Lý Hùng: Vua Quang Trung cầm điện thoại đánh trận
Trong phim Tây Sơn hào kiệt có cảnh quay Lý Hùng trong vai Nguyễn Huệ cỡi voi dẫn đầu đoàn quân đi vào thành Thăng Long rất oai vệ. Gần 20 chục con voi nối đuôi nhau, lội nước rồi chạy lên bờ diễu hành chào đón hơn 100 dân chúng hai bên đang rất nồng nhiệt. Đây là cảnh quay khá hoành tráng, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Khi lên phim ai cũng khen chân thật, nhưng mấy ai biết ngoài hiện trường, NSND Lý Huỳnh đã từng la làng khi thấy Lý Hùng cầm điện thoại cho một anh nhiếp ảnh chụp hình.
|
"Vua Quang Trung" Lý Hùng cầm điện thoại di động |
Ông giận thật sự, nghiêm khắc hỏi Lý Hùng: "Tại sao làm như vậy? Đây là điều rất dễ gây phản cảm nếu như hình ảnh này lọt ra ngoài".
Thấy ba mình căng thẳng, Lý Hùng từ tốn giải thích: “Vì muốn hình ảnh lạ, độc cho một ảnh bìa của một tạp chí, nên con chụp ảnh để đi bìa như giới thiệu điện thoại hiện đại cho người tiêu dùng, chứ không phải những hình ảnh này lên phim. Ba cứ yên tâm, con biết thế nào là rắc-co đúng với nhân vật Nguyễn Huệ, cái này chỉ quảng cáo ấn tượng cho điện thoại thôi, chứ trên phim là không có".
Nghe giải thích có lý, lúc này Lý Huỳnh mới nhẹ nhàng yên tâm.
Mạc Can bị nhốt vì sợ sai rắc-co
Trong lần quay quảng cáo cho đoàn phim Tây, kịch bản ghi rất chi tiết: “Cần một ông già độ 60, mặt hơi khắc khổ, tướng hơi lù khù, đặc biệt phải biết vài trò ảo thuật vui nhộn…”.
Hai ngày sau, Mạc Can bước vào đoàn, chào ông Tây đạo diễn bằng một tràng tiếng Việt. Sau đó, ông trổ tài ảo thuật, khiến cả đoàn phim hào hứng vui mừng.
Không biết sau đó đoàn phim bàn bạc như thế nào mà Mạc Can ngồi chờ từ 3h chiều đến 8h tối vẫn chưa thấy ai đả động đến việc đóng phim. Hỏi thăm trợ lý thì lúc nào anh này cũng nói "chịu khó chờ một tý". Kiên nhẫn chờ đến 11h đêm thì có cô hóa trang vào thay trang phục, gắn râu, chải tóc rất chỉnh chu cho ông rồi lại… chờ. Đêm đó đoàn yêu cầu ông ngủ luôn trên ghế sofa của phòng trang điểm, vì sáng mai quay sớm.
6 giờ sáng, đoàn phim đã í ới làm việc. Các diễn viên Tây ai cũng lộng lẫy như bà hoàng. Còn ông thì vẫn… chờ.
Mãi đến gần tối Mạc Can mới được đứng trước ống kính quay, tung vài chiêu ảo thuật vòng sắt… Chỉ cảnh quay này, mất hơn ba tiếng đồng hồ và đêm đó, Mạc Can tiếp tục bị ngủ lại, vì đạo diễn "lệnh" không được về nhà.
Lòng thắc mắc nhưng ông không dám hỏi. Đến sáng hôm sau, dò hỏi tay trợ lý, Mạc Can mới biết mình đóng vai ông già ảo thuật đường phố, thấy cô gái có mái tóc đẹp và đưa mắt “dại khờ” nhìn ngây ngất, và hết!
Mạc Can la làng: “Trời đất, chỉ có vậy mà sao nhốt tôi hai đêm?”. Trợ lý trả lời tỉnh khô: “Sợ sai rắc-co ông nội ơi, cho ông về, ông đi mất tiêu tôi biết đường nào mà tìm!”.
Đến cuối ngày, đoàn phim thanh toán cho Mạc Can mỗi ngày 500 USD, cộng thêm "tiền ngủ" mỗi đêm 50USD. Tổng cộng cầm trên tay 1.100 USD, Mạc Can cứ thẫn thờ, thì ra chỉ vì sợ sai rắc-co, mà đoàn phim chấp nhận cho ông ngủ lại 2 đêm, chấp nhận tốn tiền nhiều như thế. Lúc này ông mới biết rắc-co nó có tầm quan trọng đến dường nào.
Đạo diễn Tường Phương khổ sở đi tìm anh chụp ảnh
Trong phim Dưới cờ đại nghĩa, có cảnh quay binh lính Bình Xuyên gần 100 người ăn mừng chiến thắng. Vì là phim xưa, số người tập trung đông nên không đủ số ghế cho binh lính ngồi. Thế là tổ thiết kế cho thêm vài cái ghế nhựa, tất nhiên khi quay sẽ đặt máy quay ở phần nữa người phía trên, để né được hình ảnh có cái ghế nhựa.
|
Đạo diễn Tường Phương khi quay Dưới cờ đại nghĩa |
Mọi việc tưởng xong, không ngờ một tuần lễ sau, đạo diễn "lệnh" cho người tủa ra đi tìm anh nhà báo có mặt hôm đó, vì chắc chắn anh ta đã chụp nhiều hình ảnh có ghế nhựa, nếu hình ảnh này lọt ra ngoài là xem như công cốc cho cả đoàn phim!
Có người thắc mắc, chỉ chụp hình thôi, làm gì mà căng thế. Đạo diễn nghe qua mắng như té nước: “ Mình làm phim mình biết cách né khung hình, người ta nhà báo không né được, lỡ đăng lên báo, có phải là mình bị mang tiếng làm ẩu hay không". Kết lại, ông nhấn mạnh một điều: “ Đã làm thì phải kỹ từng chi tiết nhỏ, mới có thể tránh được những sai lầm to".
Con chó… rắc-co
Trong phim Vàng của cố đạo diễn Lý Tiểu Bình có cảnh ông chủ (Đắc Vinh) vì ghét con chó ta nên đem đi bỏ ngoài đường vì cho rằng nó không có ích lợi gì cả. Cảnh này được quay ở Nhà Bè – Quận 7. Đạo diễn quy định, từ ngoài khung hình, Đắc Vinh chở con chó tới ngã ba, sau đó quăng luôn xuống đất.
Những lần tập thử thì tốt làm sao. Nhưng đến khi quay thật thì... "Máy! Diễn!" nhưng đợi hoài không thấy Đắc Vinh, đạo diễn la í ới: “Vinh ơi chạy ra đi...”, vậy mà anh cũng không xuất hiện. Cả đoàn phim thấy vậy, ai cũng hét phụ: “Anh Vinh ơi, chạy ra đi...”.
Lần này thì từ trong bụi rậm, Đắc Vinh thở hổn hễn chạy xe ra, mặt hãi hùng, đạo diễn thấy vậy la làng: “Trời ơi con chó trên xe anh đâu rồi, một mình anh thì làm được gì!”. Đắc Vinh cố nén hơi trả lời: “Nó.... nó chạy mất tiêu rồi, kiếm hoài không được tôi chạy ra báo lại!”. Đạo diễn nghe qua, như “sấm chớp ngang mày” la làng: “Trời ơi, chạy đi kiếm ngay, nó là con chó “rắc-co” đấy, không có nó là chết... tui”.
|
Vàng - chú chó diễn viên khiến cả đoàn phim khổ sở |
Quả thật, hơn 2/3 phim thu hình đã xong, bây giờ không có chó là coi như ... tiêu mạng. Cả đoàn phim phải thay nhau đi tìm... con chó giữa đêm khuya, tiếng ai cũng văng vẳng: “Vàng ơi là Vàng, mày ở đâu Vàng ơi!”.
Minh Cao: "Bê" diễn viên Hàn Quốc lên bàn thờ
Theo đạo diễn Minh Cao, trong quy trình của đoàn phim hầu hết trang phục diễn viên thì tổ phục trang lo, các vết sẹo, vết thương hay râu, mắt kính… thì có hoá trang lo, còn tổng thể thì thư ký trường quay lúc nào cũng kè kè cái máy ảnh nhỏ để ghi lại tất cả những rắc-co của các diễn viên nhằm tránh sai lầm trong những cảnh quay sau.
Được yêu mến bởi nhiều bộ phim đình đám như: Cá cược cuộc đời, Anh em nhà bác sĩ, Đôi cánh đồng tiền, Thề không gục ngã… đạo diễn Minh Cao có khá nhiều kinh nghiệm để tránh đi các lỗi "trời ơi" cho phim, ấy vậy mà vẫn bị "dính chưởng".
|
Ảnh Changmin - diễn viên Hàn Quốc bị đem lên bàn thờ trong phim Thề không gục ngã |
"Trước đây tôi từng bị dính một phốt nặng được xem là khá trầm trọng. Số là trong phim Thề không gục ngã, có cảnh một nhân vật bị chết từ nhỏ. Dù tôi đã dặn rất kỹ với tổ thiết kế, phải chọn hình ảnh làm sao không để ảnh hưởng đến bất kỳ ai và tổ thiết kế cũng rất kỹ tính, lên mạng lấy luôn hình người nước ngoài cho chắc ăn.
Vậy mà khi phim phát sóng, ngay từ những tập đầu tiên, tôi đã nhận được rất nhiều những phản hồi gay gắt từ những fan hâm mộ trung thành của thần tượng xứ Hàn Quốc là Changmin. Họ hỏi tại sao “dám” để hình anh này lúc còn nhỏ lên bàn thờ trong một bộ phim Việt Nam?", đạo diễn Minh Cao kể.
Sự cố như từ trên trời rơi xuống, anh và ê kíp nhận “gạch đá” rất nhiều từ cư dân mạng. "Lúc đó, nói thật tôi chỉ biết xin lỗi, lập tức chỉnh sửa gấp rút để chứng tỏ lòng thành. Cũng may, nhận thấy đây là sự cố vô tình, hơn nữa thấy được tinh thần thành tâm của chúng tôi, khán giả cũng nhanh chóng bỏ qua. Tất nhiên với tôi, đây là một trong những điều đáng tiếc… trời ơi nhất", anh than trời.
Lữ Đắc Long