Vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông: Những dấu mốc quan trọng

08/06/2016 - 13:41

PNO - Năm 2012, Bắc Kinh đưa tàu đến cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines. Ngay sau đó, Manila đã quyết định kiện Trung Quốc ra tòa PCA

Vu Philippines kien Trung Quoc ve Bien Dong: Nhung dau moc quan trong

Ngày 22-1-2013, Philippines khởi kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) liên quan đến yêu sách chủ quyền của TQ ở biển Đông, theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố từ chối tham gia vụ kiện. Từ đó đến nay, theo đúng tiến trình vụ kiện, Philippines đã đơn phương theo đuổi cùng sự quan sát của cộng đồng quốc tế

Ngày 27/8/2013, Tòa trọng tài Thường trực đưa ra Thông cáo báo chí yêu cầu Phillipines nộp Bản tranh tụng.

Ngày 30/3/2014, Philippines đệ trình lên Tòa Bản Tranh tụng bao gồm 10 chương đưa ra phân tích pháp lý và bằng chứng của nguyên đơn, đồng thời bảo vệ lập trường là Tòa Trọng tài có quyền phán quyết trong vụ kiện này.

Bản tranh tụng của Philippines nhìn chung liên quan đến ba vấn đề chính. Một là vấn đề pháp lý về tuyên bố chủ quyền Đường 9 đoạn của Trung Quốc (Nine-dash line hoặc Đường lưỡi bò).

Hai là danh nghĩa pháp lý của các đảo đá trong vùng tranh chấp. Ba là hoạt động của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Philippines cũng bổ sung đảo Ba Bình (Itu Aba) trong Bản Tranh tụng của mình.

Ngày 3/6/2014 là hạn cuối cùng Tòa Án đưa ra cho Trung Quốc đệ trình Bản phản biện của bị đơn. Trung Quốc từ trước vẫn duy trì quan điểm không tham gia vào vụ việc và vì thế, cũng không đệ trình Bản phản biện của bị đơn

Từ 7-13/7/2015, theo lộ trình Tòa Trọng tài tổ chức hai phiên điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc tại La Haye.

Ngày 29/10/2015, Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra “Tuyên bố (Phán quyết) về quyền tài phán và thừa nhận” đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Tòa không bác bỏ quyền tài phán với bất cứ luận điểm nào trong Bản Tranh tụng của Philippines

Phiên điều trần cuối cùng của Philippines tại PCA ở The Hague diễn ra từ ngày 24 đến 30/11/2015. Tham gia phiên tòa PCA xử vụ kiện của Philippines lần này còn có đại diện Việt Nam, Singapore, Úc, Indonesia và Thái Lan ở vị trí quan sát viên.

Tại đây, luật sư Andrew Loewenstein của đoàn Philippines đã trình bày trước tòa 8 bản đồ cổ có từ thời nhà Minh, cho thấy khu vực nằm trong “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra chưa từng là lãnh thổ của nước này. Lãnh thổ Trung Quốc ở vị trí cực nam được hiển thị chỉ đến đảo Hải Nam.

Ông Loewenstein cũng đưa ra đoạn video mô phỏng hoạt động nạo vét cát trên Biển Đông của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến môi trường. Số cát ấy được chuyển đến vị trí định trước, để phục vụ việc xây đảo nhân tạo phi pháp mà Bắc Kinh tiến hành ở vùng biển trên.

Tại tòa, Manila cũng đưa ra bằng chứng việc Trung Quốc gây áp lực lên các tập đoàn dầu khí đa quốc gia, ngăn không cho hợp tác với các công ty tư nhân của Philippines thăm dò dầu khí trên Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Giáo sư về luật Philippe Sands, người đang giảng dạy tại Đại học College London, khẳng định bãi đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, bãi Đá Subi, bãi Đá Ken Nan và bãi Ga Ven là những khu vực nhỏ thấp theo Công ước Quốc tế về luật biển của LHQ. Do vậy, những khu vực này không thể được cải tạo để trở thành những đòi chủ quyền hay các khu đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Luật sư Sands cũng đã lấy dẫn chứng từ các vụ va chạm tại Biển Đông giữa hai nước thời gian qua, trong đó có nhắc tới việc các công ty tư nhân nước ngoài thường bị Trung Quốc cản trở khi tới thăm dò khai thác. Ngoài ra, ông cũng liệt kê các vụ ngư dân Philippines bị lực lượng hải giám Trung Quốc quấy nhiễu trên Biển Đông.

Trong khi đó, dựa trên các điều 121 trong bản dịch UNCLOS bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha và Quảng Đông, luật sư quốc tế Lawrence Martin cho rằng các thực thể được coi là đá không thể có quyền lợi hàng hải, bất chấp hoạt động cải tạo của Trung Quốc.

Luật sư Martin cũng nhấn mạnh rằng những bãi đá ở Biển Đông có thể được coi là đảo theo quy định của UNCLOS nếu đó là những khu vực đời sống kinh tế và đủ điều kiện để con người sinh sống.

Luật sư Paul Reichler trong đoàn Philippines khẳng định trước tòa: “Các quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông không tồn tại trong Công ước Liên hợp quốc về luật biển''

Phía Bắc Kinh một mực phản đối việc tham dự phiên tòa PCA, cho rằng cơ quan này không đủ thẩm quyền phân xử. Trung Quốc chỉ chấp nhận đàm phán song phương với Philippines về vấn đề chủ quyền tại Biển Đông.

Tuy nhiên, lập luận này đã bị tòa PCA phản bác khi khẳng định Philippines kiện dựa trên các quy định theo UNCLOS mà hai bên đã ký kết. Phiên tòa chỉ dựa vào đó để đối chiếu xem đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông có đúng luật hay không.

Phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được PCA đưa ra vào tháng 6 này. Theo các chuyên gia dự đoán, kết quả cuối cùng sẽ có lợi đối với Philippines.

Chu Tước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI