay đến Indonesia, tôi thà chọn chuyến bay của hãng máy bay từ nơi xuất phát. Nếu di chuyển từ đảo này sang đảo khác ở Indonesia, tôi sẽ chọn phương tiện tàu thuyền”.

Với tai nạn lần này, hàng không Indonesia có thể phải đối diện với khủng hoảng niềm tin từ hành khách. 

Thiên Anh (theo BBC, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI